Kỳ Anh giải “bài toán” xuất khẩu lao động

Liên tiếp 2 năm gần đây, lao động xuất khẩu (LĐXK) huyện Kỳ Anh ra nước ngoài không ngừng tăng, trong đó, năm 2011, có gần 1.300 người. Năm 2012, có 1.850 lao động ra nước ngoài làm việc. Nền móng vững chắc sau chuỗi thành công ở lĩnh vực này khiến huyện Kỳ Anh đặt niềm tin vào con số 1.400 LĐXK trong năm 2013. “300 LĐXK từ đầu năm đến nay là một tín hiệu tốt lành. Tuy nhiên, chặng đường phía trước rất khó dự báo” - Q. Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nguyễn Văn Hảo cho hay.

Tư vấn XKLĐ xã Kỳ Lâm (Kỳ Anh)
Tư vấn XKLĐ xã Kỳ Lâm (Kỳ Anh)

Nếu nhìn thực tại, có thể thấy nỗi băn khoăn của ông Hảo dựa trên nhiều yếu tố bất lợi tác động. Hàn Quốc là quốc gia luôn nằm trong “tầm ngắm” của người lao động, nhưng thị trường này hiện đang “đóng băng”. Và mặc dù không là miền đất “hứa” nhưng thị trường Trung Đông cũng không còn nhiều điểm đến cho lao động, trong đó có người Việt Nam, bởi chiến tranh và nội chiến xảy ra triền miên. Đó là chưa kể một số doanh nghiệp đầu tư ở nước ngoài bị phá sản nên không còn việc làm cho lao động. Khách quan là vậy nhưng chính những yếu tố chủ quan lại là rào cản khiến công tác XKLĐ không thể “thuận buồm xuôi gió”. “Tự mình làm khó mình”, một số lao động đi nước ngoài chưa nhận thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình đã bỏ trốn ra khỏi doanh nghiệp để tìm việc làm có mức thu nhập cao hơn; số khác vi phạm pháp luật, gây rối trật tự, phá vỡ hợp đồng, gây mất uy tín với đối tác. Lao động Việt Nam ra nước ngoài đều từ những gia đình nghèo, kinh tế khó khăn, trình độ văn hóa thấp lại chưa qua đào tạo nghề, bất đồng về ngôn ngữ nên hiệu quả công việc không cao, khiến nhiều đối tác quay lưng không tiếp nhận. Tuy vậy, “cánh cửa” việc làm ở các quốc gia như Đài Loan, Malaysia chưa khép lại. Mặc dù những thị trường này không được nhiều lao động lựa chọn nhưng nếu đối chiếu với những tiêu chí như “đầu vào” thấp, việc làm ổn định thì mức thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng là có thể chấp nhận được.

Lao động tìm kiếm thông tin tuyển dụng. Ảnh: QL

Lao động tìm kiếm thông tin tuyển dụng. Ảnh: QL

Có thể nói, XKLĐ đã góp phần XĐGN cho người dân vùng nông thôn. Thực tế đã chứng minh một số làng quê ở các xã Kỳ Khang, Kỳ Ninh thực sự đổi mới nhờ XKLĐ. Đặc biệt, số lao động sau khi ở nước ngoài về đều được đào tạo nâng cao tay nghề, được học cách quản lý và tác phong làm việc công nghiệp. Tiếc rằng, không phải địa phương nào cũng chú trọng đến công tác XKLĐ; một số xã thiếu nhiệt tình khi làm việc với các công ty tuyển dụng nên kết quả đạt thấp. Phần lớn lao động ra nước ngoài đều ở những địa phương truyền thống như: Kỳ Ninh, Kỳ Phú, Kỳ Châu…Tất nhiên, việc thờ ơ của không chỉ người dân mà một số địa phương đều xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nhà tuyển dụng không đủ tư cách pháp nhân nhưng vẫn hoạt động, khiến các địa phương thiếu mặn mà, người lao động cảm thấy bất an.

Trước tình hình đó, huyện Kỳ Anh đã phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát lại các đơn vị, tổ chức không đủ tư cách pháp nhân tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài. “Các công ty TNHH: Trường Chinh, H&L, Phạm Luận đều có trú sở tại huyện Kỳ Anh buộc phải dừng hoạt động” - ông Hảo cho biết thêm. Đồng thời, huyện phối hợp với các trường dạy nghề tổ chức các ngày hội về việc làm và XKLĐ ở các xã, từ đó thông báo về thị trường lao động, công ty trực tiếp tuyển dụng, đơn vị dịch vụ tuyển, lệ phí, tiêu chuẩn, quyền và nghĩa vụ để người lao động lựa chọn và đăng ký. Huyện còn dành nhiều thời gian tổ chức các buổi hội thảo giữa các cơ quan tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài với UBND các xã và người lao động để trao đổi về nhu cầu, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đồng thời học tập kinh nghiệm ở các xã làm tốt công tác XKLĐ. Công tác tuyển chọn tại các địa phương cũng được chú trọng. Theo đó, chỉ tuyển chọn những lao động đi làm việc ở nước ngoài khi có đủ các điều kiện sức khỏe, lý lịch tốt và không vi phạm pháp luật.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast