Chứng cứ đanh thép về chủ quyền biển đảo Việt Nam

Việc Trung Quốc liên tục có hành động gây hấn và nhiều tuyên bố nhằm tranh chấp chủ quyền biển Đông, nhất là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trong thời gian gần đây đã đi ngược với những cứ liệu lịch sử. Sự thật cho thấy: Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Cuộc triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử tại Hà Tĩnh tới đây với những tư liệu, bản đồ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ mang đến cái nhìn trực diện, rõ ràng về vấn đề này...

Một góc Đảo An Bang
Một góc Đảo An Bang

Tiến trình lịch sử Việt Nam và nhiều cứ liệu lịch sử quốc tế ghi rõ, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông từ xưa nay vốn thuộc chủ quyền nước Việt Nam. Trải qua nhiều thời kỳ, chủ quyền đó luôn luôn được khẳng định và bảo vệ. Việc khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và những vùng biển đảo khác trên biển Đông là một quá trình liên tục, lâu dài, diễn ra trong hòa bình, được ghi nhận trong nhiều nguồn sử liệu của Việt Nam và các nước, đặc biệt là những tư liệu, bản đồ được biên soạn, xuất bản từ thế kỷ XVI đến nay ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, trong hàng chục năm qua, chủ quyền quốc gia của Việt Nam đối với hai quần đảo này đã và đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nước láng giềng Trung Quốc. Đỉnh điểm là hành động dùng vũ lực xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1/1974 và tấn công đánh chiếm đảo Gạc Ma và một số đảo, bãi ngầm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào tháng 3/1988.

Thăm đảo Tốc Tan
Thăm đảo Tốc Tan

Ngoài ra, trong nhiều năm qua, Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn, đe dọa về quân sự, cản trở các hoạt động khai thác kinh tế biển của các tổ chức và công dân Việt Nam trên biển Đông.

Nguy hiểm hơn, Trung Quốc còn đưa ra nhiều tuyên bố phi pháp nhằm tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như chủ quyền biển đảo của Việt Nam và một số nước trong khu vực.

Những việc làm đi ngược với quy ước quốc tế như công bố bản đồ “đường 9 đoạn” (“đường lưỡi bò”), phát hành hộ chiếu điện tử có bản đồ “đường 9 đoạn”... đã bị dư luận quốc tế và khu vực phản đối mạnh mẽ.

Mới đây, Trung Quốc lại tiếp tục đánh lừa dư luận bằng việc công bố tập bản đồ mới trong đó có bản đồ Trung Quốc địa hình, gộp toàn bộ các đảo trên biển Đông vào Trung Quốc. Đó là những hành động phi pháp, thể hiện tham vọng độc chiếm biển Đông của Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động, hành động nhằm khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình. Hưởng ứng Tuần lễ Biển đảo Việt Nam, triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử do Bộ TT&TT cùng các bộ, ngành Trung ương phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức sẽ mang đến những chứng cứ vững chắc không thể tranh cãi về chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời bác bỏ những luận điệu xuyên tạc lịch sử, những đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo này và các vùng biển đảo khác trên biển Đông.

Chiến sĩ hải quân vận hành cần cẩu trên Đảo Tốc Tan
Chiến sĩ hải quân vận hành cần cẩu trên Đảo Tốc Tan

Ông Phan Tấn Linh - Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Tĩnh cho biết: “Đến nay, công tác chuẩn bị gần như đã hoàn thành. Tại triển lãm, chúng tôi sẽ giới thiệu với độc giả khoảng 150 bản đồ và tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm do các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế sưu tầm được”.

Triển lãm gồm có nhiều tư liệu quý giá như: Phiên bản các văn bản Hán Nôm, Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX; Tập 95 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Việt Nam, phương Tây và Trung Quốc công bố từ thế kỷ XVI đến nay; 3 cuốn atlas do các nhà nước Trung Quốc xuất bản trong các năm 1908, 1919 và 1933.

Các atlas này là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh vạch ra vào năm 1906 và được chính phủ Trung Hoa dân quốc kế tục vào các năm sau; hình ảnh, tư liệu về quần đảo Hoàng Sa thời Pháp thuộc và thời Việt Nam Cộng hòa cùng những hình ảnh về lễ Khao thề lính ở Lý Sơn (Quảng Ngãi), về hoạt động sưu tầm, giữ gìn, trao tặng tư liệu liên quan đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; ấn phẩm, băng hình, hình ảnh và các file tư liệu bản đồ thu thập và sao chép lại từ một số thư viện và bộ sưu tập cá nhân ở Connecticut, Massachusetts, Washington D.C. và California v.v…

Các hiện vật trưng bày tại triển lãm do Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Đà Nẵng, ông Trần Thắng (Việt kiều tại Mỹ) và một số nhà khoa học khác cung cấp. Điều này cho thấy, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và người dân Việt Nam cả trong và ngoài nước luôn sẵn sàng làm những việc hữu ích nhằm góp phần vào cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Với sự phong phú và giá trị lịch sử của các hiện vật, cuộc triển lãm hứa hẹn sẽ thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng và các đơn vị truyền thông. Thông qua đó cũng giáo dục lòng yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo cho toàn dân, nhất là thế hệ trẻ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast