Vì sao lao động Hà Tĩnh bị từ chối?

(Baohatinh.vn) - Lao động Hà Tĩnh vốn được biết đến với tinh thần cần cù, với sự thông minh sáng tạo. Thế nhưng vì sao trong một số chương trình hợp tác lao động, hay trong quan điểm tuyển dụng của một số doanh nghiệp, lao động Hà Tĩnh thường bị từ chối.

Vì sao lao động Hà Tĩnh bị từ chối?

Rất nhiều lao động Hà Tĩnh đã bỏ trốn ra ngoài làm việc, sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc theo chương trình EPS

Tháng 5/2019, Bộ LĐ-TB&XH công bố danh sách các địa phương trong cả nước không được phái cử lao động sang Hàn Quốc theo chương trình EPS. Kết quả là người lao động của 5 huyện thuộc Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Đức Thọ và huyện Kỳ Anh đã không thể tham gia chương trình. Lý do là những địa phương này có số lượng lao động bỏ trốn quá lớn.

Như vậy gần như năm nào lao động của một số địa phương ở Hà Tĩnh cũng bị xếp vào diện phải cân nhắc về quyền lợi tham gia chương trình EPS.

Có thể nói, lao động bỏ trốn là một thực trạng nhức nhối cho thấy sự tùy tiện trong tuân thủ kỷ luật của nhiều lao động Hà Tĩnh. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 1.200 lao động đang bỏ trốn tại Hàn Quốc, chiếm tới 1/4 lao động làm việc tại xứ sở Kim Chi. Trong khi đó số lao động Hà Tĩnh làm việc và cư trú bất hợp pháp tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới lên đến gần 30.000 người.

Vì sao lao động Hà Tĩnh bị từ chối?

Lao động Hà Tĩnh phục vụ tại một số nhà hàng ở Hàn Quốc

Có những nơi như Hàn Quốc, Đài Loan, hoạt động bỏ trốn được tổ chức thành đường dây. Nghĩa là người lao động cứ nhập cảnh được vào nước bạn ngày hôm trước, thì ngày hôm sau có những đối tượng tổ chức cho việc bỏ trốn. Nếu không bỏ trốn, thì thái độ sống, ý thức lao động của nhiều nhóm người Hà Tĩnh ngay trên đất khách cũng được xem là có vấn đề.

Người ta vẫn nói người Hà Tĩnh thông minh, cần cù, thế nhưng sự cần cù có lẽ là chưa đủ khi mà ý thức kỷ luật lao động thuộc diện rất thấp. Không nói đâu xa, ngay tại Hà Tĩnh, nhiều doanh nghiệp đã phải lao đao với tình trạng sớm nắng chiều mưa của người lao động. Sau những đợt nghỉ Tết Nguyên đán, hay sau các đợt nghỉ dài ngày, nỗi lo thường trực của nhiều doanh nghiệp vẫn là lao động không trở lại.

Chẳng hạn như tại Công ty CP May Hà Tĩnh, cho đến hết rằm tháng giêng, số lượng công nhân đến làm việc mới chỉ được một nửa. Hầu hết đều nghỉ không có lý do.

Còn tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh, trong số 325 lao động có hợp đồng, thì có tới 149 người không chịu tham gia đóng các loại bảo hiểm. Lý do không muốn đóng là vì họ không muốn ràng buộc. Nói cách khác họ sẵn sàng “xé ngang” hợp đồng, bỏ việc bất cứ lúc nào.

Vì sao lao động Hà Tĩnh bị từ chối?

Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh thường xuyên phải tuyển dụng lao động thời vụ. Ảnh: Trâm Phương

Không phải ngẫu nhiên mà đã có những thời điểm, một số doanh nghiệp ở miền Nam treo biển không tuyển dụng lao động Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Trên phương diện pháp luật, đây là sự kỳ thị cần phải được phê phán, nhưng với những gì đã diễn ra thì không phải là không đáng để suy nghĩ.

Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Võ Trí Hảo - Chủ nhiệm khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (cũng là một người con của quê hương Hà Tĩnh) thì lao động Hà Tĩnh nói riêng và vùng Thanh Nghệ Tĩnh nói chung có một đặc điểm là sự sỹ diện khá cao. Họ được tiếng là người của những vùng đất học, vùng có nhiều truyền thống văn hóa, và do vậy trong chiều sâu tính cách, luôn muốn khẳng định một điều gì đó riêng biệt.

Nếu là những người đủ năng lực trình độ thì rất dễ vươn lên thành công trên các lĩnh vực, nhưng nếu là những người năng lực hạn chế thì lại rất dễ phá vỡ quy chuẩn. Điều này dẫn tới ý thức chấp hành kỷ luật của nhiều lao động phổ thông rất thấp.

Vì sao lao động Hà Tĩnh bị từ chối?

Thợ xây đến từ tỉnh Thừa Thiên Huế nhiều năm nay thường giành được số lượng lượng lớn công trình xây dựng nhà ở dân sinh trên địa bàn Hà Tĩnh. Ảnh: Thái Oanh

Trên thực tế, không có công việc nào là thực sự dễ dàng, và không có thu nhập nào không phải đổi bằng mô hôi, thế nhưng rất nhiều người vẫn còn những sự so đo huyễn hoặc. Làm việc ở nước ngoài thì bỏ trốn, làm việc trong nước thì không tuân thủ quy định.

Ngay tại quê nhà ở Hà Tĩnh, trong khi nhiều người kêu ca là thiếu việc làm, thì rất nhiều việc làm lại do người từ các tỉnh thành khác đến làm chủ. Cách mà những thợ xây, thợ cơ khí, thợ may, thợ cắt tóc, và kể cả thợ làm bánh mỳ đến từ Huế, Đà Nẵng cần mẫn thực hiện trên đất Hà Tĩnh là điều rất đáng để suy nghĩ.

Chủ đề Hà Tĩnh 24h

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast