Học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về tính chiến đấu của báo chí cách mạng

Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng là một thành tố cấu thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng bao gồm những quan điểm toàn diện, sâu sắc về vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam.

Cuộc đấu tranh cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta giành mục tiêu "Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội" là cuộc chiến đấu toàn diện trên tất cả các mặt trận. Báo chí là một trận địa trên mặt trận tư tưởng văn hoá. Hồ Chủ tịch nói: "Cán bộ báo chí là chiến sỹ cách mạng, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng". Bản chất chiến đấu của sự nghiệp cách mạng quyết định tính chiến đấu của báo chí cách mạng. Tính chiến đấu của báo chí cách mạng trực tiếp phản ánh, làm sâu sắc thêm bản chất chiến đấu của sự nghiệp cách mạng đất nước.

Học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về tính chiến đấu của báo chí cách mạng ảnh 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại buổi làm việc với cán bô, phóng viên Báo Sự thật ở Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, tính chiến đấu của báo chí cách mạng là chiến đấu phụng sự Tổ quốc và nhân dân, vì mục tiêu cao cả của cách mạng, chiến đấu để xây dựng chế độ mới, bảo vệ lợi ích của đất nước, của nhân dân, chiến đấu với kẻ thù, chiến đấu bảo vệ và đề cao cái đúng, cái tốt, cái đẹp, đẩy lùi, khắc phục những thói hư tật xấu trong xã hội và trong mỗi con người. Tính chiến đấu được thể hiện xuyên suốt trong hoạt động báo chí của Hồ Chủ tịch.

Theo GS-TS Tạ Ngọc Tấn: "Khi đối mặt với kẻ thù, với tư cách lãnh tụ của dân tộc, Hồ Chủ tịch lịch lãm, đàng hoàng bao nhiêu, thì với tư cách nhà báo đứng trước cái xấu, cái ác, Người sâu sắc, quyết liệt, sắc sảo, căm giận bấy nhiêu. Người không ngần ngại dùng cách nói, dùng từ ngữ… thích hợp nhất để lên án, đấu tranh, vạch mặt, đánh đổ kẻ thù. Nhưng trước những hạn chế trong nội bộ nhân dân, Người lại nhân hậu, bao dung, xây dựng để sửa chữa, tiến bộ".

Tính chiến đấu được thể hiện trên các tác phẩm báo chí, bài viết, bài nói của Hồ Chủ tịch, trong đó tiểu phẩm báo chí được Người đặc biệt sử dụng - bởi hiệu quả trực tiếp của thể loại này. Đó là 169 tiểu phẩm đặc sắc của Bác đăng trên các tờ "Người Cùng Khổ" từ năm 1922 đến 1925, Cứu Vong Nhật Báo (Trung Quốc) 1940, Cứu Quốc, Sự Thật, Nhân Dân, từ 1941 đến 1968. Trong đó, từ năm 1950 đến năm 1967, Bác đã viết 19 tiểu phẩm lên án sự can thiệp chính trị và vũ trang của Mỹ vào Đông Dương và Việt Nam; vạch trần âm mưu thâm độc trong chiến tranh "xâm lược văn hoá" của chúng đối với Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.

Báo Cứu Quốc ra ngày 25-7-1952, trong bài "Chiến tranh nhồi sọ", Bác viết" "Mỹ đang ra sức xâm lược văn hoá để hủ hoá và gieo rắc bệnh phục Mỹ, tin Mỹ, sợ Mỹ vào nhân dân, nhất là thanh niên". Trong bài "Tuyên truyền" - Báo Nhân Dân ngày 25-5-1954, Bác viết: "Chúng dùng đủ mọi cách, mọi dịp để tuyên truyền phá hoại tâm lý và tinh thần của nhân dân ta... Thế mà có nhiều cán bộ ta xem khinh việc tuyên truyền của địch... Nghĩ vậy là lầm to là chủ quan khinh địch, là rất nguy hiểm, là để một thứ vũ khí rất sắc bén cho địch chống lại ta". Bài "7000 tấn thuốc độc" - Báo Nhân Dân ngày 1-7-1955, Bác cảnh báo: "Ngoài kinh tế, quân sự, chính trị, đế quốc Mỹ đang xâm lược miền Nam bằng văn hoá"…

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về tính chiến đấu của báo chí cách mạng thì, xây dựng xã hội mới, cuộc sống mới là một cuộc chiến đấu vẻ vang, nhưng vô cùng gian khổ và phức tạp, nó cũng đòi hỏi sự hy sinh phấn đấu không kém gì trong chiến tranh. Trong cuộc đấu tranh ấy, những nhân tố tích cực, điển hình tích cực không ngừng nảy nở, phát triển, nhưng những nhân tố tiêu cực, lực cản cũng không ngừng xuất hiện.

Tính chiến đấu của báo chí cách mạng phải thể hiện mạnh mẽ trong việc biểu dương các nhân tố tích cực, cái đúng, cái mới, cái tốt để nhân rộng thành phong trào, đồng thời phải phê phán mạnh mẽ nhân tố tiêu cực, cái sai, cái xấu... nhằm đẩy lùi, khắc phục chúng. Xây và chống luôn luôn là hai mặt của một vấn đề. Phải lấy xây để chống, chống để xây, trong đó xây dựng là cái cơ bản nhất. Biểu dương đi đôi với phê phán là một động lực của sự phát triển.

Ngay sau hoà bình ở miền Bắc, Bác đã yêu cầu các báo mở chuyên mục "Người tốt, việc tốt", và thông qua chuyên mục này trên các báo Trung ương và địa phương, Người đã cho xác minh và tặng "Huy hiệu Bác Hồ" cho hàng trăm người đủ mọi lứa tuổi, công việc, thuộc các dân tộc đã làm được việc tốt. Xây để chống, theo chỉ đạo của Hồ Chủ tịch, trong kháng chiến cũng như trong hoà bình xây dựng, nhiều phong trào thi đua, điển hình tiên tiến do báo chí phát hiện, quảng bá, nhân rộng đã thực sự trở thành phong trào cách mạng sâu sắc, như: "Gió Đại Phong, Cờ Duyên Hải, phong trào Ba Nhất", "Xoá đói giảm nghèo", "Thanh niên lập thân lập nghiệp", "Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà", "Cánh đồng 50 triệu/ha"...

Hồ Chủ tịch luôn nhắc nhở, có phê bình phải có tự phê bình, đó là vũ khí rất sắc bén giúp chúng ta sửa chữa sai lầm, phát triển ưu điểm. Nhưng phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, trị bệnh cứu người. Theo lời dạy của Bác, các báo mở chuyên mục "Ý kiến bạn đọc", "Viết theo dấu thư bạn đọc", "Điều tra theo yêu cầu bạn đọc"...

Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập, thực hiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đất nước ta có nhiều thời cơ, vận hội phát triển, nhưng cũng đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức khó lường. Trong đó, các thế lực thù địch đang triệt để tận dụng mọi điều kiện và mọi cơ hội thực hiện "Diễn biến hoà bình" chống phá mục tiêu, lý tưởng của Đảng và nhân dân ta.

Ních - xơn (nguyên Tổng thống Mỹ), trong cuốn "Chiến thắng không cần chiến tranh", sau khi mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, đã viết: "Rốt cuộc sự cạnh tranh giữa các hệ thống xã hội cuối cùng, cái có tác dụng quyết định đối với lịch sử là tư tưởng chứ không phải là vũ khí". Trước đó, G.Kainan - chiến lược gia chính trị Mỹ, tác giả chiến lược "diễn biến hoà bình", khẳng định: "Hoa Kỳ không có khả năng tiêu diệt Liên Xô bằng vũ lực, muốn chiến thắng phải sử dụng các thủ đoạn phi quân sự, thực hiện diễn biến hoà bình làm thay đổi chính quyền nhà nước XHCN".

Chiến lược "diễn biến hoà bình, không đánh mà thắng" được các đời Tổng thống Mỹ triệt để vận dụng, phát triển không ngừng. Chiến lược "diễn biến hoà bình" của Mỹ và phương Tây, sau khi hoàn thành "sứ mệnh" ở Liên Xô, Đông Âu (tại Trung Quốc, chúng có kịch bản vụ động loạn chính trị 1989 nhưng bị thất bại), tập trung mũi nhọn vào các nước thuộc Liên Xô cũ, các nước XHCN còn lại, trong đó có Việt Nam, bằng các "Cuộc cách mạng sắc màu", và "tự diễn biến"…

Trong bối cảnh trên, hơn lúc nào hết, mỗi nhà báo càng phải thấm nhuần sâu sắc toàn bộ Tư tưởng Hồ Chí Minh và Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, trong đó có tính chiến đấu của báo chí cách mạng. Can thiệp trắng trợn lật đổ chế độ, lật đổ nhà nước hợp hiến ở nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang diễn ra gần đây, các thế lực thù địch bên trong và bên ngoài đã triệt để lợi dụng vũ khí thông tin trong việc bôi nhọ, nguỵ tạo sự kiện, kích động nổi loạn, và can thiệp chính trị, vũ trang... "Diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch vào lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hoá đang được hậu thuẫn đắc lực của mạng thông tin xã hội, Internet, Blog, điện thoại di động... Đây là những phương tiện thông tin rộng khắp, tức thì, trực tiếp đến từng người… không thể kiểm soát một cách hữu hiệu.

Tính chiến đấu của báo chí cách mạng trong bối cảnh mới của quê hương, đất nước đang đặt ra sứ mệnh mới cho mỗi nhà báo và mỗi cơ quan báo chí. Để hoàn thành sứ mệnh vẻ vang trong cuộc chiến đấu mới, mỗi người làm báo phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, học tập, làm theo Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng.

Theo congluan.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast