Suy đoán vô tội - nguyên tắc “vàng” trong tố tụng hình sự

(Baohatinh.vn) - Suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự nhằm giúp các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân, chống oan sai, nhục hình. Tuy nhiên, nguyên tắc này đôi khi chưa thực sự phát huy hết vai trò là “chìa khóa” cho sự công bằng khi được áp dụng vào thực tiễn.

Nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 72, Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung 2001); Điều 9, 10 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, là “xương sống” cho hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ, truy tố, xét xử vụ án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Suy đoán vô tội được hiểu là khi chứng cứ buộc tội không đầy đủ, rõ ràng hay chỉ ở mức 50/50, cơ quan điều tra phải suy đoán theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo hoặc xác định người đó không có tội.

Suy đoán vô tội - nguyên tắc “vàng” trong tố tụng hình sự ảnh 1

Ngay cả khi bị VKS truy tố và Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử, bị cáo vẫn chưa bị coi là có tội và có đầy đủ quyền công dân

Dưới góc độ tôn trọng và bảo vệ quyền con người, suy đoán vô tội đòi hỏi các chủ thể tiến hành tố tụng và những người khác phải tôn trọng danh dự, nhân phẩm của công dân.

Nội dung đầu tiên mà nguyên tắc suy đoán vô tội đề cập đến là “không ai bị coi là có tội khi chưa bị tòa kết án hoặc bản án kết tội chưa có hiệu lực pháp luật”. Người thực hiện hành vi phạm tội phải chịu một số biện pháp cưỡng chế nhất định, nhưng không được xem là có tội và không nhận bất kỳ hình phạt nào khi bản án chưa có hiệu lực. Ngay cả khi bị viện kiểm sát truy tố và tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử, bị cáo vẫn chưa bị coi là có tội và có đầy đủ quyền công dân. Chỉ khi bản án có hiệu lực pháp luật, người thực hiện hành vi phạm tội mới được coi là có tội và phải chịu hình phạt theo bản án đã tuyên.

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị cáo, bị can, người bị tạm giữ không buộc phải chứng minh mình vô tội, nhưng có quyền đưa ra chứng cứ, tự bào chữa hoặc nhờ luật sư, người khác bào chữa. Trong giai đoạn điều tra, quyền lợi của nghi phạm, người bị tạm giữ và bị can phải hoàn toàn được đảm bảo như công dân vô tội. Suốt quá trình đi tìm sự thật khách quan của vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng không được thiên về chứng cứ buộc tội mà xem nhẹ và bỏ qua chứng cứ gỡ tội. Người thực hiện hành vi phạm tội có quyền khai báo hoặc không, có quyền đưa ra chứng cứ chứng minh mình không có mặt tại địa điểm xảy ra vụ án hoặc khai báo về hành vi phạm tội của người khác.

Khi chứng cứ buộc tội không đầy đủ, rõ ràng hay chỉ ở mức 50/50, cơ quan điều tra phải suy đoán theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo

Khi chứng cứ buộc tội không đầy đủ, rõ ràng hay chỉ ở mức 50/50, cơ quan điều tra phải suy đoán theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo

Trong giai đoạn xét xử, tòa án có trách nhiệm tuyên bố bị cáo bị truy tố về tội danh gì và áp dụng hình phạt nào. Trước khi kết án, bên kết tội cùng bên gỡ tội phải tiến hành tranh tụng công khai tại phiên tòa và tòa án đóng vai trò trung lập. Thông qua quá trình tranh luận, phản biện của các bên, hội đồng xét xử sẽ xem xét và cân nhắc khi đưa ra bản án. Phán quyết cuối cùng dựa trên cơ sở tài liệu, chứng cứ được thu thập trong quá trình điều tra, thẩm tra và kết quả tranh luận tại phiên tòa.

Tuy nhiên, dù đóng vai trò là “chìa khóa” cho sự công bằng trong tố tụng nhưng suy đoán vô tội mới chỉ được quy định ở góc độ nguyên tắc chung và chưa được đảm bảo khi áp dụng vào thực tiễn. Theo tinh thần của nguyên tắc này, một người chỉ được coi là có tội khi bản án kết tội có hiệu lực pháp luật, nhưng trên thực tế, ngay từ thời điểm khởi tố vụ án, khởi tố bị can, họ đã bị “mặc định” là có tội. Không ít điều tra viên, đáng lẽ phải tôn trọng chứng cứ và nguyên tắc suy đoán vô tội thì lại đi theo hướng bất lợi cho người bị bắt, bị tạm giữ.

Ở nước ta, việc điều tra, xét xử đi theo mô hình tố tụng, tranh tụng nên vẫn còn nặng nề tư duy “án tại hồ sơ”, quyền bào chữa, tranh tụng trước tòa để tìm ra chân lý vụ án đôi khi thực chất chỉ là hư quyền. Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu không thành khẩn khai báo sẽ bị truy tố thêm tội danh “từ chối khai báo” theo Điều 308 Bộ luật Hình sự. Hiện nay, Bộ luật Tố tụng hình sự chưa quy định về quyền im lặng của người bị bắt, bị tạm giam, nhưng nội dung “bị can, bị cáo không buộc phải chứng minh mình vô tội…” tại Điều 10 đã mặc nhiên thừa nhận.

Để đảm bảo quyền lợi cho người bị bắt, tạm giam, bị can, bị cáo và nguyên tắc suy đoán vô tội được tôn trọng, cơ quan điều tra phải luôn coi trọng việc thu thập, đánh giá chứng cứ buộc tội và gỡ tội. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, nếu nghi ngờ những mâu thuẫn trong tài liệu, chứng cứ phải tiến hành điều tra, xác minh; nếu nhận thấy chứng cứ buộc tội ngang bằng với chứng cứ gỡ tội, hoặc hành vi phạm tội đã bị khởi tố do một người khác thực hiện mà không phải do người đã bị khởi tố thực hiện, dù ở bất cứ giai đoạn tố tụng nào, điều tra viên, kiểm sát viên phải báo cáo ngay với cấp trên để có biện pháp khắc phục kịp thời như đình chỉ điều tra bị can, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, trả tự do cho đối tượng. Có như vậy, việc áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội mới được đảm bảo - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nguyễn Huy Diên cho biết.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast