Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: Sống và hành động theo trái tim lớn của người cộng sản

(Baohatinh.vn) - Thế là trái tim lớn của người cộng sản - đồng chí nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã ngừng đập. Dẫu ông là người có kỷ lục tuổi thọ bậc nhất của lớp người “xưa nay hiếm” thế nhưng, sự ra đi này vẫn làm cho hàng triệu con tim nhân dân Việt Nam và bạn bè trên toàn thế giới bàng hoàng xúc động và tiếc nuối.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: Sống và hành động theo trái tim lớn của người cộng sản

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười gặp gỡ thiếu nhi Hà Nội và Thái Bình nhân dịp các cháu vào lăng viếng Bác Hồ và thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, ngày 19/5/1990. (Ảnh: Minh Đạo/TTXVN)

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười mất đi nhưng tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của ông mãi mãi trở thành tấm gương soi hậu thế. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là một học trò xuất sắc của Bác Hồ và người lãnh tụ kiên định với Chủ nghĩa Mác - Lê Nin. Hiểu sâu sắc học thuyết Mác - Lê Nin và hành động theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao nhiêu ghềnh thác, đưa đất nước ta, từ một nước kinh tế nghèo nàn và lạc hậu, lại bị tác động của hậu quả chiến tranh và thiên tai nặng, thành một Việt Nam “cất cánh bay cao” trong thời kỳ đổi mới.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười sinh năm 1917 tại làng Đông Phú, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1936, khi mới tròn 22 tuổi, đồng chí Đỗ Mười đã tham gia hoạt động trong phong trào Mặt trận bình dân và được kết nạp vào chi bộ Đảng Đông Phù năm 1939.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: Sống và hành động theo trái tim lớn của người cộng sản

Bộ Chính trị và các đồng chí Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIIIVII. (Nguồn: Sách "Đỗ Mười - Những bài nói và viết chọn lọc" - tập 1).

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười càng thấm sâu lời di huấn của Bác Hồ: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống, nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như vàng càng mài càng sáng, ngọc càng luyện càng trong”.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười không chỉ nghiêm túc rèn luyện cho mình, từ những lúc bị bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) “gươm kề cổ, súng kề tai” cho đến lúc mình trở thành một nguyên thủ quốc gia. Cái “cẩm nang” chứa trong trái tim lớn của người cộng sản, đó là “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Đối với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông không phải là người có học hàm lớn, nhưng con đường tự học của ông thì khó có ai vượt được. Nhờ vào ý thức học từ sách vở, học từ đồng chí mình, học từ nhân dân đã giúp ông có một tư duy sắc sảo, tầm nhìn biện chứng và có phong cách quyết đoán của người lãnh đạo.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là con người cộng sản suốt đời hành động vì nghĩa lớn. Ông luôn “nói đi đôi với làm” và bất cứ trong lĩnh vực nào, trong hoàn cảnh nào, Đảng và nhân dân giao nhiệm vụ, ông đều hoàn thành một cách vẻ vang.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: Sống và hành động theo trái tim lớn của người cộng sản

Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm Học viện Quốc phòng, ngày 21/12/1997. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)

Cuộc đời đồng chí Đỗ Mười đã trải qua nhiều cương vị lãnh đạo và chức vụ khác nhau, bao nhiêu những khó khăn và thách đố từ thực tiễn, càng làm cho ông thêm dày dạn kinh nghiệm. Là người cán bộ trưởng thành từ thực tiễn, nên ông luôn luôn bám sát cơ sở và lắng nghe những ý kiến từ nhân dân phản ánh, tôn trọng các nhà khoa học, các tri thức để từ đó xây dựng đường lối phát triển về kinh tế - văn hóa - xã hội, ổn định và bền vững.

Thành công lớn của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là thực hiện tốt được cách mạng từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, sau Đại hội VI của Đảng. Với chiến lược phát triển 5 thành phần kinh tế, thực hiện cơ chế khoán hộ cho nông dân, khoán sản phẩm lao động cho công nhân từ nhà máy tới hầm mỏ..., nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là người luôn luôn trăn trở, suy nghĩ những “lỗ hổng” trong kinh tế, phân tích rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan để tìm ra những giải pháp khắc phục.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: Sống và hành động theo trái tim lớn của người cộng sản

Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Nhật Bản Tomiichi Murayama trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ 18-19/4/1995 (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)

Muốn an dân, trước hết phải ổn định về kinh tế. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã xem “lạm phát” là “thứ vi rút” nguy hiểm, làm biến động giá cả, khuynh đảo đời sống nhân dân. Chính vì thế, trong thời điểm năm 1988- 1990, biện pháp táo bạo và quyết liệt của ông đã đẩy lùi được nguy cơ lạm phát.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã tuyên bố “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả bạn bè trên thế giới”. Ông đã “mở cửa” mời gọi các doanh nghiệp nước ngoài có năng lực vào đầu tư, nhằm tạo nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn. Đồng thời nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười chỉ đạo ngành giáo và y tế tích cực chăm lo đào tạo nhân tài, nhân lực, bảo vệ tốt sức khỏe cộng đồng.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười thường xuyên nhắc nhở cán bộ và nhân dân luôn luôn tôn trọng đạo lý ngàn đời của dân tộc, chống văn hóa lai căng, chống văn hóa ngoại lai đồi trụy. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cho rằng: Không có gì quan trọng bằng tư tưởng con người và con người yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu Đảng, yêu nhân dân, trước hết con người đó phải có nhận thức về giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười mất đi, nhưng lý tưởng của ông và sự nghiệp của ông mãi mãi là ánh hào quang rọi đường cho muôn thế hệ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast