Đấu giá quyền sử dụng đất kiểu mới: "Cò đất" hết đường trục lợi?

(Baohatinh.vn) - Cuối năm 2016, hai phiên đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh diễn ra trong sự chờ đón của nhiều người bởi các phiên này đã tiên phong áp dụng phương thức đấu giá mới. Và, kết quả của phiên đấu đã không làm khách hàng thất vọng.

>> Đấu giá quyền sử dụng đất: Nhiều kẽ hở, “cò đất” lộng hành!

dau gia quyen su dung dat kieu moi co dat het duong truc loi

Đấu giá quyền sử dụng đất theo phương thức mới đã hạn chế được tiêu cực, nhất là nạn “cò đất”.

Một trong những căn nguyên để “cò đất” có thể lộng hành, chèn ép khách hàng có nhu cầu trong phiên đấu là việc để lộ thông tin. Xác định đúng “bệnh” để tìm “phác đồ điều trị” phù hợp được đánh giá là đã thành công một nửa. Do vậy, tiêu chí bảo mật thông tin tuyệt đối được đặt làm “kim chỉ nam” khi xây dựng hình thức, phương thức đấu giá mới.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc chấn chỉnh hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, với nhiệm vụ được giao, Sở Tài chính, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh và các đơn vị có liên quan đã tích cực nghiên cứu, đề xuất áp dụng hình thức, phương pháp đấu giá mới nhằm hạn chế tiêu cực. Ngày 23/11/2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3335/QĐ-UBND về Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất vùng quy hoạch dân cư thuộc dự án chỉnh trang đô thị phía Đông kênh N1-9 thuộc phường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh. Đây là khu đất có cảnh quan đẹp, nhiều lợi thế trong sinh hoạt và sử dụng được nhiều tiện ích công cộng, do vậy, nhiều người có nhu cầu tham gia.

So với phương pháp đấu giá truyền thống, đây là bước đột phá trong giải pháp hạn chế tối đa sự can thiệp của “cò” đấu giá. Quy chế áp dụng hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu kín ngay sau thời điểm thông báo thông tin đấu giá trên phương tiện thông tin đại chúng; khách hàng sau khi tham khảo hồ sơ, xem thực địa và quyết định giá mua của mình sẽ tiến hành thủ tục nộp tiền đặt trước vào một trong những số tài khoản của tổ chức thực hiện việc bán đấu giá tại một ngân hàng thương mại do mình lựa chọn. Khi nộp tiền, ngân hàng không ghi số lô, thửa của khách hàng định tham gia đấu giá. Toàn bộ chứng từ nộp tiền, đơn tham gia và phiếu trả giá được khách hàng cho vào phong bì thư dán kín và bỏ vào hòm phiếu đã được niêm phong tại trụ sở của tổ chức bán đấu giá.

Với phương pháp này, bên cạnh việc giữ được bí mật thông tin khách hàng, việc quy định lựa chọn 3 người có giá trả cao từ trên xuống trong cùng một lô đất để được vào tham gia đấu giá vòng 2 tại phiên đấu giá đã làm cho “cò đất” không có cơ hội tham gia vào vòng trong do không dám trả giá cao (sợ phải “ôm” đất hoặc bị mất khoản tiền đặt trước) và như vậy, chỉ có người có nhu cầu về đất ở đích thực mới tham gia đấu giá.

dau gia quyen su dung dat kieu moi co dat het duong truc loi

Nhờ áp dụng phương pháp đấu giá mới, phiên đấu giá QSD đất khu quy hoạch dân cư thuộc Dự án Chỉnh trang đô thị phía Đông kênh N1-9 (phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) đã thu về trên 177 tỷ đồng, vượt giá khởi điểm hơn 18 tỷ đồng.

Là một trong những người trực tiếp tham mưu xây dựng Quy chế bán đấu giá quyền sử dụng đất các lô đất thuộc dự án chỉnh trang đô thị phía Đông kênh N1-9 tại phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh, ông Nguyễn Chí Công - Phòng Quản lý quỹ đất, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh phân tích: “Tính bảo mật thông tin khi nộp tiền đặt trước ở phương thức này được đảm bảo tuyệt đối. Theo đó, khi xây dựng phương án tiền đặt trước (theo quy định tiền đặt trước bằng tối đa 15% và tối thiểu là 1% giá khởi điểm), căn cứ vào giá khởi điểm các lô đất, tiền đặt trước các lô đất sẽ được đưa về một mức bằng nhau. Tổ chức bán đấu giá không được thu trực tiếp tiền đặt trước (bằng tiền mặt) của người tham gia đấu giá mà phải nộp thông qua một tổ chức tín dụng; đồng thời, khi nộp tiền đặt trước, người tham gia không phải ghi rõ là tiền đặt trước để đấu giá lô đất nào”.

Diễn biến tại 2 phiên đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua khi áp dụng hình thức và phương pháp đấu giá mới cho thấy, mục tiêu đấu giá để huy động tối đa nguồn thu ngân sách đã thành công khi 2 cuộc đều có số tiền vượt giá cao (gần 30 tỷ đồng, tỷ lệ vượt giá khởi điểm khoảng 12%. Theo thống kê tại Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh, nếu thực hiện theo phương pháp cũ thì mức vượt giá khởi điểm cũng chỉ từ 5-6%). Đặc biệt, đã hạn chế tiêu cực trong đấu giá về vấn nạn “cò” làm lũng đoạn giá là điều dễ nhận thấy khi đất sống của “cò đất” đã bị thu hẹp ngay tại phiên đấu.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Đinh Hồng Tâm cho biết: “Việc áp dụng phương pháp đấu giá theo quy chế nêu trên cần nhân rộng và áp dụng tại những phiên đấu giá để bán tài sản có tính nhạy cảm (bao gồm bán đấu giá quyền sử dụng đất và các tài sản khác) nhằm hạn chế tiêu cực. Thời gian tới, cần nghiên cứu, đề ra một số hình thức, phương pháp đấu giá phù hợp đặc điểm cụ thể của từng loại tài sản, từng vùng khác nhau trên địa bàn tỉnh, bên cạnh mục đích bán được tài sản, đảm bảo nguồn thu ngân sách, còn phải góp phần bình ổn giá cả, đảm bảo an sinh xã hội. Tránh đầu cơ và các hiện tượng tiêu cực dễ phát sinh trong đấu giá”.

Bên cạnh đó, ngoài đổi mới về phương pháp đấu giá, nhiều ý kiến cho rằng, cần có quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp giữa chính quyền địa phương, lực lượng công an và các tổ chức bán đấu giá trong việc bảo vệ các phiên đấu giá, nhất là những phiên mà tài sản bán đấu giá có giá trị lớn.

Tuy nhiên, hình thức và phương pháp nêu trên mới chỉ áp dụng để thực hiện trong đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn TP Hà Tĩnh. Để có thể phát triển, áp dụng rộng rãi phương thức đấu giá mới này vào thực tiễn có hiệu quả, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt và giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước về đấu giá; các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp khi thực hiện, cần phải đáp ứng đủ năng lực về tổ chức và cơ sở vật chất, thực hiện nghiêm túc các quy định về bán đấu giá tài sản.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast