“Vợ giận, bạn ghét” chỉ vì chuyện đóng cửa xe ô tô

Đóng cửa xe ô tô tưởng chừng là một “chuyện vặt” nhưng thực tế đôi khi có thể gây mất lòng.

“Vợ giận, bạn ghét” chỉ vì chuyện đóng cửa xe ô tô

Cách đóng, mở cửa ô tô phần nào thể hiện nét tinh tế, lịch sự của mỗi người (Ảnh: iStock).

Không biết có phải do tôi kỹ tính không, chứ mỗi lần nghe tiếng cửa ô tô đóng rầm một cái rung cả xe là tôi thấy xót ruột, kể cả không phải xe của mình. Lúc chở bạn bè, hoặc thậm chí là chở vợ, tôi rất hãi khi thấy họ dùng hết sức để sập mạnh cánh cửa xe.

Với người lớn tuổi đi nhờ xe, tôi dễ thông cảm hơn, vì ở thời của họ, phải đóng mạnh như vậy thì cửa xe mới không bung ra, đỡ phải đóng đi đóng lại nhiều lần. Nhưng bây giờ ô tô hiện đại rồi, trừ một số xe taxi cũ, còn lại chỉ cần đóng cửa nhẹ tay là được.

Chiếc ô tô đầu tiên tôi mua thuộc loại phổ thông, không có cửa hít mà đã thấy xót ruột, giờ mới đổi sang xe đắt tiền hơn, có cửa hít, thì mỗi lần nghe tiếng sập cửa mạnh thực sự muốn “rớt tim”. Có người thậm chí đóng cửa mạnh tới mức rụng cả chiếc sạc không dây tôi cắm ở cửa gió điều hòa trên xe.

Ban đầu, tôi cũng ngại lắm, không dám nói vì sợ bạn bè, người thân đi nhờ xe tự ái, nhưng sau thấy việc này diễn ra quá thường xuyên thì tìm cách nhắc nhở nhẹ nhàng, nhưng cũng chỉ dám nói với tùy người.

Gặp người thông cảm, dễ tính thì không sao, chứ không thì cũng phiền phức, lại thành “chuyện bé xé ra to”. Ngay cả với vợ, có hôm, do đang có chuyện không vui nên khi nghe tiếng sập cửa, tôi đã lên tiếng nhắc nhở thì cô ấy xị mặt nói tôi cưng xe hơn vợ, rằng “một đời ta muôn vàn đời nó”, cái xe bằng sắt bằng thép, đóng cửa mạnh một tẹo thì có làm sao. Tôi cũng từng bị một người bạn nguýt nhẹ và nói rằng lần sau không dám đi nhờ xe nữa. Tưởng “chuyện vặt” mà thật ra rất tế nhị, khó xử!

Trên thực tế, cánh cửa là một trong những bộ phận “mong manh” nhất của xe, bản lề và gioăng cao su dễ xuống cấp nếu liên tục chịu lực tác động mạnh. Đúng là việc đóng mạnh cửa khó làm hỏng xe, nhưng có thể gây những chấn động làm giảm tuổi thọ xe, đồng thời tạo sự khó chịu cho chủ xe.

Lâu dài, khi gioăng cao su mất dần khả năng đàn hồi, cửa xe sẽ “cựa” khi xe đi vào chỗ xóc, những góc cua gây vặn khung (ví dụ cửa hầm lên xuống chung cư) khiến người ngồi bên trong có cảm giác chiếc xe xộc xệch, vô cùng khó chịu.

Có câu “Của bền tại người”, hay “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, việc đóng mở cửa xe cũng là thứ cần học trong xã hội văn minh. Nếu không biết xe có được trang bị cửa hít hay không, bạn hãy thử đóng nhẹ tay; nếu là cửa hít thì sẽ tự động đóng chặt. Nếu không phải cửa hít, bạn cũng chỉ cần tăng lực thêm một chút, không cần dồn sức sập mạnh.

Độc giả Quang Tuấn

Theo Dân trí

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast