Thu hút học sinh vào trung tâm nghề: “Cái khó không bó cái khôn”!

(Baohatinh.vn) - Thu hút học sinh luôn là bài toán khá nan giải với các trung tâm dạy nghề - hướng nghiệp hiện nay trong đó có huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).

Thu hút học sinh vào trung tâm nghề: “Cái khó không bó cái khôn”!

Học sinh tham gia học nghề may tại Trung tâm Dạy nghề - Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên Nghi Xuân

Khó khăn chồng chất...

"Năm học 2017- 2018, huyện Nghi Xuân có 1.441 em tốt nghiệp THCS, nhưng năm nay (2018 – 2019) chỉ có 1. 299 em tốt nghiệp, giảm 142 học sinh. Lượng học sinh giảm ảnh hưởng rất lớn đến công tác tuyến sinh của các trường, đặc biệt là đối với trường nghề” – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề - Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên (gọi tắt là TTDN) Nghi Xuân Phan Minh Trí cho hay.

Trong "cuộc đua" tuyển sinh, TTDN Nghi Xuân “yếu thế” hơn bởi mới chỉ đào tạo hệ sơ cấp, đào tạo nghề ngắn hạn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập thiếu, nhất là việc thiếu hụt giáo viên văn hóa ở các bộ môn như: Tiếng Anh, Sử, Hóa học cũng ảnh hưởng rất lớn đến thu hút học sinh.

Thu hút học sinh vào trung tâm nghề: “Cái khó không bó cái khôn”!

Dù mức thu nhập không cao nhưng nghề may nhẹ nhàng và ra trường có việc làm ngay nên không ít học sinh tìm đến TTDN Nghi Xuân

Hơn nữa, năm học 2018 – 2019, Sở GD&ĐT quyết định tăng số lượng học sinh ở bậc THPT lên 40 học sinh/lớp thay vì 35 – 37 học sinh/lớp như những năm trước đây khiến nỗ lực thu hút học sinh tại TTDN lại thêm phần gian nan. Bởi tâm lý phần lớn phụ huynh, học sinh thích thi vào các trường THPT công lập, sau đó tiếp tục học lên đại học, cao đẳng, xem nhẹ vấn đề học nghề...

Nỗ lực lấp đầy lỗ hổng

Trong "bức tranh ảm đạm", làm thế nào thu hút học viên nhằm ổn định hoạt động là vấn đề luôn được đội ngũ lãnh đạo TTDN Nghi Xuân quan tâm. Bởi vậy trước khi năm học kết thúc, trung tâm đã bắt đầu thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh bằng nhiều hình thức như: Phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện, các trường THCS trên địa bàn phân luồng học sinh; tích cực tuyên truyền giúp các em, nhất là những em có học lực trung bình, yếu nhận thức được sức học của bản thân để lựa chọn con đường lập nghiệp tốt nhất.

Thu hút học sinh vào trung tâm nghề: “Cái khó không bó cái khôn”!

Giáo viên dạy nghề hướng dẫn cho học viên thao tác sử dụng máy cắt, mài kim loại

Cán bộ trung tâm còn trực tiếp xuống tận thôn, xóm, cùng giáo viên chủ nhiệm nói chuyện, chia sẻ và vận động phụ huynh, giúp gia đình hiểu và định hướng cho con em mình có bước đi đúng đắn nhất trong lựa chọn nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, để thu hút học sinh các trung tâm còn tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt trong lĩnh vực dạy nghề, nhất là những nghề được coi là "hot" như nghề hàn, nghề điện, chăn nuôi, thú ý… TTDN Nghi Xuân còn liên kết với các doanh nghiệp như Công ty Lắp máy lilama 3, Công ty Cầu 12, Tổng Công ty Dệt may Hà Nội… tìm đầu ra cho các học viên sau khi tốt nghiệp.

Thu hút học sinh vào trung tâm nghề: “Cái khó không bó cái khôn”!

Nghề hàn điện thu hút khá đông học viên theo học

Đã có hàng trăm học viên sau khi học nghề tại trung tâm nhận được việc làm ở những doanh nghiệp với mức lương ổn định 7 triệu đồng/người/tháng đối với nghề hàn, nghề điện; 3,2 triệu đồng/người/tháng đối với nghề may…

Trong khi các trung tâm dạy nghề khác trong tỉnh vắng bóng học viên, ở thời điểm hiện tại TTDN Nghi Xuân vẫn thu hút được 6 lớp học văn hóa với hơn 200 học sinh và 8 lớp học đào tạo nghề trên 300 học viên. Đây chính là thành quả sau những nỗ lực không biết mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, giáo viên Trung tâm Dạy nghề - Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên Nghi Xuân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast