Nhạc và lời… đố trời mà biết!

(Baohatinh.vn) - Làng Hạ có 2 gia đình hàng xóm “ăn đời ở kiếp” với nhau không biết đã bao nhiêu năm. Một nhà thuộc diện “trung nông”, còn nhà kia nghèo khó, con đông, nam nữ, tử tôn phiêu bạt kiếm sống khắp nơi.

Ngày nọ, cha mất, con nhà khó kéo nhau về làm đám, rồi phân công người ở lại giữ “gôn” hương hỏa. Khi đi trẻ, lúc về đã bóng xế, đám con nhà nghèo thấy ngõ vào nhà mình chật chội hơn trước nhiều, bèn sang nhà ông “trung nông” thưa chuyện, muốn mở mang cho rộng rãi. Đại để, thứ nhất là “ngõ nhà con, ngày xưa rộng, giờ cây cối bác trồng lấn hết cả”; thứ hai, mở rộng ngõ, phát quang bờ bụi cũng là hợp với tinh thần xây dựng nông thôn mới hiện nay ở xã ta…

Tưởng rằng, chuyện “có trước, có sau” thì xuôi lọt dễ dàng, ai dè, lão “trung nông” thượng hung: “Cây nhà tôi mọc trong… vườn nhà tôi! Có giỏi lên xã mà kiện!”.

Thế là “hai con dê cùng qua một chiếc cầu”, buộc ông xã đứng giữa phân xử. Thường, khi đứng ra phân xử một vụ tranh chấp điền thổ, các quan phải chú trọng đến hồ sơ đất đai, nhưng trong trường hợp này, “lý trưởng” cóc cần, xử toẹt một phát, cho nhà “trung nông” thắng. Lại còn đóng triện đỏ chót vào văn bằng cho “trung nông” mang về!

“Tấu” lên xã không xong, nhà kia đội đơn lên huyện, nại lý: ngõ vào nhà hạ dân được thể hiện rõ trong bản đồ 299, theo tỉ lệ xyz… Đối chiếu với tỷ lệ này thì con đường phải là trên 4m. Không hiểu quan xã căn cứ vào đâu, lại cho rằng, chỉ nhỉnh hơn 2m tí thôi!

Nhận đơn, huyện lại chuyển về… xã! Xã bây giờ đã có “lý trưởng” mới, nhưng cụ lý này cũng chẳng thể giải quyết xong, nghe đâu bởi nhà “trung nông” kia đã có “văn bằng” do cụ lý đời trước “ban” nên... Đám chức dịch, rỗi việc “buôn dưa lê”: Không lẽ “vẽ vòng rồi lại giẫm phải vòng”?!

Đến giờ, việc vẫn chưa đi đến đâu. Chỉ biết, cụ lý xử kiện xưa kia, nay hồi hưu vẫn phong độ như ngày đương chức, vẫn đều đặn ngày ngày ra cuối làng chén tiết canh, lòng lợn. Còn nhà “trung nông” vẫn tự đắc với tấm văn bằng đã được “ban”.

Dân làng Hạ bảo: tấm văn bằng kia là “bản nhạc” mà cụ Lý “sáng tác” trước khi “lỏn” khỏi chức vị. Chỉ có điều, nhạc (cái lý) và lời (cái tình) thì… đố trời mà biết?!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast