6 giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, năm 2017 có ý nghĩa rất quan trọng, năm then chốt trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Tuy nhiên, kết thúc quý 1, GDP chỉ đạt tăng trưởng 5,1%, thấp hơn so cùng kỳ năm ngoái. Nền kinh tế nước ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Còn nhiều việc cần làm để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7%.

Điểm sáng, điểm tối đan xen

Điểm qua bức tranh kinh tế quý 1 năm nay, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đánh giá tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chững lại, chỉ đạt 5,1%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ 2 năm gần đây (tăng trưởng GDP quý I của năm 2015 đạt 6,12%; năm 2016 đạt 5,48%; Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt thấp, chỉ 8,3%, thấp hơn mức 9,7% cùng kỳ năm 2015 và 8,94% năm 2016).

6 giai phap de dat muc tieu tang truong gdp nam 2017

Tăng trưởng kinh tế quý 1.2017 không đạt kỳ vọng (ảnh minh họa: KT)

Trong khi ngành nông nghiệp đã cho thấy dấu hiệu khả quan với mức tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2016 ngành này giảm sâu 2,69%) thì ngành công nghiệp chỉ tăng 3,85% so với cùng kỳ năm 2016, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây.

Và ngành khai khoáng sụt giảm mạnh, bằng 90% cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,76 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung; ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng 8,30% (giảm đáng kể so với mức tăng 9,70% của cùng kỳ năm 2015 và 8,94% của cùng kỳ năm 2016), đóng góp 1,46 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 6,10%, thấp hơn tốc độ tăng 8,60% của cùng kỳ năm 2016, đóng góp 0,30 điểm phần trăm.

Điểm sáng rõ nhất trong các nhân tố góp sức cho tăng trưởng kinh tế quý 1 thì tăng trưởng của khu vực dịch vụ với những đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung. Trong đó, bán buôn và bán lẻ tăng và đóng góp 0,77 điểm phần trăm; Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng và đóng góp 0,25 điểm phần trăm. Đặc biệt, ngành du lịch có tăng trưởng ấn tượng khi khách quốc tế đến nước ta trong 3 tháng đầu năm ước tính đạt 3.212,5 nghìn lượt người, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài 3 tháng đầu năm nay cũng vẫn khả quan. Tính đến 20/3/2017, tổng vốn FDI đạt 7.710,1 triệu USD, tăng 77,6% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện 3 tháng đầu năm ước tính đạt 3.620 triệu USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đối mặt nhiều khó khăn: Sản xuất nông nghiệp vẫn bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn từ các năm trước; tiến độ giải ngân vốn đầu tư còn chậm; đời sống một bộ phân dân cư còn gặp khó khăn.

Đặc biệt là dự báo kinh tế nước ta còn gặp nhiều thách thức vì: Chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động thấp. Các cân đối của nền kinh tế chưa thật sự vững chắc. Lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao. Tình hình thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân….

6 giải pháp

Để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, đại diện Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm, đề xuất trong thời gian tới Chính phủ cần thực hiện 6 giải pháp tổng thể:

Một là, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng tín dụng phù hợp gắn với nâng cao chất lượng hiệu quả tín dụng, đồng thời chú trọng các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ khởi nghiệp.

Hai là, thực hiện nghiêm Luật Ngân sách Nhà nước và kỷ luật tài khóa. Nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách Nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Tăng cường các biện pháp chống thất thu, nợ đọng thuế và gian lận thương mại. Có giải pháp để chống chuyển giá dưới mọi hình thức của các doanh nghiệp thuộc khu vực FDI. Giám sát chặt chẽ các khoản chi từ ngân sách Nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tính toán và thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý vào thời điểm hợp lý trong năm để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2017.

Ba là, Chính phủ cần có giải pháp phù hợp để huy động nguồn vốn đầu tư công cho xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ - một trong ba khâu đột phá được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công năm 2017… Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn này đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí.

Bốn là, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường. Chuyển đổi nhanh cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị cao, phù hợp với lợi thế từng vùng, miền, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu…

Năm là, có chính sách thúc đẩy nhu cầu trong nước; tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu.

Sáu là, thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Theo VOV

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast