Xử lý dứt điểm các tập đoàn, tổng công ty lỗ lớn

Chiều 9/11, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Phương Hữu Việt phát biểu ý kiến. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN).

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Phương Hữu Việt phát biểu ý kiến. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN).

Tổng kết phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, ý kiến của 34 đại biểu, trong đó có 2 bộ trưởng cho thấy các đại biểu nhất trí cao với Báo cáo kết quả giám sát việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các đại biểu nhất trí đánh giá cao vai trò, đóng góp quan trọng của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đối với nền kinh tế, giải quyết một số vấn đè xã hội, giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, cần đánh giá khách quan, sâu sắc hơn giữa lợi thế của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước với kết quả, hiệu quả đạt được cũng như các hạn chế, tồn tại của các tổ chức này trong thời gian qua.

Việc đánh giá cần xem xét toàn diện giữa hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Góp phần ổn định vĩ mô về kinh tế là rất quan trọng, nhưng xét về hiệu quả kinh tế ngoài chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, cần xem thêm chỉ tiêu lợi nhuận trên tổng vốn đầu tư kinh doanh, trong tỷ trọng vốn nhà nước và vốn vay; trong quan hệ tỷ lệ nợ phải thu và nợ phải trả, hệ số an toàn vốn phải được phân biệt ở từng ngành, từng lĩnh vực.

Phải có tiêu chí đồng bộ, rõ ràng để đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong đó có các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Ý kiến của các đại biểu nhấn mạnh, cần xác định rõ về mặt pháp lý và trên thực tế về chức năng hành chính nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trách nhiệm của người trực tiếp đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp để đảm bảo quản lý vốn, tài sản nhà nước vừa có hiệu quả cao vừa đảm bảo tính năng động, tự chủ trong kinh doanh.

Mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước và mô hình công ty mẹ-công ty con đang ở giai đoạn thí điểm, nên trong thời gian tới cần nghiên cứu, đánh giá sâu sắc hơn để lựa chọn mô hình thích hợp với số lượng, lĩnh vực thành lập phù hợp yêu cầu thực tế và đạt hiệu quả cao.

Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hoạt động đa ngành là cần thiết nhưng phải xác định ngành chính, nhiệm vụ chính. Việc mở rộng ngành nghề kinh doanh phải được nghiên cứu cho phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp thực lực, khả năng quản lý.

Nhà nước định hướng với tư cách là một nhà đầu tư vốn nói riêng và nguồn lực nhà nước nói chung. Cần chấn chỉnh theo hướng này để tập đoàn, tổng công ty hoạt động hiệu quả, bảo toàn và phát triển nguồn vốn nhà nước.

Các đại biểu Quốc hội thống nhất đề nghị trong thời gian tới, cần xử lý dứt điểm một số tập đoàn, tổng công ty lỗ lớn, khéo dài, không khắc phục được. Nếu cần cho phá sản và xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để xử lý đúng theo pháp luật.

Chính phủ cũng cần nghiên cứu một đầu mối chủ trì quản lý, theo dõi, kiểm soát vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước. Phân cấp rõ ràng giữa các bộ, ngành với nhau, giữa các bộ ngành Trung ương và địa phương về cả quyền và trách nhiệm trong quản lý nhà nước về vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước.

Cần có quy định của pháp luật và phải thực hiện đúng trên thực tế các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước trên cơ sở các tiêu chí được xác định rõ ràng.

Riêng với mô hình Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), cần có luật điều chỉnh để phù hợp với tính đặc thù của mô hình kinh tế này, để không trở thành một cấp trung gian.

Theo ý kiến các đại biểu, để tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hoạt động hiệu quả cần đổi mới nhiều khâu, nhiều lĩnh vực. Các đại biểu đặc biệt lưu ý vấn đề lựa chọn nhân sự lãnh đạo vì đây là đối tượng thay mặt nhà nước quản lý, sử dụng nguồn vốn nhà nước.

Đồng thời cần tiếp tục rà soát, chỉ đạo kiên quyết đổi mới, sắp xếp cổ phần hóa công ty nhà nước. Quá trình sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần chú ý đến các nhân tố cấu thành giá trị của doanh nghiệp và gắn với việc phát triển thị trường vốn trung và dài hạn, đảm bảo không để thất thoát vốn nhà nước, đảm bảo doanh nghiệp nhà nước phát triển mang tính ổn định, lâu dài

Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trao đổi và xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc có ra Nghị quyết về việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hay không

Trên cơ sở đó xây dựng dự thảo Nghị quyết để Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp./.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast