Dạy con quản lý chi tiêu ở tuổi nào là hợp lý?

Theo các chuyên gia, dạy con cách chi tiêu, quản lý và tiết kiệm tiền từ sớm sẽ phần nào ảnh hưởng đến tính cách sau này của mỗi đứa trẻ.

Dạy con quản lý chi tiêu ở tuổi nào là hợp lý?

Khi trẻ có ý thức về giá trị của tiền, sẽ giảm chi tiêu phù phiếm khi chúng được tự quản tiền. Ảnh minh họa

Bài học dạy con làm quen với tiền bạc đáng học hỏi

Bé Hiếu, 7 tuổi nhà ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) luôn có một con lợn đất, 1 hộp gỗ nhỏ có khóa để đựng tiền kể từ khi bé lên 6 tuổi. Lợn đất Hiếu để những khoản tiền to như tiền mừng tuổi, tiền được ông, bà, chú, bác, cô dì cho hoặc tiền thưởng học sinh giỏi của nhà trường thưởng... Còn hộp gỗ, Hiếu dành để tiền tiêu vặt, tiền lẻ mà bố mẹ cho khi đi mua cái gì đó cho bố mẹ mà còn dư. Con lợn đất là hũ tiền tiết kiệm. Hiếu thường dùng số tiền tiết kiệm để mua những món đồ mình yêu thích. Còn hộp gỗ nhỏ là hòm tiền chi tiêu hàng ngày của Hiếu. Khi nào hòm tiền chi tiêu nhiều lên quá 200.000 là Hiếu sẽ đổi tiền chẵn để đút vào lợn.

Chị Hương, mẹ của bé Hiếu cho biết, từ ngày có hũ tiền tiết kiệm và hòm tiền chi tiêu, Hiếu rất ý thức trong việc tiết kiệm. Khi định mua cái gì đó, con đều ngồi nghĩ đi nghĩ lại xem mình có thực sự cần không mới quyết định mua chứ không như trước, cứ thích là đòi bố mẹ mua bằng được.

Tương tự, một câu chuyện dạy con quản lý tiền bạc khác ở “trời tây”, đó là chuyện dạy con làm quen với tiền bạc từ khi chúng còn bé của ông Harry Markowitz, nhà kinh tế học người Mỹ, đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1990 và giải thưởng John von Neumann năm 1989. Theo thông tin đã được đăng tải, ông Harry Markowitz thường cho con một khoản trợ cấp những khi gia đình ông đi chơi đâu đó, để con học được cách chi tiêu với số tiền mình có. Mới đây, khi được hỏi làm thế nào để dạy con tốt nhất về tài chính, Markowitz cho rằng, dạy con về những giới hạn của ngân sách là quan trọng nhất: “Thứ duy nhất tôi đã dạy con về tài chính khi chúng đang lớn là cho chúng một khoản trợ cấp nhưng chúng không thể mua mọi thứ mình muốn. Qua bài học đó, chúng sẽ hiểu được giá trị của tiền bạc”.

Ví dụ, khi cả nhà đi chơi ở một nơi nào đó, ông cho mỗi đứa con một số tiền nhất định, các con có thể dùng để mua sắm ở các cửa hàng đồ chơi, đồ lưu niệm. Nếu bọn trẻ chưa từng quen với việc lập ngân sách, chúng sẽ mua thứ đắt tiền nhất trong các cửa hàng. Thế nhưng, vì con ông đã được dạy rằng ngân sách ông dành cho chúng là có giới hạn, chúng sẽ suy nghĩ kỹ về những thứ mà chúng sẽ mua.

“Học cách chỉ tiêu trong giới hạn số tiền bạn có là một bài học rất ý nghĩa. Đó cũng là bài học mà nhiều người đến lúc lớn vẫn còn phải học”, người cha này nói.

Dạy trẻ biết “quản lý tài chính” từ khi lên 5 tuổi

Chị Phan Hồ Điệp, mẹ Đỗ Nhật Nam cho rằng, việc dạy con về đồng tiền cần phải tiến hành từ khi trẻ còn nhỏ, tốt nhất là trước độ tuổi lên 5. Việc dạy trẻ làm quen với tiền bạc, giúp con biết cách quản lý chi tiêu, tiết kiệm là hết sức cần thiết để bé biết cách tiết kiệm và chi tiêu tiền hợp lý trong ương lai.

Theo các chuyên gia, việc giúp trẻ làm quen với tiền bạc từ sớm không những giúp trẻ có ý thức về giá trị đồng tiền mà còn tạo tiền đề cho trẻ thành công hơn về tài chính trong tương lai. Những đứa trẻ được cha mẹ nói chuyện về tiền ít nhất tuần một lần sẽ thông minh về tiền bạc hơn những đứa trẻ không bao giờ được cha mẹ nói chuyện về đề tài này.

Để giúp trẻ giàu có hơn trong tương lai, các chuyên gia đã gợi ý cho cha mẹ cần dạy trẻ theo những theo gợi ý sau:

- Cho trẻ một khoản tiền nhỏ: Một trong những cách tốt nhất để thiết lập nền tảng tài chính vững mạnh cho trẻ là tạo cho trẻ cơ hội được tự quản lý tiền từ khi còn trẻ. Cho trẻ một khoản trợ cấp khi làm việc gì đó sẽ dạy trẻ về giá trị của lao động để đạt được những thứ mình muốn. Muốn có đồ chơi mới, muốn đi chơi với bạn... trẻ cần phải làm việc và tiết kiệm tiền. Trẻ sẽ có ý thức hơn về giá trị của tiền, sẽ giảm chi tiêu phù phiếm khi chúng được tự quản tiền.

Việc này cũng giúp trẻ học cách lập ngân sách, đó là nền tảng của hành vi có trách nhiệm với tiền bạc. Ngoài ra, đừng ngăn cản nếu trẻ thực hiện những quyết định chi tiêu tồi, để chúng tự rút ra kinh nghiệm từ sai lầm của mình.

- Khuyến khích trẻ tiết kiệm: Theo một khảo sát ở Mỹ, 51% trẻ sẽ tiêu ngay tiền trợ cấp sau khi nhận được tiền. Vì thế, cha mẹ cần cho trẻ học giá trị của việc trì hoãn ham muốn, hãy dạy trẻ cách tiết kiệm tiền cho một mục tiêu nào đó.

Cha mẹ hãy khuyến khích trẻ tiết kiệm bằng cách đưa ra các hỗ trợ, ví dụ cho phép trẻ lựa chọn hoặc là tiêu tiền luôn hoặc là tiết kiệm tiền để làm một việc gì đó. Nếu trẻ chọn tiết kiệm, cha mẹ có thể hỗ trợ một phần để trẻ dễ đạt được mục tiêu hơn. Đây chính là cách khiến trẻ có ý thức về việc đóng góp và thấy được lợi ích của tiền nhàn rỗi.

- Cho con làm việc: Những công việc bán thời gian, theo mùa vụ rất có ý nghĩa với trẻ tuổi teen, dạy cho trẻ về trách nhiệm, kỷ luật, quản lý thời gian và giá trị của tiền bạc khi làm việc.

Nếu trẻ được làm công việc mà bé yêu thích, ví dụ chăm sóc chó mèo bởi vì bé yêu các con thú, bé có thể học được các kỹ năng để đi sâu vào công việc đó trong tương lai.

- Giúp con mở một tài khoản: Giúp trẻ có kinh nghiệm quản lý tài khoản khi chúng vẫn còn ở nhà với bố mẹ là rất quan trọng

- Cho con đóng góp vào chi phí đại học: Theo thường lệ, hơn 60% trẻ chờ đợi cha mẹ sẽ trả tiền học đại học cho mình. Các chuyên gia khuyến cáo rằng, ngay cả khi bạn có đủ khả năng trả tiền học đại học cho con, bạn cũng không nên làm như vậy.

Bạn không nên bao trọn tiền học đại học của trẻ. Hãy để trẻ có trách nhiệm với việc học của mình. Nếu trẻ cũng phải chịu trách nhiệm trong chi phí đi học, trẻ sẽ học hành nghiêm túc hơn.

Theo Gia đình và Xã hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast