WB khuyến nghị 7 ưu tiên để Việt Nam phát triển bền vững

“Giữ nguyên con đường đang đi khó có thể nâng tầm Việt Nam để đi theo thành công của các nền kinh tế như Hàn Quốc và Đài Loan”, báo cáo đánh giá Quốc gia (SCD) của Ngân hàng Thế giới (WB) viết.

Tuy không công bố nhưng báo cáo đã đánh giá cập nhật tình hình phát triển của Việt Nam và là báo cáo để WB chuẩn bị lập chiến lược mới tại Việt Nam. Với tựa đề “Tiếp bước thành công”, báo cáo chỉ ra những thành tựu thực sự rất ấn tượng Việt Nam đạt được trong quá trình phát triển suốt chặng đường 30 năm qua và cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam có viễn cảnh phát triển tươi sáng, nhiều tiềm năng để duy trì và phát triển bền vững những thành công thần kỳ đã đạt được. Nhưng kết quả không thể tự đến một cách dễ dàng.

wb khuyen nghi 7 uu tien de viet nam phat trien ben vung

Môi trường thể chế kinh doanh của Việt Nam vẫn là một sân chơi chưa bình đẳng, làm giảm đáng kể động lực và năng lực tăng trưởng và phát triển của các DN tư nhân trong nước

Với những thành tựu ấn tượng của Việt Nam được nêu trong báo cáo, bà Victoria Kwakwa - Phó Chủ tịch phụ trách Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB bình luận: “Từ chỗ là một trong những nước nghèo nhất cách đây mới chỉ một thế hệ, Việt Nam nổi lên thành quốc gia thu nhập trung bình với một nền kinh tế năng động. Từ chỗ đứng ngoài vòng quay thương mại thế giới khi bắt đầu công cuộc chuyển đổi, Việt Nam ngày nay là quốc gia xuất khẩu đáng gờm và điểm đến lớn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài”.

Chỉ ra tương lai tươi sáng, báo cáo cũng lưu ý Việt Nam phải đối mặt với những lựa chọn mới và phức tạp hơn. Trong đó, những yếu kém về quản trị Nhà nước đang trở thành lực cản đối với tăng trưởng và bước tiến về xã hội trong tương lai.

Theo các chỉ tiêu quốc tế, Việt Nam đạt kết quả tương đối tốt về hiệu lực của Chính phủ và ổn định chính trị, kiểm soát tham nhũng và pháp trị cơ bản, nhưng lại thua kém các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp hơn về tiếng nói của người dân, trách nhiệm giải trình và chất lượng của các văn bản pháp luật.

Quá trình chuyển đổi sang các thể chế thị trường hiện đại của Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện. Các DN tư nhân vẫn phải cạnh tranh trên sân chơi đang có lợi cho các DNNN và DN có các mối quan hệ thân quen. Và những yếu kém và sự manh mún trong quản lý hành chính công đang làm hạn chế năng lực của Chính phủ trong việc đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công.

Và để hỗ trợ Việt Nam duy trì bền vững những thành tựu đã đạt được và hoàn thành các mục tiêu mới đặt ra cho tương lai, WB đã khuyến nghị những ưu tiên cần làm của Việt Nam.

Ưu tiên thứ nhất là những chính sách thích hợp hướng đến giảm nghèo cho người dân tộc thiểu số. Theo thống kê của WB, đến năm 2020, 84% số người vẫn còn nghèo là người dân tộc thiểu số.

Ưu tiên thứ hai là cung cấp hạ tầng phục vụ sản xuất và các đô thị có năng lực cạnh tranh. Tắc nghẽn hiện tại về hạ tầng có nguy cơ gây trở ngại cho tăng trưởng và tạo việc làm, đặc biệt ở các ngành dịch vụ, các ngành sản suất và chế biến đem lại giá trị gia tăng cao. Nên đặt mục tiêu huy động sự tham gia tích cực hơn của khu vực tư nhân về đầu tư vốn và cung cấp trực tiếp hạ tầng.

Ưu tiên thứ ba là tăng cường các thể chế thị trường và quản lý kinh tế vĩ mô bởi dù Việt Nam đã duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng nợ công tăng và khu vực tài chính đang rất dễ tổn thương do đang tồn tại nhiều nguy cơ. Bên cạnh đó là những tồn tại của các thể chế thị trường chưa đầy đủ, và môi trường đầu tư phiền toái là những trở ngại cho tăng trưởng năng suất, đặc biệt đối với khu vực tư nhân trong nước.

Ưu tiên thứ tư là chuyển đổi nông nghiệp và sử dụng tài nguyên. Cách thức sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam vừa cho năng suất thấp gây tác động xấu đến môi trường với mức độ tương đối lớn và rộng.

Vì năng suất thấp, công nghệ kém nên phải mở rộng diện tích diện tích trồng, lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu và nước cho cây trồng, sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Cần được thay đổi bằng các biện pháp nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi từ quy trình sản xuất đến công nghệ để nâng cao năng suất.

Cần hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân và hệ thống phân phối thực phẩm nông sản đang phát triển. Hội nhập theo chiều dọc trong chuỗi giá trị, cải thiện chất lượng và đầu tư cho chế biến thực phẩm giúp tạo ra việc làm chất lượng cao và đẩy mạnh sinh kế ở nông thôn.

Ưu tiên thứ năm là điều chỉnh cung cấp các dịch vụ công về y tế, an sinh xã hội và giáo dục cho phù hợp với những kỳ vọng mới và cấu trúc dân số thay đổi.

Ưu tiên thứ sáu là nâng cao khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu và giảm ô nhiễm môi trường.

Ưu tiên cuối cùng là phải quan tâm hiện đại hóa những thể chế cốt lõi để tạo điều kiện tiếp tục hỗ trợ cho nền kinh tế thu nhập trung bình đang phát triển nhanh chóng.

Nền hành chính công và Chính phủ hiệu quả là những điều kiện tiên quyết để thực hiện sáu ưu tiên được nêu ra trong báo cáo này. “Đây là những thách thức đòi hỏi hành động kiên quyết và mạnh mẽ. Và cần có nghị trình cải cách toàn diện, trong đó cần đưa ra các hành động cụ thể”, bà Victoria Kwakwa khuyến cáo.

Theo Thời báo Ngân hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast