Tình hình Thái Lan diễn biến phức tạp

Tình hình Thái Lan đang thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế trong bối cảnh ngày 10/5, được lực lượng áo đỏ ủng hộ chính phủ tuyên bố xuống đường tuần hành nhằm phản đối việc Thủ tướng Yingluck Shinawatra mới bị phế truất. Trong khi đó, chiến dịch biểu tình mà họ gọi là “trận chiến cuối cùng” của người biểu tình chống chính phủ vẫn tiếp diễn, bất chấp việc đã xảy ra đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát trong tối 9/5.

Hàng trăm người biểu tình phản đối chính phủ đã tập trung bên ngoài tòa nhà quốc hội, văn phòng thủ tướng và 5 đài truyền hình ở Thái Lan, nhằm ngăn cho chính phủ không thể sử dụng các tòa nhà này.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 10/5, lực lượng Áo đỏ ủng hộ Chính phủ Thái Lan đã bắt đầu tập trung tại Bangkok nhằm thách thức một nỗ lực của những người biểu tình đối lập đòi thiết lập một chế độ không qua bầu cử sau khi quyền Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị phế truất.

Các quan chức cho biết khoảng 3.000 cảnh sát đã được huy động để đối phó với cuộc tuần hành ủng hộ chính phủ ở khu ngoại ô phía Tây Thủ đô Bangkok mà dự kiến số lượng có thể đạt đỉnh vào tối nay. Phe Áo đỏ tuyên bố họ sẽ duy trì các cuộc biểu tình chừng nào còn cần thiết để bảo vệ chính quyền.

Cảnh sát chống bạo động Thái Lan gác bên ngoài một đài truyền hình tại thủ đô Bangkok ngày 9/5. Ảnh: AFP-TTXVN
Cảnh sát chống bạo động Thái Lan gác bên ngoài một đài truyền hình tại thủ đô Bangkok ngày 9/5. Ảnh: AFP-TTXVN


Việc bà Yingluck và 9 vị bộ trưởng bị Tòa án Hiến pháp phế truất hồi tuần này đã đẩy quốc gia vốn bất ổn này vào cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc hơn.

Trước đó, khoảng 4.500 người biểu tình phản đối chính phủ đã rời nơi cắm trại chính ở công viên Lumpini tại thủ đô Bangkok, bao vây các đài truyền hình và trụ sở cảnh sát sau khi thủ lĩnh phe biểu tình - cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban - kêu gọi tụ tập nhằm thành lập một chính phủ riêng.

Những người biểu tình khẳng định việc Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra bị Tòa án Hiến pháp bãi nhiệm là chưa đủ, do đảng Vì nước Thái của bà hiện vẫn điều hành chính phủ lâm thời và tiếp tục triển khai kế hoạch tổ chức bầu cử vào ngày 20/7 tới. Người biểu tình muốn trì hoãn cuộc bầu cử này, thúc đẩy cải cách nhằm chấm dứt ảnh hưởng của cái gọi là chế độ Thaksin ở Thái Lan, đồng thời cảnh báo sẽ có hành động nếu những yêu sách của họ đòi cách chức toàn bộ chính phủ đương nhiệm không được đáp ứng trong vòng 3 ngày tới.

Các cuộc biểu tình này diễn ra chỉ vài giờ sau khi Thượng viện Thái Lan tiến hành bỏ phiếu bầu ông Surachai Liangboonlertchai làm chủ tịch mới của cơ quan này, thay thế ông Nikom Wairatpanich - người đã bị đình chỉ chức vụ với cáo buộc ủng hộ Chính phủ của bà Yingluck Shinawatra.

Ông Surachai được bầu làm Chủ tịch Thượng viện Thái Lan trong bối cảnh cơ quan này có thể sẽ nhận được báo cáo của Ủy ban chống tham nhũng quốc gia về việc buộc tội cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra vào tuần tới. Thượng viện sẽ tiến hành bỏ phiếu có luận tội thủ tướng bị phế truất này hay không.

Trong khi đó, Mặt trận Dân chủ chống Độc tài hay còn gọi là phong trào "Áo đỏ" ủng hộ chính phủ cũng đã lên kế hoạch tuần hành tại thủ đô trong ngày 10/5 nhằm phản đối phán quyết phế truất bà Yingluck Shinawatra.

Nguồn: baotintuc.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast