Ranh giới cách ly KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo với nội địa là ranh giới “mềm”

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo tình hình quý 1 của BQL KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và thống nhất phương án cách ly giữa KKT với nội địa. Dự họp có lãnh đạo BQL KKT; các thành viên BCĐ thực hiện Quyết định 162 và các ngành, địa phương liên quan. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Chất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng BCĐ Nguyễn Thiện chủ trì buổi họp.

Đến nay, quy hoạch chung KKT đã được trình Bộ Xây dựng thẩm định, chuẩn bị phê duyệt; Quy hoạch chi tiết Cổng B, KCN Đại Kim đã được phê duyệt; Quy hoạch chi tiết (điều chỉnh) khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và Quy hoạch chi tiết KCN-DV-TM và đô thị Đá Mồng đang trình Sở Xây dựng thẩm định. Hiện đang triển khai lập Quy hoạch chi tiết KCN-TM-DV-đô thị Hà Tân và điều chỉnh Quy hoạch chi tiết thị trấn Tây Sơn; Quy hoạch chi tiết mở rộng Khu du lịch Nước Sốt...

Từ đầu năm 2009 đến nay, BQL KKT đã cấp đăng ký kinh doanh cho 50 doanh nghiệp, nâng tổng số DN được cấp đăng ký kinh doanh trong KKT lên 116 DN với tổng số vốn pháp định 250 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 6 đơn vị đầu tư vào KKT với tổng số vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, trong KKT còn có hàng ngàn hộ kinh doanh cá thể, trong đó có 414 hộ được cấp giấy chứng nhận kinh doanh.

Cửa khẩu Cầu Treo

Hoạt động TM-XNK và XNC: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý 1 -2010 đạt 36,6 triệu USD; ước tính cả năm đạt trên 120 triệu USD ( tổng kim ngạch XNK năm 2009 là 96,9 triệu USD). Quý 1, có 78.623 lượt người và 8.564 lượt phương tiện qua lại cửa khẩu; ước tính cả năm là 200 nghìn lượt người và 40 nghìn lượt phương tiện. Thu nộp ngân sách 3 tháng đầu năm đạt 19,7 tỷ đồng; ước tính cả năm đạt trên 80 tỷ đồng...

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê văn Chất đánh giá cao sự nỗ lực của BQL KKT và các ngành, đơn vị, địa phương liên quan trong việc thu hút đầu tư vào KKT trong thì gian qua. Đặc biệt là BQL đã tranh thủ được sự giúp đỡ của các bộ ngành Trung ương để thu hút vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho KKT (vốn đầu tư cho hạ tầng KKT năm 2008 là 20 tỷ, năm 2009 là 40 tỷ và năm 2010 là 145 tỷ đồng) . Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc phát triển trong KKT từ khi có Quyết định 162 đến nay vẫn còn chậm; thủ tục hành chính chưa thật thông thoáng; GPMB còn chậm...

Thời gian tới, BQL và cách ngành liên quan phải tích cực kêu gọi đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; bám bộ ngành trung ương để sớm phê duyệt quy hoạch chung; thúc đẩy tiển khia để sớm hoàn thành các công trình hạ tầng, nhất là hạ tầng Cổng B, hạ tầng các KCN, đường giao thông...; các lực lượng trong KKT cần phối hợp nhịp nhàng hơn trong công tác thu hút đầu tư; tạo thông thoáng trong buôn bán nhưng cũng phải đấu tranh với nạn buôn lậu, đặc biệt là với các đầu nậu; các ngành tạo điều kiện thuận lợi tối đa về mặt thủ tục đối với những vấn đề liên quan đến KKT.

Về phương án cách ly KKT với nội địa, sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận: Thống nhất ranh giới giữa nội địa và KKT là ranh giới “mềm” (không xây dựng đường ranh cứng). Về hoạt động thương mại, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định và chỉ đạo: Hàng hoá từ KKT vào nội địa chỉ được phép lưu thông trên tuyến quốc lộ 8A (qua Cổng B). Ngoài ra, hàng hoá đi trên các tuyến đường khác từ KKT ra đều bị xem là hàng lậu và tịch thu, xử lý theo pháp luật. UBND tỉnh giao các ngành, đơn vị, địa phương liên quan có phương án cụ thể để đấu tranh với bọn buôn lậu trên các đường tiểu mạch, trong đó tập trung triệt để tại hai tuyến chính là Tây-Lĩnh-Hồng (Đấu nối với QL8A từ Cầu Hà Tân đi Sơn Lĩnh, Sơn Hồng) và tuyến đường phía Nam sông Ngàn Phố đi Sơn Thọ (Đấu nối với QL8A từ cầu Tấy Sơn đi xuyên qua các xã Sơn KIm 2, nông trường Tây Sơn đi Sơn Tho (Vũ Quang) ra đường mòn Hồ chí Minh. Để nạn buôn lậu xảy ra, tuỳ phạm vi của mình, các bên liên quan phải chịu trách nhiệm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast