Chủ động phòng chống rầy nâu, rầy lưng trắng hại lúa đông xuân

Hiện nay, các trà lúa đông xuân bắt đầu bước vào giai đoạn làm đòng, đây là giai đoạn quyết định năng suất và sản lượng của cả vụ lúa. Tuy nhiên, vào thời điểm này rầy nâu, rầy lưng trắng bùng phát trên diện rộng, gây hại trên tất cả các trà lúa.

Chủ động phòng chống rầy nâu, rầy lưng trắng hại lúa đông xuân ảnh 1

Cho đến bây giờ, rầy nâu, rầy lưng trắng vẫn được xem là loài dịch hại số một trên cây lúa. Sự gia tăng cao mật độ rầy hại lúa ngoài việc làm giảm hoặc mất trắng năng suất, rầy nâu còn là môi giới truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá; rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh lùn sọc đen, những loại bệnh nguy hiểm chưa có thuốc đặc trị, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến sản xuất lúa. Mấy năm lại nay, mặc dù không còn quá xa lạ với người nông dân nhưng hầu như năm nào trên địa bàn tỉnh ta cũng xảy ra tình trạng cháy rầy, làm đắng lòng không biết bao nhiêu hộ sản xuất. Trên thực tế, quá trình tích lũy, gia tăng số lượng của tập đoàn rầy xảy ra trong thời gian dài và đạt đỉnh vào giai đoạn lúa làm đòng- trổ và đỏ đuôi. Lúc này, cả rầy trưởng thành và rầy non đều thích sống dưới gốc cây lúa và chích hút, nếu không điều tra thường xuyên, không lội vào ruộng quan sát dưới gốc lúa, thì cháy rầy tất yếu sẽ xảy ra khi mật độ cao.

Qua điều tra của Chi cục BVTV tỉnh, hiện nay rầy nâu, rầy lưng trắng đã phát sinh gây hại ở hầu hết các địa phương trong tỉnh với diện tích 82,2 ha, phổ biến trên các giống: IR 1820, xuân mai 12, IR 35366, hương thơm, khang dân…Mật độ trung bình nơi thấp nhất là 10- 20 con/m2 (TP Hà Tĩnh, Kỳ Anh, Thạch Hà), nơi cao từ 100- 800 con/m2 (Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ). Đặc biệt, cục bộ ổ rầy tại huyện Hương Sơn, mật độ rầy đã đạt 2.000 con/m2 chủ yếu là rầy tuổi 4, tuổi 5 và trưởng thành. Ông Lê Anh Ngọc, Chi cục phó Chi cục BVTV tỉnh cho biết: “Vào giai đoạn này, rầy đang trong thời kỳ tích lũy, tập trung từng ổ cục bộ trên đồng ruộng. Trong điều kiện thời tiết chuyển nắng nóng, rầy sẽ nhân nhanh về số lượng chỉ trong một thời gian rất ngắn. Theo dự báo, rầy lứa 2 sẽ nở rộ vào thời điểm 25/4 trở đi, đúng vào thời điểm lúa trổ rộ, nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất lúa đông xuân đang hiện hữu. Do vậy, đây được xem là thời điểm phòng trừ có hiệu quả nhất, vừa dập tận gốc mối nguy hại, vừa hạn chế sự phát sinh ở lứa tiếp theo”. Mới đây, các nhà chuyên môn đã khảo sát, kiểm tra mức độ rầy trên lúa đông xuân thì có đến 38 giống lúa thuần và 8 giống lúa lai trên địa bàn tỉnh ta đều có dấu hiệu xuất hiện rầy. Đồng nghĩa với việc, mối nguy về khả năng lây lan mạnh hơn và xảy ra trên diện rộng hơn của rầy nâu, rầy lưng trắng chỉ còn là vấn đề thời gian. Bởi vậy, việc phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng vào giai đoạn này là nhiệm vụ bức bách nhất của các địa phương. Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, bà con nên sử dụng thuốc có tác dụng nội hấp lưu dẫn, vừa hạn chế sự ảnh hưởng của thuốc đến các loài có ích trên đồng ruộng, vừa không hại đến môi trường. Chẳng hạn như: hoạt chất Pymetrozine: Chess 500 WG; hoạt chất Acetamiprid+ Buprofezin: ba đăng 300 WG; hoạt chất Acetamiprid+ Imindacloprid: Sutin 5 EC…

Tổ chức kiểm tra thường xuyên để sớm phát hiện và có phương án xử lý rầy nâu, rầy lưng trắng kịp thời

Tổ chức kiểm tra thường xuyên để sớm phát hiện và có phương án xử lý rầy nâu, rầy lưng trắng kịp thời

Tuy nhiên, cũng phải phân tích kỹ rằng, nguyên nhân khiến diện tích nhiễm rầy liên tục tăng trong mấy năm nay chính là tập quán sử dụng giống lúa nhiễm rầy trên diện rộng của bà con nông dân. Điển hình nhất là giống lúa IR 1820, mặc dù ngành chuyên môn đã khuyến cáo các địa phương không nên sử dụng loại giống đã thoái hóa, mẫn cảm với nhiều loại sâu bệnh nhưng dường như nó không đủ sức lay chuyển một số bộ phận nông dân tỉnh ta. Đó là chưa kể đến chuyện nhiều nơi vẫn chưa sử dụng giống cấp xác nhận trở lên để gieo cấy khiến cho việc quản lý nguồn rầy không thể mang lại hiệu quả như mong muốn. Cùng với đó là kỹ thuật thâm canh kém chất lượng, gieo với mật độ quá dày, tạo môi trường cho rầy nâu và rầy lưng trắng trú ngụ, sinh sôi và phát triển. Ngoài những nguyên nhân sinh thái, sinh học, việc lạm dụng thuốc BVTV được coi là nguyên nhân cơ bản làm cho rầy bộc phát trên diện rộng và đe dọa đến sản xuất lúa. Không ít bà con vì không có sự hiểu biết về thuốc BVTV và quá nóng lòng trừ rầy nên đã phun thuốc sớm trong giai đoạn lúa đẻ nhánh hoặc phun thuốc phổ rộng. Hậu quả của việc phun không đúng thuốc và đúng giai đoạn đã vô tình tiêu diệt quần thể ký sinh thiên địch tự nhiên hoặc gây tình trạng kháng thuốc ngày một tăng.

Đây vẫn chưa phải là thời điểm “căng” nhất của rầy nâu, rầy lưng trắng nhưng nếu biết cách phòng trừ ngay tại ổ cục bộ, khả năng phát sinh và lan rộng sẽ được hạn chế một cách tối đa. Các địa phương nên sớm triển khai các giải pháp để chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phát hiện kịp thời và trừ diệt rầy đúng lúc và đúng thuốc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast