Phát triển giống thủy sản ở Hà Tĩnh: Cần tăng cường liên kết với bên ngoài!

Dù đã có sự quan tâm nhưng việc đầu tư phát triển giống thủy sản ở Hà Tĩnh trong những năm qua chưa đáp ứng nhu cầu của các hộ nuôi trồng. Ngoài vốn thì công nghệ và nhân lực kỹ thuật là những yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành bại của các cơ sở sản xuất giống. Để làm được việc này, tỉnh cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp có uy tín trong cả nước đầu tư vào sản xuất giống trên địa bàn Hà Tĩnh.

Cung không đủ cầu!

Nghề nuôi trồng thủy sản ở Hà Tĩnh ta ngày càng phát triển mạnh nên nhu cầu con giống cũng tăng theo. Với diện tích trên 2.600 ha nuôi tôm trong năm 2010, Hà Tĩnh cần hơn 250 triệu con tôm giống các loại. Thế nhưng, tổng nguồn giống tôm sản xuất và ương dưỡng trên địa bàn mới chỉ đáp ứng được khoảng 10 – 20% nhu cầu.

Nghề NTTS ở Hà Tĩnh đang phát triển mạnh nhưng nhu cầu con giống mới đáp ứng được 10 - 20%...
Nghề NTTS ở Hà Tĩnh đang phát triển mạnh nhưng nhu cầu con giống mới đáp ứng được 10 - 20%...

Hàng năm, chuẩn bị bước vào vụ nuôi mới, các hộ nuôi tôm phải “khăn gói” vào tận các tỉnh phía Nam để mua giống về thả. Do đó, đảm bảo chất lượng con giống khi vận chuyển ở xa về và công tác kiểm soát dịch bệnh là hết sức khó khăn.

Hà Tĩnh hiện có 3 trại sản xuất giống tôm nhưng được xây dựng khá lâu, quy mô nhỏ (mỗi trại chỉ sản xuất được 5 -15 triệu post/năm). Điều đáng nói là số trại và sản lượng giống sản xuất hàng năm có chỉ số đi xuống. Ví như năm 2006, cả tỉnh có 5 trại giống với sản lượng đạt 40 triệu con nhưng đến nay chỉ có 3 trại giống sản xuất và ương dưỡng với sản lượng đạt 27 triệu con.

Riêng đối với giống thủy sản nước ngọt, toàn tỉnh có 3 trại sản xuất với công suất 40 triệu cá bột/năm nhưng hàng năm cũng chỉ phát huy được 40% công suất (sinh sản 16 - 18 triệu cá bột). Ngoài ra, còn có 55 cơ sở ương giống trên địa bàn, song, mỗi năm, lượng giống thủy sản nước ngọt và ương dưỡng trên địa bàn chỉ đáp ứng trên 50% nhu cầu; số còn lại được người dân mua ở các tỉnh khác.

Trong 5 năm qua (2005 - 2010), Hà Tĩnh đã cho phép lập 4 dự án cải tạo xây dựng các cơ sở sản giống với nguồn vốn đã được phân bổ trên 17 tỷ đồng, xây dựng một phòng kiểm nghiệm chất lượng có hệ thống PCR. Tuy nhiên, do cung không đủ cầu nên công tác quản lý chất lượng con giống hết sức khó khăn, nhất là giống tôm trên 80% dịch vụ từ các tỉnh phía Nam, chất lượng thực tế rất khó kiểm soát vì hầu hết đã có giấy kiểm dịch cơ sở trước khi xuất xưởng, các chốt kiểm tra chưa được thiết lập….

Giải pháp phát triển bền vững

Ông Lê Đức Nhân – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết: Đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ cho sinh sản nhân tạo và ương dưỡng khoảng 600 triệu giống mặn lợ, 80 triệu giống nước ngọt.

... tuy nhiên, một số dự án (Trung tâm giống thủy sản Hà Tĩnh do Dự án IFAD và Chương trình 224 đầu tư với số vốn hơn 2,5 tỷ đồng) lại không phát huy hiệu quả
... tuy nhiên, một số dự án (Trung tâm giống thủy sản Hà Tĩnh do Dự án IFAD và Chương trình 224 đầu tư với số vốn hơn 2,5 tỷ đồng) lại không phát huy hiệu quả

Để đạt được mục tiêu này, từ bây giờ, tỉnh cần chú trọng đến quy hoạch vùng sản xuất giống mặn lợ, giống nước ngọt; rà soát lại hệ thống sản xuất và ương nuôi giống trên địa bàn để tiếp tục đầu tư, nâng cấp.

Ngoài ra, cần tăng cường ứng dụng các tiến bộ KHKT, phối kết hợp với các trường, viện du nhập các giống mới, công nghệ sinh sản các loài có giá trị kinh tế cao phục vụ sản xuất; tăng cường năng lực quản lý, bổ sung lực lượng phương tiện đủ mạnh để kiểm soát chất lượng giống sản xuất, ương dưỡng trong tỉnh và kiểm soát lượng giống từ các tỉnh khác về, đặc biệt là giống tôm để phòng trừ tốt dịch bệnh. Đặc biệt, tỉnh cần lập dự án xây dựng cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng có công suất trên 300 triệu giống/năm phục vụ cho kế hoạch phát triển tôm he chân trắng công nghệ cao.

Theo ông Nguyễn Công Hoàng – Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Hà Tĩnh thì phát triển giống thủy sản trên địa bàn hiện đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, công nghệ và nhân lực. Mặt khác trên thực tế nhiều người đầu tư vào sản xuất giống nhưng không có đầu ra vì người dân chưa tin tưởng vào chất lượng con giống.

Để sản xuất giống mang lại hiệu quả cao, trong đó, chủ lực là tôm thẻ chân trắng thì phải liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp có uy tín trên thị trường trong nước hoặc tổ chức ương giống. Muốn vậy, tỉnh cần tạo điều kiện xây dựng một trung tâm liên doanh, đồng thời có chính sách đầu tư về hạ tầng vùng sản xuất giống nhằm tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ thuật, quản lý giống thủy sản cũng cần được chú trọng.

Phát triển sản xuất giống trên địa bàn Hà Tĩnh không chỉ đáp ứng nhu cầu về giống cho người dân địa phương mà còn hạn chế được dịch bệnh xẩy ra do chất lượng con giống, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng mang lại giá trị kinh tế cao cho nghề NTTS.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast