Dư nợ nông nghiệp - nông thôn “sưởi ấm” thị trường tín dụng Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Tính đến ngày 10/3, tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh giảm so với đầu năm. Dù vậy, tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn vẫn tăng. Giữa đại dịch Covid 19, đây chính là tín hiệu giúp “sưởi ấm” thị trường tín dụng tại Hà Tĩnh…

Dư nợ nông nghiệp - nông thôn “sưởi ấm” thị trường tín dụng Hà Tĩnh

Giữa khó khăn của đại dịch Covid-19, dư nợ nông nghiệp nông thôn tăng là dấu hiệu tích cực cho bức tranh tín dụng Hà Tĩnh

Từ đầu năm đến nay, nguồn dư nợ tại Agribank Hương Khê tăng thêm 20 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2019, đưa tổng dư nợ của chi nhánh đạt 1.000 tỷ đồng. Với địa bàn khó như Hương Khê, việc dư nợ tăng trưởng ngay từ đầu năm sẽ là dấu hiệu tốt của thị trường tín dụng.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Chi nhánh cho biết: “Mấy năm trở lại đây, kinh doanh - chế biến lâm sản bị “đóng băng”, doanh nghiệp hoạt động “cầm chừng” bởi thế, chi nhánh “kích thích” mạnh mẽ kênh cho vay đối với nông nghiệp - nông thôn. Đến nay, dư nợ lĩnh vực này chiếm 90% tổng dư nợ, đặc biệt, ở thời điểm đầu năm 2020, nhu cầu vốn để đầu tư làm vườn, trồng rừng sản xuất, trồng cây ăn quả... của khách hàng tăng cao đã tạo thuận lợi cho ngân hàng phát triển thị trường”.

Dư nợ nông nghiệp - nông thôn “sưởi ấm” thị trường tín dụng Hà Tĩnh

Ông Trần Anh Sơn, thôn 8, xã Hương Long tiếp cận nguồn vốn của Agribank Hương Khê để chuyển đổi sang làm kinh tế vườn

Khai thác tối đa sự tiếp cận của khách hàng, nguồn vốn Agribank Hương Khê được “bơm” về những mô hình bạc tỷ; cũng có những món vay chỉ vài chục triệu đồng để giúp bà con nuôi gà, trồng keo, mở rộng sản xuất cam, bưởi...

Ông Trần Anh Sơn, thôn 8, xã Hương Long (Hương Khê) cho biết: “Từ khi bắt tay vào làm kinh tế tôi đã nhờ vào nguồn vốn của Agribank Hương Khê. Hiện nay, ngành chế biến lâm sản gặp khó khăn, tôi được ngân hàng tiếp sức để chuyển hướng sản xuất sang trồng bưởi da xanh. Mong rằng sản xuất có hiệu quả, trả được nợ ngân hàng và phát triển kinh tế bền vững”.

Dư nợ nông nghiệp - nông thôn “sưởi ấm” thị trường tín dụng Hà Tĩnh

Sự tiếp sức tích cực từ nguồn vốn ngân hàng giúp nhiều trang trại chăn nuôi vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đến ngày 10/3, tổng dư nợ toàn địa bàn đạt 51.411 tỷ đồng, giảm 0,96% so với đầu năm do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. “Cứu lại” sự tụt giảm đó, tín dụng nông nghiệp, nông thôn vẫn đạt 31.024 tỷ đồng (tính đến 29/2) chiếm gần 60% tổng dư nợ toàn địa bàn và tăng 0,34% so đầu năm.

Dư nợ nông nghiệp - nông thôn “sưởi ấm” thị trường tín dụng Hà Tĩnh

Lãi suất cho vay giảm, các ngân hàng đều kỳ vọng sự tiếp cận tích cực các nguồn vốn của khách hàng

Tín dụng nông nghiệp - nông thôn vẫn thuộc ưu thế của hai “chủ công” lớn là Agribank Hà Tĩnh và Agribank Hà Tĩnh II với dư nợ cho vay khoảng 6.000 tỷ đồng mỗi chi nhánh. Cùng với đó, kênh Ngân hàng Chính sách Xã hội với tỷ trọng chiếm 10% tổng dư nợ toàn địa bàn (4.763 tỷ đồng) cũng chủ yếu phát huy nguồn vốn ở khu vực nông thôn như: cho vay hộ thoát nghèo, cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã dành 100% vốn cho nông nghiệp - nông thôn với dư nợ đến cuối tháng 2 là trên 270 tỷ đồng...

Nhận định của các ngân hàng, thị trường tín dụng sẽ trở lại chiều tăng kể từ quý II/2020. Cùng với việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ Ngân hàng Nhà nước (ngắn hạn xuống còn từ 5%- 9%/năm, lãi suất trung và dài hạn 9%-11%/năm) sẽ là cơ hội để các ngân hàng lấy lại sức tăng trưởng trong mùa kinh doanh cao điểm. Nhất là khi lĩnh vực ưu tiên số 1 - cho vay nông nghiệp, nông thôn giảm về mức lãi suất thấp nhất còn 5%- 6%/năm...

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast