Nên nghỉ Tết sớm để lao động xa quê yên tâm

Đầu tháng 10, Bộ LĐTBXH đã gửi dự thảo xin ý kiến tới các bộ, ngành về lịch nghỉ Tết Mậu Tuất 2018 với 2 phương án có số ngày nghỉ trước Tết khác nhau.

nen nghi tet som de lao dong xa que yen tam

Người lao động xa quê mong được nghỉ Tết Nguyên đán sớm để đoàn tụ gia đình. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Cũng như mọi năm, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán luôn được người lao động đón nhận, đặc biệt với lao động xa quê.

Năm nay, nhiều khả năng công chức, viên chức và phần lớn người lao động sẽ được nghỉ 7 ngày. Tuy nhiên nghỉ trước mùng 1 Tết là một hay hai ngày vẫn đang còn phải chờ.

Chọn phương án 1

Trên báo điện tử Laodong.vn đã có khảo sát về các phương án nghỉ Tết, căn cứ vào hai phương án mà Bộ LĐTBXH đưa ra. Theo đó, phương án 1 quy định nghỉ 7 ngày liên tục từ ngày 14.2.2018 đến hết ngày 20.2.2018 dương lịch (tức ngày 29 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng).

Trong đó có 2 ngày trước Tết, 3 ngày sau Tết, 2 ngày nghỉ bù do ngày mùng 2 và mùng 3 Tết trùng với ngày nghỉ hằng tuần. Phương án 2 quy định nghỉ 7 ngày liên tục từ ngày 15.2.2018 đến hết ngày 21.2.2018 dương lịch (tức ngày 30 tháng Chạp đến mùng 6 tháng Giêng).

Trong đó 1 ngày trước Tết, 4 ngày sau Tết, 2 ngày nghỉ bù do ngày mùng 2 và mùng 3 Tết trùng với ngày nghỉ hằng tuần. Kết quả tính đến ngày 6.10, 69,9% chọn theo phương án 1, 15,1% chọn theo phương án 2 và cũng 15,1% theo phương án khác, nghĩa là nghỉ dài hơn hoặc ít hơn 7 ngày.

Trong dự thảo, quan điểm của Bộ LĐTBXH ủng hộ đề xuất lựa chọn phương án 1. Lý do, việc thực hiện số ngày nghỉ theo phương án 1 có tính hài hòa, phù hợp vì số ngày nghỉ trước Tết là 2 ngày không quá ngắn, số ngày nghỉ sau Tết là 5 ngày là phù hợp. Với phương án này, ngày đi làm ngắt quãng là 2 ngày liên tục nên tác động tiêu cực của việc đi làm ngắt quãng không nhiều.

Ngày 5.10, trả lời báo chí, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải cho biết: “Trên cơ sở tình hình thực tế, Tổng LĐLĐVN đồng ý với phương án 1 do Bộ LĐTBXH. Đặc biệt với những lao động làm việc xa nhà, đơn cử như các lao động miền Bắc, miền Trung làm việc tại các khu công nghiệp phía Nam, việc mua vé tàu xe và đi lại còn khó khăn. Nếu cho nghỉ trước 1 ngày thì sẽ khó cho người lao động”.

nen nghi tet som de lao dong xa que yen tam

Người lao động mong chờ được nghỉ sớm để về quê đón Tết. Ảnh minh họa: P.V

Thời gian nghỉ đảm bảo công nhân được vui Tết trọn vẹn bên gia đình

Đầu tháng 10, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất đã công bố lịch nghỉ Tết với thời gian nghỉ Tết nhiều nhất lên đến 14 ngày, một số DN khác tùy vào lịch sản xuất mà bố trí cho người lao động nghỉ tết từ 9 đến 10 ngày, chưa kể ngày phép đi đường nếu người lao động có quê ở các tỉnh xa.

Ông Trương Hữu Nghĩa - Giám đốc Cty TNHH Toàn Thắng (KCN Bình Chiểu; quận Thủ Đức, TPHCM) - cho biết, lịch nghỉ Tết của Cty tùy thuộc vào tình hình sản xuất nhưng luôn đảm bảo số ngày nghỉ không ít hơn số ngày nghỉ nhà nước quy định. Tại Cty Toàn Thắng, số ngày nghỉ Tết trung bình từ 10-12 ngày.

Theo ông Nghĩa, vì đa phần các công nhân đều ở quê xa, có người mỗi năm về nhà một lần hoặc có khi vài năm mới về thì ngày nghỉ làm sao để cho người lao động được thoải mái nhất.

Từ nhiều năm qua, lịch nghỉ Tết tại Cty TNHH May thêu Thuận Phương (quận 6, TPHCM) luôn được công bố từ đầu năm khi Cty lên kế hoạch sản xuất. Lãnh đạo Cty cho biết, thời gian nghỉ Tết của người lao động trong Cty là 14 ngày. Nếu công nhân nào đã mua vé tàu xe sớm hoặc có việc ở quê thì sẽ được Cty giải quyết cho nghỉ không lương.

Về tiền lương những ngày nghỉ Tết, 14 ngày nghỉ, công nhân vẫn được nhận đầy đủ lương cơ bản mà không bị trừ bất kỳ các khoản nào khác.

“Cty vừa có thông báo nghỉ Tết gửi đến tất cả công nhân. Lịch nghỉ Tết phải được gửi trước 3 tháng để công nhân chủ động mua vé tàu xe, thuận tiện việc đi lại, tránh trường hợp thông báo ngày nghỉ Tết cận ngày khiến công nhân không mua được vé xe, đi xe “dù”, nhồi nhét, mất an toàn” - ông Liêu Quang Vinh - Chủ tịch CĐ Cty TNHH Freetrend Việt Nam (KCX Linh Trung I, TPHCM) nói.

Theo đó thời gian nghỉ Tết của người lao động tại Cty là từ ngày 13-22.2, ngoài số ngày nghỉ Tết theo quy định chung của toàn Cty, những công nhân ở các tỉnh từ Quảng Bình trở ra Bắc sẽ được nghỉ thêm từ 2 ngày đi đường, từ Quảng Bình trở vào sẽ được nghỉ thêm 1 ngày phép đường, tất cả các ngày nghỉ này Cty không trừ lương.

Tại Cty Pungkook Sài Gòn II (KCN Sóng Thần, Bình Dương), ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch CĐCS Cty - cho biết: Thời gian nghỉ Tết của Cty tùy thuộc vào đơn hàng, nếu năm nào đơn hàng ít, Cty cho người lao động nghỉ Tết sớm, đơn hàng nhiều thì ban giám đốc thông báo cho công nhân hiểu, chia sẻ, có thể nghỉ Tết muộn hơn nhưng vẫn luôn đảm bảo cho người lao động được nghỉ trước Tết 2 ngày, thời gian nghỉ Tết kéo dài từ 10-12 ngày, đối với các công nhân ở xa, nếu đã mua vé tàu xe thì xin nghỉ phép. CĐ cũng hỗ trợ 50% vé tàu xe cho công nhân.

“Đa phần công nhân đều xa quê, cả năm chỉ có mấy ngày Tết mới được sum họp một lần với gia đình, phải làm sao để anh chị em thấy thoải mái nhất, để sau đó mọi người sẽ cùng làm việc hăng say hơn” - ông Nguyễn Hữu Dũng nói.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc điều hành TCty Thương mại Hà Nội:

Về phía DN, thì số ngày nghỉ Tết ngắn sẽ có lợi cho công tác kinh doanh hơn, hoạt động ít bị gián đoạn, lợi nhuận không giảm sút, theo đó đóng góp nhiều giá trị vào tăng trưởng kinh tế. Nhưng ở góc độ người lao động, thì dịp nghỉ Tết càng dài ngày càng tốt, vì có những lao động ngoại tỉnh xa nhà, Tết là dịp về bên gia đình, người thân, thăm hỏi họ hàng, gặp gỡ, tiếp đãi bạn bè... K.V (ghi)

Ông Hoàng Mạnh Bản - Phó Giám đốc Cty TNHH Xuất nhập khẩu bơ Tây Nguyên:

Bộ LĐTBXH nên để thời gian nghỉ Tết linh động để DN tự quyết tùy đặc thù hoạt động của mình, thời gian nghỉ Tết tối đa không quá 10 ngày. Nếu nghỉ 7 ngày như phương án đã đề ra thì tôi ủng hộ phương án 1. Phương án nghỉ ít quá là không khả thi, vì như vậy, dần dần phong tục nghỉ Tết Nguyên Đán sẽ “biến mất” vì nhiều người lao động ở xa sẽ không về quê, không mặn mà với Tết, các lễ hội truyền thống sẽ mai một dần. K.V (ghi)

Anh Nguyễn Văn Vương (công nhân KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội):

Vợ chồng tôi đang thuê trọ tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, trong khi đó, quê tôi ở tận trong Nghệ An. Nếu phải chọn giữa hai phương án thì tôi sẽ chọn phương án 1, bởi dù sao được nghỉ sớm hơn 1 ngày còn có thời gian bắt xe đò về quê. Nếu nghỉ theo phương án 2 thì đối với những người xa quê như tôi, chẳng may nếu có trục trặc gì thì chắc là phải… đầu năm sau mới về đến nhà. Q.CHI (ghi)

Ông Lê Anh Dũng - Chủ tịch CĐ các KCN Phú Thọ:

Tôi đồng tình với phương án 1 nghỉ Tết từ ngày 29 tháng Chạp, bởi 2 ngày nghỉ trước Tết là không quá ngắn; trong khi số ngày nghỉ sau Tết là 5 ngày, phù hợp so với quy định; người lao động được nghỉ dài ngày hơn sau Tết, đi lại đỡ vất vả hơn. Còn nếu nghỉ Tết từ ngày 30 tháng Giêng thì sẽ khiến người lao động, nhất là những người lao động xa quê cập rập hơn, vất vả hơn trong việc đi lại. Q.CHI (ghi)

Ông Lê Ngọc Minh - Phó Chủ tịch CĐ Giao thông Vận tải VN:

Hầu hết CNLĐ ngành GTVT phải đi công tác xa nhà, ở tại các công trình xây dựng cầu đường. Do đó, một năm họ chỉ về nhà được một vài lần. Theo quan điểm của tôi, Chính phủ nên tạo điều kiện để CNLĐ được nghỉ trước Tết 2 ngày để họ có thời gian thu xếp công việc, di chuyển thuận lợi, chuẩn bị mua sắm. Đặc biệt, nghỉ Tết là dịp để CNLĐ có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, do đó, tôi chọn phương án 1 - nghỉ sớm 2 ngày, tạo điều kiện để CNLĐ có thời gian thư giãn, đỡ cập rập. H.A (ghi)

Theo laodong.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast