Quốc tế đánh giá cao nỗ lực thực hiện MDGs của Việt Nam

Trong phiên họp cấp Bộ trưởng thường niên của Hội đồng Kinh tế Xã hội (ECOSOC) diễn ra tại Geneve trong các ngày 1 - 4/7, cộng đồng quốc tế đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện tốt và hoàn thành trước thời hạn một số Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs).

ECOSOC là diễn đàn trung tâm của Liên Hợp Quốc, chuyên thảo luận về các vấn đề kinh tế và xã hội quốc tế.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương dẫn đầu đã có bài tham luận về chủ đề "Vai trò của khoa học, công nghệ, sáng tạo, tiềm năng của văn hoá phục vụ phát triển bền vững và đạt được MDG" tại phiên họp cấp cao chiều ngày 1/7.

Việt Nam được chọn là một trong ba quốc gia tự nguyện chia sẻ những kinh nghiệm và các kết quả đạt được trong quá trình phát triển đất nước.

Đại biểu các nước như: Lào, Hàn Quốc, Mozambique... đều có những nhận xét và đánh giá cao những thành tựu đạt được của Việt Nam. Tính đến hết năm 2012, Việt Nam đã hoàn thành một phần lớn MDGs cam kết trước cộng đồng quốc tế.

Việt Nam đã đạt mục tiêu giảm một nửa tỷ lệ nghèo (MDG 1) vào năm 2002 và tiếp tục đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong công cuộc giảm nghèo, tỷ lệ nghèo năm 2010 chỉ còn 10,7%. Việt Nam cũng đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học (MDG 2) theo chuẩn của Việt Nam vào năm 2000, đến nay, tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi bậc giáo dục tiểu học đạt 97,7%.

Những tiến bộ nhanh chóng được ghi nhận trong việc tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ (MDG 3). Chăm sóc sức khỏe trẻ em và tăng cường sức khỏe bà mẹ (MDG 4 và MDG 5) cũng ghi nhận những thành tích đáng kể.

Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong việc thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển (MDG 8), giúp huy động được các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, hỗ trợ phát triển chính thức và tận dụng các cơ hội của tự do hóa thương mại cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo.

Tuy nhiên, là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất của tình trạng biến đối khí hậu, có nhiều lý do để lo ngại rằng biến đổi khí hậu sẽ tăng tính dễ bị tổn thương của một bộ phận dân số Việt Nam và là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tái nghèo. Đây chính là một trong những thách thức lớn của Việt Nam trong những năm tới để có thể thực hiện mục tiêu đảm bảo bền vững về môi trường (MDG 7).

Theo Chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast