Hoàng hôn xa lắc

Thằng bé lại nằng nặc đòi bà nội dẫn đi thả diều. Chị miễn cưỡng bước theo. Từ lâu, chị rất sợ gặp lại hoàng hôn. Nó là những vết thương ứa máu…

Ngày bé, chị cũng đã say mê chạy trên triền đê này, gió nam mát rượi lùa vào chân tóc khét nắng. Cỏ may xâu kín ống quần. Một bên, dòng sông màu ngọc mải mốt chở ráng chiều về biển xa. Bên kia, những cánh đồng vào mùa gặt như tấm thảm vàng trải tít tắp, nồng nẫy mùi rơm rạ. Những cụm tre thầm thì xanh. Bầu trời cũng xanh một sắc trứng sáo trẻ con. Tiếng chim rơi trong vườn chiều cũng xanh xanh... Tất cả, tất cả đều như cố làm cho cánh diều của lũ trẻ nít được đỏ thắm trong không trung... Thế rồi chiến tranh. Khói bom trùm xóm mạc. Mười bảy tuổi chị đã ra trận.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bà ơi, chạy nhanh lên! Chạy nhanh diều mới bay cao. Thằng cháu nội sáu tuổi lau tau chạy trước. Nó không biết bà nội không còn tuổi chạy nhảy như nó, và cũng không hay, lòng bà đang rớm máu. Chân chạy, tay giật, nó hét toáng lên. Bà xem kìa, diều cháu đã chạm trời xanh! Lim! Cẩn thận cháu, diều vướng dây điện bây giờ!

Làng chị đã lên phố. Một kiểu phố làng, dây điện nhì nhằng theo những con đường đổ bê tông quanh co, chỗ rộng chỗ hẹp, chỗ cao chỗ thấp, theo địa hình nguyên thủy. Cánh đồng giờ chỉ còn bằng bàn tay. Con đê bé lại, không còn những thảm cỏ thoai thoải với hoa dại tím khẽ khàng. Mặt đê cũng đã thành con đường bê tông. Dòng sông chuyển sang màu kẽm xám. Không còn bóng một đàn chim trên nền trời. Tuồng như không thể cưỡng lại những gì đã mất, dù tiếc nuối đến đứt ruột.

Bà ơi, thằng bé lại liến thoắng, cháu muốn làm một con diều thật to, chở hai bà cháu mình lên thấu cửa nhà Trời! Phải, bà bật cười, cháu làm đi. Làm nhanh không bà già mất! Ứ, bà còn trẻ lắm. Mấy bác hàng xóm bảo, nom bà như con gái ấy!

Thằng bé lại chạm vào nỗi niềm sâu kín, và se se buồn trong lòng chị. Nỗi niềm xưa kia tấy buốt. Như vết gãy xương lúc trở trời. Nhưng giờ thời gian lùi xa, nó trở nên man mác. Người ta bảo, thời gian là phương thuốc diệu kỳ, ràng rịt những vết thương tâm hồn, quả không sai. Thằng Lim như chợt nhớ ra, quay lại giục chị. Bà ơi, về thôi! Cháu chán chơi rồi sao? Dạ chưa! Nhưng mà, đến giờ bà xem bệnh bốc thuốc rồi.

Thằng bé vừa nói vừa nhanh tay cuốn dây diều. Đôi mắt thẳm đen và trong veo của nó hệt mắt chị thời bé. Cha nó cũng vậy. Rặt giống mẹ. Đôi khi chị bật cười nghĩ, chắc thượng đế đền bù cho chị. Chị sinh thằng Táu Mật - bố thằng Lim - trên đường ra Bắc. Già làng Hồ Roằng làm bà đỡ cho nó. Chị không ngờ nó sống sót. Khoai sắn, củ rừng người Vân Kiều đã nuôi nó lớn. Bây giờ, con trai chị đã phương trưởng. Vợ chồng chúng mải mốt theo công việc làm ăn ở xa. Chị với thằng cháu nội vui vầy hôm sớm. Thế là đủ. Đời chẳng còn mong gì hơn! Thằng Lim cũng đã biết đỡ đần chị, đúng hơn là làm vừa lòng chị trong thứ công việc chị say mê cho đến lúc tuổi già. Nó đã biết rải phơi những nong cây thuốc chị sao rang, không lẫn lộn. Nó lại rất khéo tay khi gói đúng cách những thang thuốc chị bốc vào giấy báo. Trong cái giá đựng thuốc bằng gỗ, hệt hộp cạc tra cứu danh mục sách ở thư viện, nó thuộc gần hết. Đôi khi nó còn bảo, cháu sẽ học nghề bốc thuốc của bà. Nó còn quá trẻ để nói chuyện đó, nhưng chừng ấy cũng đủ mát lòng chị.

Mặt trời như quả cầu lửa, lăn qua những ngọn núi lởm chởm răng cưa màu lam thẫm phía tây khiến chị giật mình. Hệt cái buổi chiều chị trở thành đàn bà. Trong căn hầm ẩm nồng hơi đất. Với bác sĩ Muôn. Và cũng hệt cái buổi chiều anh chàng người Vân Kiều Hồ Roằng nhìn trộm bắp chân chị dưới lòng suối, để sau đó táo tợn như một con thú. Mặt trời đỏ rực, hắt thứ ánh hồng chói lọi đến huyễn hoặc và ma quái, tựa như thiên nhiên sắp tan biến. Với Muôn, đấy được coi là một sự dâng hiến của chị. Cho người mình yêu. Không thật tự nguyện. Nhưng không thể cưỡng được. Thủ phạm dẫn dắt chuyện này là vết bỏng ở bắp chân. Đêm cách đó một tuần, đang khuya, chợt tiếng lũ AD6 Mỹ ầm ì nặng nề nền trời. Rồi những chiếc pháo sáng bật tung đỉnh đầu. Tức khắc, một trận mưa lân tinh giội xuống. Mỗi quả bom mẹ vãi ra hàng trăm trái bom con như những quả đạn pháo. Rồi từ mỗi chúng, lại nổ vung ra hàng ngàn đốm sáng trắng như hoa cà hoa cải. Những tiếng nổ bục bục hệt tiếng trống vỡ. Bầu trời lao xao như tiếng ong bay. Một cơn giông lửa trắng ma quái rào rào giội xuống những cánh đồng mía bạt ngàn khô giòn nắng hạ dọc hai phía sông Dinh. Thoáng chốc, mặt đất biến thành biển lửa cuồn cuộn. Được từng đợt gió lào vào hùa, những con sóng lửa tung những chùm như ma trơi bay vung vãi. Một số tấp vào làng. Một số tạt về quả đồi nơi Quân y viện đứng chân. Kẻng báo động dồn dập. Chị lao ra khỏi hầm, tay cầm theo cái xẻng. Lửa lân tinh không dập được bằng nước mà dùng đất bột hoặc cát. Từng đám bọt trắng xốp và dẻo mang lửa bay vèo vèo bám vào đâu, cháy bùng đó. Phía dân thiệt hại nặng. Nhà cháy. Thóc gạo cháy. Trâu bò lợn gà cháy. Bệnh viện quân y ở cuối tầm, lân tinh bay thưa hơn. Chị bị dính một vệt bọt nhỏ ở ống quần. Dù dập được ngay, nhưng nó cũng kịp để lại trên da một vết bỏng đỏ, to hơn đồng xu.

Một tuần, vết thương khép miệng, lên da non. Muôn đến cuối giờ làm việc. Anh vẫn như mọi khi, trắng trẻo thư sinh, điềm đạm và lịch lãm. Ngoài ba mươi, xung phong nhập ngũ từ một bệnh viện dân sự ở thành phố, một cây dao mổ đáng tin cậy, với chức phó khoa và quân hàm thiếu úy, anh có biết bao cặp mắt con gái trong viện này nhìn trộm, liếc trộm, đưa tình trộm. Nhưng đôi mắt thường lơ đãng ấy, lại nhìn chăm chắm mỗi lần bóng chị thoáng qua. Rồi một chiều đi ngược nhau dưới chiến hào chật, anh cầm chặt đôi bàn tay chị áp lên ngực. Chị đã nhận lời cầu hôn của anh từ nhịp tim đập dội qua các kẽ ngón tay. Mỗi tuần họ gặp nhau đôi lần ngắn ngủi. Cốt giúi vào tay nhau những mẩu thư viết vội với những lời thương lời nhớ.

Căn hầm còn mơ hồ ánh chiều. Người bạn nữ cùng hầm với chị chiều đó có ca trực. Hai người ngồi xuống tấm phản gỗ kê cao gang tay. Vết thương thế nào rồi? Anh hỏi khẽ, có ý muốn xem. Dạ, tốt rồi ạ. Chị bẽn lẽn nói và kéo nhẹ ống quần, tựa bệnh nhân cho bác sĩ xem vết thương. Có lẽ chị, và cả anh nữa, đã không hiểu được hậu quả của lửa và rơm. Những ngón tay trắng trẻo và mềm mại của anh đã ru ngủ đôi chân chị. Và ru ngủ cả ý nghĩ, ý chí chị. Lần đầu tiên trong đời một thiếu nữ, cảm giác mơn man tê dại, ran ran từ làn da bắp chân lên bắp đùi, làm chị ngốt thở. Miệng chị nói đừng đừng, nhưng người chị mềm nhũn ra trong cơn mê dại bất lực. Cơn mưa bất chợt, tưới đẫm cỏ khát mùa hạ. Cả hai thoáng chút lo lắng nhưng không nuối tiếc điều đã xảy ra.

Hai người còn gặp nhau nồng nhiệt hơn, dưới một đoạn hào vắng vẻ, trước hôm chị lên đường, tăng cường cho Trạm phẫu tiền phương, cùng bác sĩ Hoạt...

Nếu bác sĩ Hoạt không trúng đạn? Nếu chị không gặp Hồ Pằn? Ba mươi năm, câu hỏi vẫn thức trong chị. Thoạt đầu, nó nhức nhối như vết thương mưng mủ. Giờ chỉ bảng lảng sương khói số phận...

Bác sĩ Hoạt được điều vào thay bác sĩ Trạm trưởng hy sinh tháng trước. Hai người đi bộ theo đường giao liên. Đến đồi Cúp Cúp khoảng 10 giờ trưa, bác sĩ Hoạt bảo, chạy tắt quả đồi, rút ngắn được bao nhiêu thời gian! Quả đồi khá rộng hình mu rùa vốn là đất trồng sắn bị bỏ hoang đã mấy mùa. Khi hai người chạy đến đỉnh đồi, bỗng hai chiếc F.105 từ đâu trờ tới. Như thể chúng chực sẵn hai người từ hồi nào. Chị chỉ kịp sấp mặt xuống cỏ, đạn đã cày tung mặt đất. Và tiếng nổ lốp đốp chói óc. Bụi khói mù mịt. Mùi thuốc súng khét lẹt. Mọi cái chỉ xảy ra chớp mắt. Rồi tất cả lặng ngắt. Kể cả tiếng gầm thét của máy bay, cơ hồ chưa có chuyện gì xảy ra. Chị mở mắt nhỏm dậy. Bác sĩ Hoạt nằm trong vũng máu, cách chỗ chị chừng mươi bước chân. Chị đã thoát chết một cách kỳ lạ. Người không hề dính một mảnh đạn, chỉ chiếc ba lô bị rách mấy chỗ...


Chị rơi vào một trạng thái hụt hẫng. Đồi khô đất cứng. Chị phải cõng xác bác sĩ Hoạt xuống chân đồi vùi sơ sài trong một cái hố nhỏ, có lẽ ngày xưa ai đào củ mài. Bác sĩ Hoạt là thủ trưởng của chị. Ông biết đường về Trạm phẫu. Giờ ông không còn, chị hoàn toàn mất phương hướng. Chị hú họa đi theo một lối mòn mơ hồ từ lâu không có dấu chân người. Áng chừng phía mặt trận mà đi. Chị run người khi nghĩ đến một mình trong đêm tối, giữa rừng hoang. Nhưng trời đã xui chị gặp được người. Chị mừng suýt phát khóc. Đó là một thanh niên người Vân Kiều trạc tuổi chị. Da nâu bóng, tóc dày đen xoăn tít. Đôi mắt nai đen thăm thẳm và lóng lánh ướt. Anh ta nhìn chị có chút sợ hãi, có chút ngạc nhiên, có chút kính nể. Có thể do khẩu súng ngắn bên người chị. Đó là khẩu súng của bác sĩ Hoạt. Có nó, chị vững tin hơn chút ít, dù chưa một lần học bắn. Ba tháng của khóa y tá cấp tốc, chủ yếu chị học về nghiệp vụ tiêm chích, băng bó cứu thương, và một số bệnh thông thường nơi mặt trận rừng núi. Còn vũ khí, chỉ biết khẩu súng trường K44...

Anh ta đi ngược hướng chị. Vai vác rựa. Tay xách một con gà lôi còn sống. Chào đồng bào! Chị cất tiếng, cốt trấn an mình hơn là chào hỏi. Chào bộ đội nữ! Anh ta đáp lại lý nhí, khiêm nhường né sang một bên đường. Chị dừng lại, lấy vẻ bình tĩnh, hỏi, từ đây đến Trạm phẫu tiền phương bao xa, anh? Gần, nhưng còn xa. Anh chàng đáp, mắt vẫn nhìn thôi miên vào khẩu súng ngắn bên người chị. Sao nói gần, mà còn xa, hả đồng bào? Chị thân tình hỏi lại. Gần là bên kia núi, anh chàng đáp, xa là phải đi vòng. Anh có thể dẫn đường giúp tôi được không, đồng bào? Anh chàng người Vân Kiều ngẫm nghĩ giây lát, rồi gật đầu.

Người thanh niên đi trước, chị xăm xúi theo sau. Được một quãng, chị hỏi, anh tên gì, ở đâu vậy? Miềng tên Hồ Pằn, ở bản A Xing, anh ta đáp. Anh bao nhiêu tuổi? Miềng hai mươi! Vậy là anh hơn tôi hai tuổi đấy. Nói xong, chị thấy ngay mình hớ hênh. Khi đi qua con suối cạn lô nhô đá, chị vô tình xắn quần lên quá gối cho khỏi ướt, và cúi xuống vốc một vốc nước rửa mặt. Cảm giác nhột nhạt phía sau, chị quay lại, đã thấy đôi mắt cháy rực của Hồ Pằn thiêu đốt hai bắp chân trắng lẳn của mình. Mặt trời còn vài cây sào, chị nghĩ có thể đi thêm nửa giờ nữa mới dừng chân. Nhưng Hồ Pằn đã ngồi thụp xuống bãi cỏ bên bờ suối, nói, miềng đói cái bụng, đi không được nữa! Chị khẽ lắc đầu, đành dừng chân. Hồ Pằn lồm cồm bò dậy vặt lông con gà nước. Chị biết việc anh ta làm không thể nhanh, liền lẻn lên khúc suối phía trên tắm. Khi trở lại, con gà lôi đã vàng hươm, chảy mỡ thơm lừng. Chị muốn giữ khoảng cách nhất định giữa hai người. Chí ít là không tỏ ra thân mật. Nhưng Hồ Pằn đã cắt nửa con gà béo ngậy đưa cho chị. Chị cũng đem cho anh ta một phong lương khô. Mặt trời như một khối lửa rơi phía đỉnh rừng bên kia. Cả miệt rừng bên này như bốc cháy trong thứ hoàng hôn màu lửa bom lân tinh. Những tia sáng xỉa qua các tầng lá cây vừa chói lọi vừa ma quái.
Hai người ăn xong thì trời tối nhá nhem. Ở rừng, trời tối nhanh hơn đồng bằng. Hai người chọn hai góc của hoang cỏ hẹp dọn chỗ nằm. Hồ Pằn chặt một ôm lá cây trải xuống cỏ. Chị trải tấm ni lông màu cỏ úa. Trước khi nằm xuống, chị mở chiếc túi cứu thương, lấy lọ dầu bôi chống gió và đuổi côn trùng. Chợt Hồ Pằn cất tiếng, bộ đội là bác sĩ, hả? Có thể anh ta nhìn thấy dấu chữ thập ở cái túi cứu thương. Phải! Ngủ đi! Chị đáp gọn, cốt không để anh ta bắt chuyện.

Sau một ngày đầy biến cố, chị mệt rã rời. Nhưng không hiểu sao, không thể ngủ được. Phải vì tiếng con suối chảy rỉ rắc nỉ non bên mình? Hay tiếng lũ thú rừng đi ăn đêm gầm ghè lúc gần lúc xa? Hoặc cách mấy bước chân là gã đàn ông lạ đáng ngờ đang nằm im? Có thể tất cả, tất cả đang làm căng nhức cân não chị. Và lúc nửa đêm, đột ngột ánh trăng ảo mờ hoang cỏ. Từ đâu đó dưới bờ suối lô nhô đá, tiếng khua nước lẹt xẹt. Rồi bóng một con gấu ngựa hiện ra. Con gấu đi thẳng hai chân mấy bước thì bò bốn chân đi về phía chị. Nó bò quanh rất nhẹ trên cỏ, rồi dừng lại phía trên đầu, phả hơi thở vào mặt chị. Chị nhắm nghiền mắt lại. Nín thở như đã chết. Người ta bảo, giống gấu ngựa rất ghét con người. Vì con người mắt ngang. Lũ gấu ngựa mắt dọc, tựa mắt ngựa. Bởi vậy, khi gặp gấu ngựa, phải nhắm tịt mắt, và giả chết. Gấu ngựa thấy người đã chết, thì bỏ đi. Nhưng con gấu này chỉ bỏ đi mấy giây, nó lại quay trở lại. Chị khẽ hé mắt, đã thấy nó ngồi chồm chỗm ngay bên mình, phía dưới chân. Rồi nó giơ hai chân trước với những móng vuốt dài, định chồm lên người chị. Chị rú lên, quẫy đạp lia lịa, miệng ú ớ gọi, Hồ Pằn! Hồ Pằn! Hồ Pằn! Một lúc thì chị tỉnh hẳn, ngồi bật dậy. Thở dốc. Mồ hôi vã ra như tắm. Không có con gấu ngựa. Chỉ có Hồ Pằn ngồi vị trí đó. Bộ đội bác sĩ nằm mơ há? Hồ Pằn hỏi tỉnh khô. Chị đưa tay mò tìm khẩu súng ngắn đặt cạnh gối lúc ngủ. May quá, nó vẫn còn…

Đi ngủ đi! Chị nói khẽ, giọng đanh. Hồ Pằn vẫn ngồi như khối đá. Sao thế? Chị hỏi. Nếu bộ đội bác sĩ không cho miềng cái này thì miềng không ngủ được… Hồ Pằn cúi đầu gãi tai, nói. Cái gì? Chị xẵng giọng. Cho miềng... cho miềng... sờ... cái chân bộ đội bác sĩ một chút. Anh ta ngập ngừng nói. Không được! Chị thốt lên tức khắc. Và vội thu hai chân lại sát mình. Lúc đó, chị mới nhận ra, có thể do quẫy đạp trong mơ, hai ống quần đã tuột lên sát gối lộ hai bắp chân trần nhễ nhại trắng. Thời học sinh, bọn con gái lớp chị cứ nắc nỏm ghen với đôi chân đẹp của chị. Vào bộ đội, đôi chân ấy càng có dịp khoe kín đáo sau lần quân phục may vừa khít. Muôn cũng thường ôm ấp nó mỗi lần yêu đương. Hồ Pằn dáng rũ xuống, vẻ thiểu não. Đoạn nói thêm, không được sờ cái chân bộ đội bác sĩ, cái óc miềng nó lú lẫn cả. Không nhớ cả đường đi ngày mai nữa rồi!

Đến nước này thì hết thuốc chữa! Chị miễn cưỡng duỗi ra một chân về phía Hồ Pằn. Anh ta từ tốn ve vuốt một lúc rồi bất chợt úp mặt, lướt nhẹ đôi môi nóng rẫy dọc theo bắp chân. Chị thấy tê điếng cả người, nhưng bản năng giữ mình của phụ nữ cũng kịp trỗi dậy giúp chị cầm lấy chuôi súng gí chiếc nòng lạnh toát vào má Hồ Pằn lúc Hồ Pằn chồm lên cái thân thể trở nên bủn rủn và yếu ớt của chị...

Sáng hôm sau cả hai lầm lũi bước như hai cái bóng. Đến gần trưa, Hồ Pằn bảo chị ngồi nghỉ chân dưới một gốc cây rễ nổi lên mặt đất, còn mình biến vào rừng xanh. Lâu sau anh ta trở lại với một bó sắn buộc bằng dây rừng. Hai người bắt tay vào việc nướng sắn. Hồ Pằn rất thạo cách chọn củi đượm cháy ít khói. Và biết cách làm khói tản ra như sương giữa rừng. Không để máy bay địch phát hiện. Sắn được bóc vỏ, cuốn lá rừng vùi dưới tro nóng một lúc cho chín. Sau đó gỡ lá, đem nướng trên than hồng. Trở đều, cho đến khi bên ngoài vàng hươm. Bên trong nở bung trắng toát. Và thơm như bánh mì mới ra lò.

Ăn xong, nghỉ ngơi một lát, chị giục lên đường. Hồ Pằn lại lăn ra dưới bóng cây, bảo, miềng quên hết lối đi rồi! Chừ bộ đội bác sĩ cho miềng ôm một cái, chắc miềng nhớ được đường đi. Chị gầm lên, anh không phải là con người nữa rồi. Đứng dậy mau! Hồ Pằn mau mắn đứng dậy, và xăng xái cất bước. Chị nén cười đi theo. Nửa tiếng sau, chị chợt nhận ra dấu vết con đường cũ. Và bếp lửa nóng ấm, nơi hai người vừa nướng sắn lúc nãy, hiện ra trước mặt. Chị ngao ngán, hất hàm hỏi, thế này là thế nào? Là miềng... miềng... quên mất đường đi rồi. Hồ Pằn nói, và lại nằm lăn dưới bóng cây vẻ bất cần. Bộ đội bác sĩ đi một mình đi!

Hồ Pằn nằm xoay người vào phía gốc cây. Thỉnh thoảng lén quay mặt nhìn chị. Hẳn anh ta đang kín đáo cười, vì chị thấy đôi vai rung rung. Nhưng ở lần lén nhìn tiếp theo, anh ta thốt giật mình vội ngồi bật dậy. Ngay trước mặt, không còn là cô gái yếu đuối, bị bắt bí nữa. Một người lính gan góc. Sắc mặt đanh lại. Đôi mắt rực lửa. Khẩu súng ngắn đã rút ra khỏi bao. Ánh thép sắc lạnh. Đồng bào Hồ Pằn, giọng chị lạc đi, đứng dậy, dẫn đường bộ đội đi gấp! Hồ Pằn gãi tai, lặng lẽ đứng lên. Bước đi như một đứa trẻ ngoan.

Giờ thì chị ngộ ra rằng, trong mỗi người đàn ông, có một con quỷ. Khi để sổng, khó lường hậu họa. Tệ nhất là môi trường hoang dã thế này. Chị biết, sự việc trên quá bất ngờ. Hồ Pằn đã tuân lệnh một cách vô thức. Và chị cũng biết, khẩu súng không phải đắc dụng. Bởi chị không thể bóp cò vào anh ta. Vả chăng, không thể giữ mãi bộ mặt đâm lê và lúc nào cũng lăm lăm khẩu súng. May thay, người đàn bà trong chị đã giúp mưu mẹo. Chiều, khi Hồ Pằn loay hoay nướng sắn, chị lẻn vào một bụi cây rậm. Nhanh chóng lấy hai vuông màn phụ nữ, cuốn bông vào và đổ lọ thuốc đỏ sát trùng lên bề mặt rồi đi ra chỗ suối mà Hồ Pằn mới đi lên. Một cẩn thận băng vào người, một đem xuống suối giặt cố để lại vết đỏ mờ mờ rồi giả bộ mang phơi trên một tảng đá. Sau bữa ăn tối, chị ôm bụng đau cằn nhằn. Hồ Pằn hỏi, răng rứa? Đau bụng phụ nữ, chị nói, anh không biết sao? Là đau ra răng? Hồ Pằn thật thà hỏi lại. Có thể anh ta nghĩ đến chuyện đi hái lá thuốc. Là đau riêng của phụ nữ. Mỗi tháng ba ngày chảy máu. Anh hiểu không? Chị gắt. Hồ Pằn hiểu ra. Đầu gật gật, ờ ờ...

Khi vào được căn nhà hầm của Trạm phẫu, Hồ Pằn vẫn còn thập thò trước cửa. Chỉ đến khi y sĩ Độ xuất hiện, Hồ Pằn mới bỏ đi. Ông đưa mắt nhìn bóng Hồ Pằn đang khuất dần trong tầm mắt rồi nhìn bộ dạng nhàu nhĩ của chị từ đầu đến chân, khẽ lắc đầu, bảo, cho một buổi tắm giặt nghỉ ngơi. Sáng mai bắt tay làm việc. Chiến dịch mở màn rồi!

Bác sĩ Hoạt hy sinh, khiến y sĩ Độ tiếp tục đóng vai trò Trạm trưởng bất đắc dĩ. Ông đã tuổi năm mươi, thô tháp và cục mịch như lão nông dân. Nhưng hiền lành và chân mộc. Ông được điều ra mặt trận đã mấy năm, từ trạm trưởng một trạm y tế xã. Thường phụ mổ cho các bác sĩ, ông học lỏm được ít nhiều đường dao. Các bác sĩ đột ngột hy sinh, có người hy sinh khi đang đứng mổ, ông phải thay họ tiếp tục công việc. Ơn trời, mọi việc cũng qua. Nhiều người lành lặn trở lại chiến trường, tiếp tục cầm súng. Phần lớn các ca quá sức mình, ông cho chuyển ra Bệnh viện quân y giáp mặt trận. Nhưng có những ca quá nặng, nếu di chuyển, thương binh cầm chắc cái chết giữa đường. Mọi người đưa mắt cầu cứu ông. Ông gục đầu bóp trán. Rồi bật dậy, lục tìm chai rượu vùi ở góc nhà hầm, tu một hơi. Chỉ có rượu, đúng thế, giúp ông đủ dũng cảm làm cái việc không tưởng này. Và trời đã giúp ông. Toàn phản khoa học. Y sĩ làm đại phẫu. Nốc rượu trước khi cầm dao mổ. Dụng cụ mổ thô sơ. Phòng mổ không hàng lối nào trong tiêu chuẩn phòng mổ. Thế mà, dưới bàn tay thô kệch đen đúa kia, thần chết không dám bén mảng. Về sau, khi chiến tranh kết thúc, người ta đưa ông đi học bác sĩ. Nhìn những phòng mổ tráng lệ, đồ mổ sáng choang, tay ông run lẩy bẩy. Ông bỏ học. Ông hiểu, mình thuộc loại điếc không sợ súng. Chỉ xứng mổ trâu mổ bò thôi! Nhưng lạ thế, ở chiến trường, sức chịu đựng, và khát vọng sinh tồn của con người, là không giới hạn. Chính nó đã làm nên những chuyện cổ tích của ông ở đó chăng?

Thương binh và tù binh của chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, theo đường giao liên qua Trạm phẫu tiền phương để ra Bắc, đi như dòng chảy. Bộ phận nhẹ giữ lại Trạm phẫu khá đông. Mọi người phải làm việc suốt cả ngày lẫn đêm. Được ít hôm, chị bắt đầu “hôi cơm hôi cá”. Nhức đầu. Chóng mặt. Ói khan ra cả mật xanh mật vàng. Y sĩ Độ nhìn chị ái ngại. Không biết, ông ái ngại cho con gái không chồng mà chửa? Hay ái ngại cho thân gái bầu bụng nơi chiến trận? Một hôm, ông vẫy chị ra một góc hào, nói, em đã có người yêu? Chị khẽ gật đầu. Cậu ấy ở đâu? Dạ, chúng em cùng ở Bệnh viện quân y giáp mặt trận. Trước khi em đi, hai người có gần gũi nhau? Chị ngượng ngùng im lặng. Mắt người lính già sáng lên, vậy thì liên hệ mà tổ chức cưới đi. Càng sớm càng tốt. Dạ, em đã viết thư rồi. Viết nữa. Viết nhiều cái. Chiến tranh hay thất lạc lắm! Nói xong, ông hồ hởi bước đi, dáng nhẹ nhõm.

Nhưng thư chị như rơi vào một khoảng trống. Vô tăm tích. Muôn đã không một hồi âm. Mấy tháng sau, y sĩ Độ lắc đầu vô vọng. Chị không khóc. Đúng hơn là không khóc được nữa. Khi cái bụng vượt mặt, chị cảm thấy chiến hào trở nên chật chội. Y sĩ Độ cho đào một ngách khuất thông với phòng mổ, đủ rộng đặt một cái giường bằng cây rừng. Cho người sinh nở. Chị đã nằm thử. Rất êm lưng. Nhưng không hiểu sao, mấy hôm sau, chính chị lại xin ra Bắc. Mọi người ngậm ngùi tiễn chân ở góc rừng...

Không ai hiểu được tâm trạng chị lúc này. Kể cả chị. Hẳn nhiên không thể ở lại Trạm phẫu. Thương binh nhiều, đã không đủ người phục vụ, còn thêm gánh nặng mẹ con chị? Nhưng về, thì về đâu? Quê nhà ư? Chẳng đã có câu, khi đi không thẹn bằng lúc trở về? Đơn vị cũ? Muôn sẽ nghĩ, mình về bắt đền anh ta thì sao? Hai chân chị nặng nề và sưng húp.

Con đường giao liên mở sau chiến dịch chạy qua bản A Xing. Và như một sự vô tình, bước chân chị đã dừng lại đó. Vào xẩm tối, chiều thứ ba trên đường ra, khi chị đang ngồi trên một tảng đá bên đường, nắn bóp hai bắp chân căng cứng và nặng trĩu thì Già làng Hồ Roằng xuất hiện. Không biết ông đến từ hướng nào, chỉ chị nhớ, khi ngẩng lên, đã thấy ông đứng trước mặt. Mình trần quần cộc. Những bắp tay bắp chân đã nhão, đen sạm. Khuôn mặt gầy guộc, hốc hác. Mái tóc bạc xòa xuống vầng trán nhăn nheo. Một tay cầm cây rựa, tay kia cầm gói nhỏ lá xanh. Con chào già làng, chị cất tiếng lễ phép. Hầy, chào bộ đội nữ, bộ đội không đi được nữa mô! Sắp sinh rồi. Về nhà miềng thôi! Ông nói, và cúi xuống đỡ chị dậy, nhấc chiếc ba lô khoác lên vai mình. Chị nặng nhọc bước theo ông. Cái bụng tụt xuống, cấn giữa hai chân đi. Già làng cầm gói lá chi đó? Chị hỏi. Lá của con bìm bịp, ông nói, miềng phải phục cả buổi, mới lấy được của nó chừng ấy đấy. Để làm gì, thưa già? Để chữa cái tay gãy cho thằng Hồ Roặc, cháu miềng. Nó bị cái cây đè gãy giập xương. Chị sáng mắt, thế à? Lá này tên gì, lấy của chim cách răng, thưa già? Lá chi miềng không biết. Chim bìm bịp mẹ tha về, ngậm nước bọt, rịt lên vết chân gãy cho chim con. Vài hôm là chim con đứng dậy được. Miềng rình bụi cây gần đó, chim mẹ bay đi liền đến gỡ cất. Chim mẹ về, thấy mất lá, lại đi tha lá khác. Miềng lại gỡ! Sao ta không bám theo chim, để biết tên cây, thưa già? Không dễ mô. Rừng rú rậm rạp, không theo kịp, bộ đội ạ.

Nhà Hồ Roằng ở chân một quả đồi. Ngôi nhà sàn khá vững chãi. Bốn bề vườn cây xanh. Cái sân đất sỏi nện khá lỳ. Một cây gỗ to đẽo phẳng bốn mặt, đã lên màu nâu xám, đặt ở góc sân. Trên thân cây, một thằng bé đen nhẻm độ mười tuổi đang ngồi. Một tay cầm cánh tay kia nâng lên, mặt ngóng ra cửa. Chị lách qua Hồ Roằng, lạch bạch bước lên trước, đưa tay nâng cánh tay bị gãy của thằng bé ra xem. Tay thằng bé bị gãy kín ba đoạn. Đoạn giữa còn bị vỡ giập. Ở bệnh viện, người ta phải mổ sắp lại xương, và nẹp vít kim loại. Nhưng Trạm phẫu tiền phương, không giải quyết được. Vì không có bác sĩ, lẫn phương tiện. Phải chuyển ra Bắc. Nhiều người không muốn vậy, vì đường xa bom đạn. Và y sĩ Độ đã cắt ngang theo nguyện vọng của họ.

Chị cắn răng theo dõi ca chữa trị gãy xương tay của già làng Hồ Roằng. Hồ Roặc, ông nói, cháu chịu đau một chút. Ông dùng khăn ướt lau qua, bắt thằng bé ngồi xuống đất, đặt cánh tay bị thương lên mặt khúc gỗ đã lót lá. Rồi dùng những ngón tay khô gầy như que củi, lần nắn những mảnh xương bị vỡ. Thằng bé nghiến răng, thét lên đau đớn trong cổ họng. Đoạn, ông mở gói lá lấy được của chim bìm bịp. Những ngọn lá đã nhàu nát và ướt nhầy nước bọt của chim. Ông cẩn thận vuốt phẳng và đắp lần lượt lên da, chỗ xương gãy. Cuối cùng, ông đặt nẹp tre cố định cánh tay. Chị nhanh tay lấy ra cuộn băng, khéo léo và nhanh nhẹn băng định vị các ngón tay cho khỏi bị lệch. Già làng Hồ Roằng sáng mắt, bộ đội là bác sĩ, hả? Dạ, cháu là y tá. Hầy, tốt lắm mà! Ông nói chưa xong, thì bụng chị quặn nhói. Và tức thì, nước ối vỡ ra, chảy ào xuống chân. Hồ Roằng định bế thốc chị chạy lên cầu thang, nhưng không thể. Có lẽ vì chiếc cầu thang là cây gỗ độc mộc đẽo khấc đặt rất dốc. Và có thể ông đã quá già để làm cái việc phi thường ấy. Cũng có thể thằng bé con chị đã không cho họ kịp làm việc đó. Chị chỉ kịp đặt lưng xuống mặt khúc gỗ mà thằng Hồ Roặc nhanh chân nhường cho.

Già làng Hồ Roằng tỏ ra là người có kinh nghiệm. Bà vợ ông cũng nhanh chóng nấu nước và trải chiếu bên cạnh bếp lửa. Chị được bế lên cùng thằng bé đỏ hỏn nằm lên chiếu. Lửa hồng ấm áp làm chị tỉnh lại rất nhanh. Thằng bé đã bắt đầu oe oe đòi bú. Già làng Hồ Roằng cười toác miệng, hầy, thằng bộ đội con này, sinh ra trên khúc gỗ táu mật, ta đặt tên nó là Táu Mật!

Chị bị cuốn vào phương thuốc bí truyền chữa gãy xương của loài chim bìm bịp. Khi qua khỏi thời kỳ “nằm bếp” bắt buộc của người Vân Kiều, chị được tắm rửa, gội đầu và như thành một con người khác, đã thấy thằng Hồ Roặc tháo băng từ lúc nào. Tay nó lành lặn thẳng thớm, như chưa từng bị gãy giập. Thật kỳ diệu! Chị thán phục. Hai tháng thôi, già làng Hồ Roằng nói, là lành đấy, bộ đội bác sĩ ạ.

Mùa sinh nở lũ chim bìm bịp lại đến, thằng Táu Mật đã tròn tuổi. Nó ở với bà Hồ Roằng. Chị suốt ngày cùng thằng Hồ Roặc bí mật chạy theo lũ bìm bịp để tìm cây thuốc bí truyền của chúng. Khi chim mẹ vừa đi khỏi, một người lập tức đến gỡ thuốc từ chân chim con, đem rửa vuốt phẳng để nhận mặt. Người kia chạy theo hướng chim bay. Cứ thế, đón đường từng chặng. Cuối cùng, bí mật của họ nhà chim bìm bịp, cũng bị chị đánh cắp. Không những thế, chị đã tìm ra cả một họ nhà cây loại đó. Ép lá, mở sổ ghi chép cách thức chữa trị, chị say mê quên cả bom đạn chiến tranh. Người dân Vân Kiều sống với rừng nên có khá nhiều cách chữa bằng cây thuốc rất hiệu nghiệm, vì thế, cuốn sổ thuốc mỗi lúc một dày thêm. Và chị trở thành một y tá thôn bản tự lúc nào. Khi chiến tranh kết thúc, chị cùng Táu Mật về quê, cùng cuốn sổ thuốc của mình.

Bây giờ, chị chữa bệnh qua mạng. Bệnh nhân khá đông. Thuốc được đóng gói, chuyển theo đường bưu điện. Với những người ở gần, trong xã trong huyện, thường đến nhà xem bệnh, và cắt thuốc luôn. Bởi thế, chị phải lên lịch, cốt để có thời gian vào rừng hái lá...

Hai bà cháu nắm tay nhau tung tăng trở về. Trong phòng đợi, đã có năm bảy người ngồi chờ. Chị đi vào cửa sau, thay quần áo. Thằng cu Lim đã nhanh chóng đưa danh sách vào đặt trên bàn cho bà nội. Chị thong thả gọi tên lần lượt từng người. Xem bệnh và kê đơn. Tự tay bốc thuốc. Cu Lim nhanh tay đóng gói, lễ phép đưa cho họ. Hai bà cháu làm việc nhịp nhàng. An nhàn và bận rộn.

Người cuối cùng, có cái tên khiến chị giật mình. Trái tim chị muốn bật ra khỏi lồng ngực. Ngốt ngấy như muốn lên cơn sốt. Hóa ra, anh ta vẫn còn sống trong trái tim chị. Chị định trốn chạy đâu đó. Nhưng đã muộn. Ông Muôn đã bước vào, khiêm nhường và bối rối. Chị cố giữ vẻ thản nhiên. Nhưng các đầu ngón tay cứ run run. Lại mấy lần vô tình đưa tay vuốt tóc. Động tác vụng về của thời thiếu nữ sót lại. Ông Muôn cũng luôn đưa tay gãi tai, hoặc khép nâng cổ áo sơ mi. Tóc ông bạc gần hết. Đầu hói quá nửa. Người gầy lép, khô đét. Thằng cu Lim ý tứ lẻn ra cửa sau từ lúc nào.

Tôi tìm được manh mối của em trên mạng. Cuối cùng, sau mấy tiếng ho khan, ông Muôn lên tiếng. Anh tìm tôi có việc gì? Chị cố thản nhiên. Tôi đến xin lỗi em. Ông vò xoắn những ngón tay nhỏ nhắn gầy khô. Tôi rất xin lỗi em! Tôi nhận được tất cả thư em gửi dạo ấy. Nhưng thảy chúng đều đến sau một lá thư, của người bà con, cũng từ Trạm phẫu... Lá thư ấy, đã khai tử tình yêu của tôi với em... Vậy, hôm nay anh còn đến tìm tôi làm gì? Tự nhiên chị xẵng giọng, pha chút hờn dỗi. Xin tha thứ! Ông cúi đầu nói khẽ, và cho tôi được nhận con trai…

Chị thở dài, nhìn ra xa qua cửa sổ. Ngoài kia, hoàng hôn màu đỏ tía. Chị bỗng bật cười. Tiếng cười giòn của người đắc thắng pha chút chua chát giễu mỉa. Anh dám chắc, nó là con trai anh?
Câu hỏi như một cái móc câu, mắc ngay cổ họng ông Muôn.

Chị lại tiễn người đàn ông của mình thuở ấy, trên con đường đê, trong màu hoàng hôn xa lắc...

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast