Dập dềnh trên thuyền qua sông tìm chữ

Nằm dọc bờ sông Ngàn Sâu, xã Đức Liên với hai xóm nhỏ Liên Hòa, Liên Châu bao đời nay vẫn bám đất với lối sống thuần nông chân chất, công dân Đức Liên vẫn nhân lên theo ngày tháng, nhưng đất thì không mở rộng ra. Và cho đến giờ, trẻ em ở đây vẫn phải lênh đênh trên thuyền để qua sông tìm chữ…

Qua sông
Qua sông

Tôi về xã Đức Liên vào những ngày đầu xuân khi cái rét cuối đông còn sót lại đang loãng dần ra nhường chỗ cho những tia nắng giao mùa, leo lắt. Đang vào mùa nước rút nên đất phù sa bãi sông khá màu mỡ. Con sông Ngàn Sâu đã ngăn hai xóm Liên Hòa, Liên Châu với 245 hộ dân vào vạt núi, biến nơi đây thành một ốc đảo nhỏ, nhưng đất nông nghiệp thì lại bao gồm cả của hai xóm bên kia sông, cũng thuộc xã Đức Liên. Nói như vậy là hàng ngày, số lượng người đi lại hai bên sông tính tổng cũng xấp xỉ 500 người, trong đó khoảng 150 trẻ em học sinh đang độ tuổi đến trường....

Tôi đã dành cả buổi chiều để đi lang thang dọc khúc sông này, chứng kiến gần như hầu hết mọi sinh hoạt lam lũ thương nhật của người dân ở đây. Và, khi tiếp cận với những người dân nơi đây, tôi hiểu và cảm nhận được cái khao khát trong tâm khảm của những người bố, người mẹ khi hàng ngày, họ vẫn mang một nỗi lo thường trực về sự đi học của các con.

Lặn lội
Lặn lội

Nói về việc đi học của trẻ em vùng mom sông này, thì mỗi ngày có lẽ là một chặng đường đi gian nan. Vào mùa này, các em đến trường còn đỡ vất vả hơn, dù thực tế vẫn phải qua thuyền để đi học. Mỗi buổi sáng không chỉ một hai, mà vài chục em chen chúc nhau trên một chiếc thuyền để qua sông đến lớp cho kịp giờ học. Và cứ thử tưởng tượng xem, nếu ngày đó mưa, hay đúng mùa lũ nước tràn về, thì bất cứ lúc nào, sóng nước cũng có thể cuốn phăng đi tất cả…Đó là một thực tế đang diễn ra và con số những người chết do đuối nước cũng đã xuất hiện hằng năm qua nhưng muốn cho con mình được học chữ là vẫn phải hằng ngày ngồi trên hai chiếc thuyền này để qua sông. Chị Trần Thị Thương, xóm Liên Châu tâm sự: “Mùa này còn đỡ nhưng chiều nào đi học về đến đây trời cũng sẫm tối, tôi lại phải cầm đèn pin ra để soi chờ con qua được sông mới yên tâm về nhà. Còn mùa nước lũ, mỗi ngày cháu đi học là ở nhà bố mẹ lại phấp phỏng”.

UBND huyện Vũ Quang đã trình lên Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh dự án xây cầu bắc qua sông Ngàn Sâu với số vốn là 63 tỷ, và hiện cột mốc làm cầu đã được đóng.Nhưng, lại nhưng, có lẽ nó sẽ “trơ gan cùng tuế nguyệt” còn lâu và cây cầu sẽ vẫn là hình ảnh xa ngái trong khát vọng của người dân nơi đây...

Trong lời tâm sự cùng với nét mặt lo lắng và ánh mắt bỗng bừng sáng của chị khi tôi nói về tương lai với một cây cầu, tôi đọc được cái mong ước dù nghe thì bình thường nhưng lại là khát khao rất lớn trong mỗi con người ở đây. Chỉ mới năm trước đây thôi, vụ chìm thuyền làm 3 người chết là những người đang làm nhiệm vụ tại địa phương, rồi một em học sinh ở nơi khác qua nhà bạn bên kia sông chơi không may phải bỏ mạng khi qua sông. Và cứ thế, mỗi năm qua đi thì số người chết do sông nước lại được nhân lên theo thời gian và cũng nhân lên khát vọng có một cây cầu trong mỗi con người nơi đây. Anh Nguyễn Trường Thọ, cán bộ huyện Vũ Quang, cho tôi biết: “Chúng tôi đã cố gắng bằng mọi cách để kêu gọi được nguồn đầu tư nhưng do mực nước sông quá sâu vào mùa lũ khiến chi phí xây cầu dự tính quá cao nên giờ vẫn đang chờ sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước”.

Một trong những con thuyền vẫn cõng các em qua sông tìm chữ
Một trong những con thuyền vẫn cõng các em qua sông tìm chữ

Chia tay với làng nông, với những con người chân chất của vùng đất này ra về, nhìn thấy những em học sinh vừa đi học về qua sông, trên cổ vẫn đang còn khăn quàng đỏ nhanh chân xắn quần để lùa đàn bò về chuồng, lòng tôi tự nhiên dậy lên một nỗi buồn day dứt. Đến bao giờ trẻ em hai xã này có thể đi qua sông bằng cầu, để không chỉ việc tìm chữ của các em không song hành với việc đặt cược mạng sống của mình hàng ngày, mà việc đi lại của cư dân hai xóm nhỏ được thuận lợi hơn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast