Ngư dân sẵn sàng ra khơi để bảo vệ chủ quyền

Bên lề Quốc hội, đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai), Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã cho biết ngư dân sẵn sàng ra ngư trường đánh bắt cá để bảo vệ ngư trường truyền thống của tổ tiên đồng thời góp phần bảo vệ lãnh thổ tổ quốc:

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng
Đại biểu Đặng Ngọc Tùng

- Liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng thềm lục địa, đặc quyền kinh tế, lãnh thổ của Việt Nam, dự báo trong thời gian tới sẽ có những biến động tác động đến công ăn việc làm. Vậy Chính phủ phải tính toán có những giải pháp như thế nào để ứng phó, thưa ông?

Chính phủ đang tính toán các giải pháp thật cần thiết để làm sao kinh tế tiếp tục ổn định, chứ không phải mình hoàn toàn lệ thuộc vào nền kinh tế nào. Tính toán như thế nào để các phương án đưa ra vẫn tiếp tục đẩy mạnh được việc phát triển kinh tế của đất nước, giảm lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc.

- Ông nhận định như thế nào về việc Chính phủ đang dự thảo một chính sách, trong đó sẽ hỗ trợ lãi suất cho vay 3% đối với ngư dân. Nó sẽ tác động như thế nào?

Tôi đi tiếp xúc với bà con ngư dân, đặc biệt là các đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá nhiều lần, thì các ngư dân và nghiệp đoàn nghề cá thường than rằng bị các đầu nậu cho vay nặng lãi. Cho nên đánh bắt cá không đủ trang trải cho các chi phí. Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 5 diễn ra vào ngày 29-5, đã có những quyết sách rất hay đối với những ngư dân đánh bắt cá xa bờ. Chủ trương cho vay đóng tàu sắt tới 90%, với thời hạn trong vòng 10 năm mà lãi suất chỉ có 3%. Còn tàu gỗ là 70%, lãi suất cũng 3%. Tôi tin rằng tuyệt đại đa số ngư dân đồng tình ủng hộ vay tiền đóng tàu để bám biển.

Đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới, ngư dân được vay đến 90% tổng giá trị con tàu trong 10 năm (Ảnh: KT)
Đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới, ngư dân được vay đến 90% tổng giá trị con tàu trong 10 năm (Ảnh: KT)

Ngư dân miền Trung, đặc biệt là ở Lý Sơn họ rất thuộc ngư trường này. Đây là ngư trường truyền thống, mà cha ông đánh bắt cá bao đời nay rồi. Cho nên Trung Quốc dù có phá, đuổi, bắt, đâm chìm tàu thì ngư dân ỏ Lý Sơn nói riêng, và ngư dân Việt Nam nói chung không bao giờ bỏ ngư trường này. Tôi đã gặp tất cả anh em, thanh niên, đoàn viên ngư dân họ nói rằng "không sợ gì Trung Quốc hết cả", sẵn sàng ra ngư trường đánh bắt cá để bảo vệ ngư trường truyền thống của tổ tiên đồng thời góp phần bảo vệ lãnh thổ tổ quốc.

- Theo ông, việc hỗ trợ lãi suất 3% đối với ngư dân liệu đã đủ chưa, hay cần những biện pháp hỗ trợ nào khác?

Tại phiên họp Chính phủ tháng 5, chúng tôi đã đề xuất cần hỗ trợ cho ngư dân về khoa học kỹ thuật để làm sao tăng sản phẩm mà ngư dân đánh bắt. Ví dụ như với hàng trăm tàu đánh bắt cá của ngư dân phải có tàu phục vụ hậu cần lớn đi theo. Lúc đó, tàu phục vụ hậu cần sẽ cung cấp nước, xăng dầu, các vật dụng cần thiết để ngư dân bám biển lâu ngày, không phải chạy ra chạy vào. Nhưng quan trọng tàu hậu cần này phải thu mua những hải sản mà ngư dân đánh bắt được, và hướng dẫn cho ngư dân về kỹ thuật để sản lượng cá được bảo đảm, tăng chất lượng.

Đơn cử như việc ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương, việc phương phức đánh, bảo quản không tốt thì giá trị của cá ngừ đại dương giảm đi rất nhiều. Nhưng nếu có kỹ thuật, có hướng dẫn giá trị sẽ tăng gấp 6-7 lần. Điều đó sẽ làm lợi cho ngư dân. Bên cạnh các việc hỗ trợ thì việc hỗ trợ về mặt kỹ thuật cũng đã được Chính phủ đưa ra hỗ trợ ngư dân trong thời gian sắp tới.

- Xin cảm ơn ông!

X.M (ghi)

Nguồn: baotintuc.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast