Đến nay chưa ghi nhận biến thể BA.4 và BA.5 của Omicron ở nước ta

Theo báo cáo của các đơn vị làm xét nghiệm, giải trình tự gen ở nước ta cho thấy, đến thời điểm này chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 nhiễm biến thể phụ mới BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron.

Đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế chiều ngày 12/4 cho biết, đến thời điểm này theo báo cáo của các đơn vị làm xét nghiệm, giải trình tự gen ở nước ta cho thấy chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 nhiễm biến thể phụ mới BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron.

Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, trong các báo cáo giải trình tự gen virus gây COVID-19 gần đây, có đến 97-98% số mắc nhiễm chủng BA.2, số còn lại nhiễm chủng Delta, BA.1... ngoài ra chưa ghi nhận các biến thể khác.

Đến nay chưa ghi nhận biến thể BA.4 và BA.5 của Omicron ở nước ta

Theo báo cáo của các đơn vị làm xét nghiệm, giải trình tự gen ở nước ta cho thấy, đến thời điểm này chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 nhiễm biến thể phụ mới BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron. Ảnh minh hoạ.

Ở nước ta trong thời gian qua, đặc biệt là cuối tháng 2 đến khoảng hơn giữa tháng 3/2022, số ca mắc COVID-19 tăng cao, có ngày trên 150.000 ca mắc COVID-19.

Báo cáo tại phiên họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thứ 13 diễn ra đầu tháng 3/2022 cho thấy: Số ca mắc mới tăng nhanh là do biến thể Omiron phổ biến ở nhiều tỉnh, thành thay thế dần biến thể Delta ( biến thể phụ BA.2 của biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh, tuy nhiên ít làm tăng nặng hơn.)

Trước đó, Sức khoẻ & Đời sống đăng tin ngày 11/4, Tổ chức Y tế Thế giới thông báo cơ quan này đang theo dõi một số ca nhiễm hai biến thể phụ mới của biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh để xem các biến thể phụ này có dễ lây lan hay nguy hiểm hơn hay không.

Cụ thể, Tổ chức Y tế Thế giới đã bổ sung BA.4 và BA.5, biến thể “cùng lứa” với của biến thể phụ gốc BA.1 của Omicron vào danh sách các biến thể cần theo dõi.

Tổ chức Y tế Thế giới đã theo dõi biến thể phụ BA.1 và BA.2, hiện chiếm chủ đạo số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu, cũng như biến thể phụ BA.1.1 và BA.3.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết đã bắt đầu theo dõi các biến thể phụ này bởi “những đột biến mới này cần được nghiên cứu sâu hơn để hiểu về tác động của chúng đối với khả năng trốn hệ miễn dịch.”

Tất cả các loại virus thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, chỉ có một số biến thể tác động tới khả năng lây lan hoặc lẩn trốn được khả năng miễn dịch có được nhờ tiêm phòng hoặc sau khi mắc bệnh, hay mức độ nghiêm trọng của bệnh do các biến thể phụ này gây ra.

Ví như, biến thể phụ BA.2 của Omicron (còn gọi là biến thể Omicron tàng hình) hiện gây ra gần 94% số ca mắc được giải trình tự gen.

Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca mắc COVID-19 ở nước ta liên tục giảm trong thời gian qua. Báo cáo tại phiên họp lần thứ 14 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 9/4 cho thấy, so với tuần trước, số mắc trong cộng đồng giảm 36,9%, số tử vong giảm 26,1%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 26,7%, số ca nặng, nguy kịch giảm 31,7%.

So với tháng trước, số ca tử vong giảm 28,6%. Tỷ lệ tử vong/mắc của 30 ngày qua giảm mạnh từ 0,13% tháng trước xuống còn 0,03% trong tháng này.

Theo SK&ĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast