Kỳ 1: Hiểm họa chực chờ

Hà Tĩnh là một trong những địa phương có nhiều hồ, đập nhất nước. Phần lớn hồ đập và công trình liên quan được xây dựng từ lâu, bị thiên tai tàn phá nặng nề nên xuống cấp trầm trọng. Sự giúp sức từ trung ương cùng với các giải pháp lâu dài để đảm bảo an toàn bền vững cho các hồ đập ở Hà Tĩnh là rất cần thiết trong lúc này.

Đảm bảo an toàn hồ đập ở Hà Tĩnh: Cần giải pháp lâu dài, bền vững

Thời gian, thiên nhiên tàn phá và cả do chính con người nên nhiều hồ đập ở Hà Tĩnh đang đứng trước thực trạng đáng báo động về độ an toàn.

Xuống cấp nghiêm trọng

Sau sự kiện vỡ đập nước Tây Nguyên ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), chúng tôi đã dành thời gian đi “khám” an toàn hồ đập ở Hà Tĩnh. Điểm đầu tiên mà chúng tôi chọn là Hương Khê - địa phương chiếm 2/5 số hồ đập của Hà Tĩnh.

Nghe tin có đoàn nhà báo về, nhiều bà con ở thôn 3, 4, xã Hương Thủy bỏ cả việc thu hoạch lúa dẫn chúng tôi đến Đập Trạng. Xắn quần lội xuống tràn đập, Chủ tịch UBND xã Hương Thủy Nguyễn Văn Phú tay chỉ vào 2 bên mang đập, nói: “Đập Trạng được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước nhưng do không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng nên chỉ cần tích nước lên là nước lại phun ra thành dòng ở hai bên mang đập, nguy cơ vỡ đập có thể xẩy ra bất kỳ lúc nào. Mới đây, hàng chục m3 đất đá bị sụt lún ngay cạnh vị trí cống lấy nước, làm võng cả phần thân đập suốt dọc chiều dài gần 20 mét, địa phương phải huy động lực lượng để sửa chữa tạm. Chúng tôi đang lo, với dung tích chứa 1,3 triệu m3 nước, phục vụ tưới cho hơn 100 ha lúa, màu, nếu mưa lũ đến lỡ xẩy ra chuyện thì nguy to”.

Đoạn sụt lún của đập Trạng (Hương Thủy - Hương Khê) vừa được khắc phục xong
Đoạn sụt lún của đập Trạng (Hương Thủy - Hương Khê) vừa được khắc phục xong

Chị Nguyễn Thị Phong nhà ở gần chân đập, giọng đầy lo lắng, xen vào: “Hễ cứ mưa xuống là cả nhà tui phấp phỏm lo vỡ đập, luôn trong tư thế...chạy...”.

Được biết, đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh đã đến kiểm tra và đồng ý hỗ trợ kinh phí sửa chữa, phấn đấu hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2012, nhưng đến nay chưa có động tĩnh gì.

Sự lo lắng của Bí thư Huyện ủy huyện Hương Khê Hà Hùng lại mang tầm vĩ mô: Hương Khê có đến 153 hồ đập, nhưng chủ yếu là hồ đập nhỏ, xây dựng từ khá lâu, lại không có kinh phí sửa chữa nên phần lớn bị xuống cấp. Chuyện nghiêm trọng đã xẩy ra làm hàng chục hồ đập số vỡ số hư hỏng nặng qua các đợt mưa lũ năm 2007 và 2010 nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí để hàn gắn. Hiện có đến 1/3 số hồ đập không đảm bảo an toàn; trong đó đập Trạng và đập Bến (Phương Mỹ) đặc biệt nguy hiểm.

Không chỉ Hương Khê, đến các huyện, thị khác chúng tôi đều nhận được thông tin không vui về sự xuống cấp các hồ đập. Nhiều địa phương của huyện Hương Sơn cũng đang mất ăn, mất ngủ khi mùa mưa bão đến gần. Đập Nội Tranh, Khe Dẻ (Sơn Lễ); Chọ Trâm, Vực Rồng (Sơn Tiến)… bị xói lở mang tràn và sụt lún mang cống lấy nước. Rồi đập Đá Bạc (Thị xã Hồng Lĩnh); An Hùng (huyện Can Lộc)… xuất hiện hiện tượng nước thấm chảy thành dòng, vai đập và mái đập chưa được xử lý, nguy cơ mất an toàn rất cao.

Hồ Khe Bò (Kỳ Anh) vừa được sửa chữa tạm đoạn bị lún sụt ở miệng cống lấy nước.
Hồ Khe Bò (Kỳ Anh) vừa được sửa chữa tạm đoạn bị lún sụt ở miệng cống lấy nước.

Đến huyện Kỳ Anh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Võ Thị Thìn vội bỏ cả cuộc họp để trực tiếp dẫn chúng tôi vào tận hồ Khe Bò (Kỳ Nam). Đây là hồ nằm ngay dưới chân đèo Ngang. Sự mất an toàn hiện diện ngay trước mắt chúng tôi khi thân đập đã bị võng xuống; sụt lún ngay mang cống thành một hố to. Cũng may, địa phương phát hiện sớm, gia cố kịp thời, nên đã không xẩy ra vỡ đập.

Bà Thìn còn cho biết thêm: Hiện hàng loạt hồ đập ở Kỳ Anh cũng đang trong tình trạng “rình” vỡ, như: đập Tân Phong (Kỳ Giang), đập Đá Đen (Kỳ Phú), đập Cồn Đền (Kỳ Hoa); đập Vàng Tim, đập Chàng Vương (Kỳ Lạc), đập Bàu Sơn (Kỳ Sơn)… Các đập này đều có điểm chung đáng lo ngại là thân đập, tràn, cống bi hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Riêng đập Nước Xanh (Kỳ Phong) mới được bàn giao cho Công ty Thủy nông Sông Rác nên mới có kinh sửa chữa lại đập, chống nước thẩm thấu thành dòng qua thân đập…

Nhận diện “thủ phạm”

Gặp Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn ở văn phòng Sở, sự lo lắng về an toàn hồ đập Hà Tĩnh lại càng tăng thêm, khi ông Sơn cho biết: Ngoại trừ một số hồ chứa nước lớn được xây dựng và nâng cấp theo tiêu chuẩn thiết kế mới, còn lại hầu hết hệ thống các hồ đập ở Hà Tĩnh được xây dựng từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước. Vào thời điểm đó các tài liệu quan trắc khí tượng thuỷ văn còn nhiều hạn chế; chủ yếu đắp đập đất, làm thủ công, thi công thô sơ...

Trong những năm tháng chiến tranh, nhiều công trình lại thi công đắp đập trong nước, như hồ Thượng Tuy, Bộc Nguyên, Khe Cò…đến nay đã bộc lộ các hiểm họa, mất an toàn cao. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh có 354 hồ đập (dung tích trên 785,6 triệu m3 nước), trong đó 18 hồ có dung tích từ ba triệu m3 trở lên nhưng chỉ có 5 hồ chứa có tràn điều tiết sâu (Kẻ Gỗ, Sông Rác, Kim Sơn…) chủ động điều tiết sớm trước khi mưa, lũ lớn xẩy ra, còn lại đều có dạng tràn tự do.

Đập Làng (Hương Thủy - Hương Khê) bị xói lở nặng nề từ trận lũ 2010 nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí để sửa chữa.
Đập Làng (Hương Thủy - Hương Khê) bị xói lở nặng nề từ trận lũ 2010 nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí để sửa chữa.

Hệ thống tràn xã lũ đều có kích thước nhỏ. Nhiều tuyến tràn bị cây cối mọc lấn chiếm cả chiều rộng thoát lũ của tràn, thậm chí có nơi người dân còn làm cả nhà trên tràn thoát lũ, như đập Làng, xã Hương Thủy. Trong khi rừng đầu nguồn bị khai thác cạn kiệt làm cho dòng chảy tập trung nhanh hơn, vượt quá tần suất thiết kế ban đầu vì vậy hệ thống tràn không đủ khả năng tháo lũ, đe dọa an toàn đập.

Chứng kiến cảnh công nhân phải bơi hay chèo thuyền ra đóng mở cống điều tiết nước ở đập Khe Sắn (Gia Phố) hay đập Khe Song, Khe Trồi (Phúc Trạch)…mới rùng mình về mức độ nguy hiểm cho người làm công tác quản lý, khai thác hồ đập ở Hà Tĩnh. Nguyên do, hầu hết các hồ đập ở đây đều không có cầu công tác. Cộng với, phần lớn các cống lấy nước dưới đập đều thiết kế theo tiêu chuẩn cũ, kích thước nhỏ, không có hành lang kiểm tra. Vì vậy quá trình quản lý, khai thác không thể theo dõi hiện trạng của cống để phát hiện và xử lý kịp thời. Đến khi phát hiện thì các hư hỏng đã ở mức báo động và rất khó khăn trong việc sửa chữa.

Một trong những nguyên nhân chính uy hiếp hồ đập Hà Tĩnh thời gian qua là rừng đầu nguồn bị tàn phá, không còn thảm thực vật giữ nước. Một cán bộ lão luyện nguyên Giám đốc Sở Thủy lợi Hà Tĩnh cho biết: Trước đây, mưa trên nguồn sau ba ngày nước mới về đến hồ Kẻ Gỗ, nhưng nay thì dứt mưa sau ba tiếng đồng cũng hết nước chảy về hồ. Cùng với đó là mưa lớn vượt tần suất thiết kế, trong khi trong lúc các hồ đập bị xuống cấp, không đủ sức chống đỡ. Trận “lũ chồng lũ” từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10/2010 là trận lũ lịch sử hơn 100 năm qua tại Hà Tĩnh. Mưa cực lớn (gần 2.000 mml), thời gian kéo dài, lại trên diện rộng... bằng 68% đến 76% lượng mưa trung bình cả năm. Mưa lớn, làm cho mực nước trong hồ Kẻ Gỗ và Sông Rác tăng nhanh đột biến, phải xả lũ để đảm bảo an toàn hồ chứa. Lưu lượng xả lũ lúc cao nhất lên đến 582m3/s.

Theo thống kê, gần đây, hồ đập ở Hà Tĩnh bị tàn phá nặng nề nhất bởi mưa lũ. Chẳng hạn năm 2007, do ảnh hưởng trực tiếp của các cơn bão số 2, số 5 đã gây vỡ bảy hồ đập ở huyện Hương Khê, đến nay một số hồ chứa vẫn chưa có kinh phí để khắc phục. Đặc biệt trận lũ lụt lịch sử năm 2010 đã gây vỡ đập Khe Mơ, Vàng Anh, đập Ngưng (huyện Hương Sơn) cùng sự hư hỏng nặng của hàng chục hồ đập khác trong tỉnh.

Bên cạnh đó, tác nhân gây hại còn từ phía con người. Tháng 8 năm 1978, vỡ đập Mạc Khê mà nguyên nhân do việc lựa chọn thời gian chặn dòng không phù hợp, khi xẩy ra mưa lớn đã làm vỡ đập, gây thiệt hại lớn ở hạ du. Tháng 4 năm 1994, vỡ đập Họ Võ, xã Hương Giang (Hương Khê) do thi công kém chất lượng và công tác quản lý thiếu trách nhiệm. Tháng 6 năm 2009, vỡ đập Ke 2/20 Rec, xã Hương Trạch (Hương Khê), làm hỏng tuyến đường sắt Bắc Nam, ảnh hưởng đến hàng chục ha đất nông nghiệp. Nguyên nhân từ cả công tác tư vấn thiết kế, thi công và công tác quản lý đã không kiểm tra và phát hiện kịp thời nước chảy qua mang cống gây xói lở và làm vỡ đập. Mới đây, trận mưa lũ 2010, nước lũ đã dâng qua mặt đập tràn (hơn 1 mét) của hồ chứa nước thủy điện Hố Hô ở Hương Khê. Nếu không có sự ứng cứu kịp thời của các lực lượng chức năng thì không biết điều tồi tệ gì sẽ đến khi 38 triệu m3 nước từ độ cao 67 mét đổ ụp xuống vùng hạ du sầm uất ngay dưới chân đập.

Mời xem tiếp "Kỳ 2: Cần giải pháp căn cơ, bền vững"

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast