Rừng phòng hộ Moọng Coòng đứng trước nguy cơ bất ổn

Sau một thời gian lắng xuống, tình trạng tranh chấp, khai thác vàng tại khu vực Moọng Coòng ( Kỳ Sơn – Kỳ Anh) đứng trước nguy cơ xẩy ra bất ổn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là sự mập mờ trong việc khảo sát, thăm dò tại khu vực Moọng Coòng của Công ty Cổ phần Đức Hạnh (Phú Thọ)

Tháng 9/2011 gia đình ông Hồ Văn Lợi ở xóm Trung Sơn (Kỳ Sơn) một trong hai hộ được UBND xã Kỳ Sơn giao 18,6 ha tại khu vực Moọng Coòng để bảo vệ vùng mỏ và sử dụng đất vào mục đích trồng cây Lâm nghiệp và phát triển chăn nuôi. Từ khi được giao đất đến nay, hai hộ gia đình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ trước sự “dòm ngó” của các đầu nậu.

Máy móc, thiết bị được tập kết trước các cửa hang sâu hàng chục m

Máy móc, thiết bị được tập kết trước các cửa hang sâu hàng chục m

Theo ông Lợi, đội quân khai thác vàng trước đây luôn lợi dụng các ngày lễ, tết để xâm nhập, khai thác vàng trái phép trong khu rừng do gia đình quản lý. Tuy nhiên, sự xâm phạm bất hợp pháp của các đối tượng nhanh chóng được ngăn ngừa nhờ sự giúp sức của chính quyền địa phương. Nhưng vài tháng nay, sau khi Công ty cổ phần Đức Hạnh tổ chức phương tiện, nhân lực lên khu vực Moọng Coòng thăm dò và khai thác thì tình hình trở nên phức tạp. “Trước đây các đối tượng vào khu vực rừng do gia đình quản lý đều bị ngăn chặn, nhưng khi Công ty cổ phần Đức Hạnh tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác thì các đầu nậu trên địa bàn cũng đua nhau vào Moọng Còong để tìm vàng. Lấy lý do Công ty này dù chưa có giấy phép nhưng vẫn tiến hành các hoạt động tìm kiếm, khai thác nên họ được nước làm theo ”. Ông Lợi bức xúc.

Có mặt tại khu vực Moọng Còong sau hơn 1 giờ băng rừng chúng tôi được chứng kiến khung cảnh náo nhiệt tại khu vực rừng cấm mà Công ty cổ phần Đức Hạnh đang “ thăm dò địa chất”. Trên mảnh đồi hoang tan, tiếng máy nổ xé tan không khí tĩnh lặng của khu rừng phòng hộ. Các hầm vàng được đào lộ thiên xuyên sâu vào lòng núi nằm bên cạnh con suối đặc quánh bùn đất do đá vùi lấp. Những vách núi dựng đứng một thời được nhường chỗ cho hố sấu và một đường xẻ thẳng ngăn đôi đôi vách núi. Bắt đầu từ con đường độc đạo mở xuyên vách núi này, những người tìm vàng dùng máy bơm nước áp lực cao bơm nước từ ngoài cửa hầm cứ thế chĩa thẳng vào vách núi tìm vỉa đá có quặng vàng. Mỗi khi nước bơm vào, vách núi cứ thế sạt lở cuốn trôi lớp đất ra lòng hồ và gần như vùi lấp cả một góc cánh rừng phòng hộ dưới chân núi, bỏ lại những thân cây bật gốc nằm phơi mình dưới nắng. Nếu không chứng kiến được tận mắt khu vực khai thác thì chúng tôi cũng như chính quyền xã Kỳ Sơn ngỡ rằng Công ty Công ty cổ phần Đức Hạnh đang đăng “thăm dò địa chất” như trên giấy tờ.

Trao đổi với chúng tôi về tình trạng nói trên, Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn Dương Xuân Linh cho biết, việc Công ty cổ phần Đức Hạnh vào thăm dò và khai thác ở khu vực Moọng Còong chính quyền đã biết. Tuy nhiên theo ông Linh vì là cấp dưới nên UBND xã Kỳ Sơn không tiện kiểm tra và giám sát hoạt động của một đơn vị khi đã có sự giới thiệu và đề nghị tạo điều kiện của cấp trên. Đến khi người dân địa phương phản ánh việc Công ty Cổ phần Đức Hạnh không dừng lại ở việc thăm dò mà đã tiến hành các thủ tục chuẩn bị khai thác thì chính quyền mới tá hỏa tìm phương án giải quyết.

Cũng theo ông Linh, trong công văn đề nghị cho Công ty cổ phần Đức Hạnh khảo sát, thăm dò địa chất của Sở TN&MT không nói rõ quy trình thăm dò và thời gian kết thúc việc thăm dò nên đã gây ra sự khó khăn trong việc quản lý, theo dõi của chính quyền. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Đức Hạnh đã không đăng ký đầy đủ danh sách công nhân có mặt tại địa bàn, báo cáo số lượng các thiết bị máy móc kèm theo... như đã cam kết với chính quyền.

Điều đáng nói, khu vực rừng Moọng Còong nằm phía thượng nguồn, đầu nguồn của các con khe, suối xuôi theo dòng Rào Trổ về phía hạ nguồn. Và khi được cấp phép thăm dò để tiến hành khai thác ( như chủ định của Công ty cổ phần Đức Hạnh) thì hàng trăm nghìn người dân đang sử dụng nước từ khu vực lòng hồ Rào Trổ để sinh hoạt hàng ngày khó tránh khỏi nguy cơ bị bị nhiễm độc do hóa chất độc hại cyanua từ các bãi đào vàng này ngày đêm thải ra.

Thiết nghĩ, các cấp chính quyền ở Kỳ Anh và các ngành liên quan cần có sự giám sát trong việc thăm dò, khai thác khoáng sản của Công ty cổ phần Đức Hạnh tại khu vực rừng phòng hộ Moọng Còong. Quan trọng hơn, phải quy định rõ rằng thời gian và quy trình thăm dò, không để các đơn vị, các nhân tìm cách “lách luật” gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast