Thu gọn đầu mối giáo dục nghề nghiệp để đầu tư có trọng điểm, chiều sâu

(Baohatinh.vn) - Sáng 28/2, đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội do Phó Chủ nhiệm Triệu Thế Hùng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh. Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng cùng dự.

Thu gọn đầu mối giáo dục nghề nghiệp để đầu tư có trọng điểm, chiều sâu

Các đại biểu tham dự buổi làm việc

Thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và các văn bản chỉ đạo, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành các văn bản thể chế hóa các chính sách của Nhà nước, chương trình hành động thực để hiện công tác GDNN; công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về chính sách, tư vấn học nghề và giải quyết việc làm đến với người dân được thực hiện kịp thời, nghiêm túc với hình thức đa dạng, phong phú; tổ chức các hoạt động giám sát việc thực hiện Luật GDNN và thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với người lao động, HSSV, đội ngũ giáo viên tại các cơ sở đào tạo.

Thu gọn đầu mối giáo dục nghề nghiệp để đầu tư có trọng điểm, chiều sâu

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Thị Mai Hoa trình bày báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp tỉnh Hà Tĩnh

Mạng lưới các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh từng bước được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực hiệu quả. Số cơ sở GDNN đã giảm từ 31 cơ sở (năm 2015) đến nay còn 24 cơ sở, gồm: 4 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 4 trung tâm dạy nghề, 10 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện và 1 phân hiệu trường cao đẳng trực thuộc Bộ Công thương. Trong đó, có 2 trường cao đẳng được Chính phủ lựa chọn để phát triển thành trường chất lượng cao, 30 ngành nghề tại 7 trường cao đẳng, trung cấp công lập được Bộ LĐ-TB&XH lựa chọn để phát triển nghề trọng điểm.

Thu gọn đầu mối giáo dục nghề nghiệp để đầu tư có trọng điểm, chiều sâu

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Nguyễn Việt Hương đặt ra các câu hỏi: Chúng ta đã thực hiện công tác truyền thông như thế nào? Truyền thông hướng tới thay đổi nhận thức, quảng bá ngành nghề, các sản phẩm đào tạo, hỗ trợ của Nhà nước đã đến được với người dân hay chưa?"

Các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh có năng lực đào tạo trên 60 ngành, nghề ở tất cả các lĩnh vực. Tổng quy mô tuyển sinh học nghề hàng năm là 23.785 người. Đội ngũ giáo viên cơ bản đạt chuẩn, đảm bảo chất lượng giảng dạy. Các chính sách, hỗ trợ về giáo dục nghề nghiệp được tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời. Ước tính, khoảng 80% HSSV có việc làm và thu nhập ổn định sau khi tốt nghiệp.

Thu gọn đầu mối giáo dục nghề nghiệp để đầu tư có trọng điểm, chiều sâu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng: Mong đoàn giám sát tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của tỉnh để bổ sung, sửa đổi các chính sách, phát triển công tác giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành cũng đã làm rõ một số vấn đề đoàn giám sát quan tâm; đồng thời kiến nghị: Cần có quy định cụ thể hơn trong phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT, tỷ lệ học sinh vào các trường đại học; điều chỉnh, bổ sung Luật GDNN trong quy định cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. Bộ LĐ-TB&XH tham mưu, xây dựng cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo nghề; ban hành mức chi phí đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng.

Sau khi thông tin thêm với đoàn công tác về tình hình kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh đã trao đổi thêm về kết quả đào tạo nghề của tỉnh nhà thời gian qua.

Thu gọn đầu mối giáo dục nghề nghiệp để đầu tư có trọng điểm, chiều sâu

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh: “Tỉnh đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản và CHLB Đức”

Tỉnh đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản, CHLB Đức để nâng cao chất lượng đào tạo, GDNN. Vận dụng tối đa hiệu quả chính sách của Trung ương, gắn với các chính sách của tỉnh nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, nổi bật như: chính sách phân luồng học sinh; thu hút các giáo viên giỏi, đội ngũ kỹ thuật có tay nghề cao tham gia đào tạo nghề; sử dụng các nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng, dạy nghề là hướng đào tạo quan trọng về nguồn nhân lực, do đó phải chủ động nắm bắt cơ hội trong xu thế hội nhập quốc tế, cách mạng 4.0; tăng nguồn lực quốc gia trong đầu tư phát triển đào tạo nghề, tiến hành rà soát để có sự hỗ trợ hợp lý.

Kết luận buổi làm việc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội Triệu Thế Hùng đánh giá cao sự quan tâm của tỉnh Hà Tĩnh đối với công tác GDNN, đặc biệt trong quy hoạch phát triển GDNN, thu gọn đầu mối để tập trung đầu tư có trọng điểm, có chiều sâu, phân luồng học sinh các cấp.

Thu gọn đầu mối giáo dục nghề nghiệp để đầu tư có trọng điểm, chiều sâu

Phó Chủ nhiệm Triệu Thế Hùng đánh giá cao sự quan tâm của tỉnh Hà Tĩnh đối với công tác giáo dục nghề nghiệp

Phó Chủ nhiệm Triệu Thế Hùng đề nghị các sở, ngành có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác phát triển GDNN, đặc biệt quan tâm tới các em học sinh đang theo học bổ túc văn hóa kết hợp học nghề, đưa ra các chính sách cụ thể hơn đối với thầy cô GDNN, quan tâm, bồi dưỡng, đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên.

Đối với các cơ sở GDNN, trong điều kiện kinh tế thị trường và tự chủ cao, nhà trường cần có quy hoạch sâu hơn về ngành nghề mũi nhọn, trọng điểm, tạo được thương hiệu riêng; tập trung đầu tư vào ngành nghề mới, đón đầu phục vụ nền công nghệ thời kỳ 4.0.

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast