Trần gian có lắm thứ nghề (Bài 2): Ăn cơm trần gian, làm việc “âm phủ”

(Baohatinh.vn) - Cứ độ tháng 3 cho đến tháng 8 âm lịch hàng năm, những thợ đào giếng ngoài ăn uống, ngủ, nghỉ thì hầu hết thời gian của họ là dưới lòng đất...

>> Bài 1: Nối dài sự sống cho bệnh nhân HIV

Mưu sinh dưới lòng đất

Ở Hương Khê, giếng nước như một phần của văn hóa. Phần lớn người dân dùng giếng đào thay vì nước máy hay giếng khoan. Giếng không chỉ để lấy nước dùng trong sinh hoạt mà còn là biểu tượng mang đậm nét quê. Cứ vào mùa khô, những người làm nghề đào giếng cực kỳ bận rộn mới đáp ứng được nhu cầu của người dân. Vì nghề đào giếng quá nặng nhọc và nguy hiểm nên không có nhiều người theo nghề.

Trần gian có lắm thứ nghề (Bài 2): Ăn cơm trần gian, làm việc “âm phủ” ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Sửu (bên phải) dù đã nhiều tuổi nhưng vẫn làm công việc đến cả thanh niên trai tráng cũng “chào thua”.

Chúng tôi phải hẹn gặp ông Nguyễn Văn Sửu (xã Hương Trạch) vào buổi tối bởi ban ngày ông có quá ít thời gian. Năm nay đã bước sang tuổi 65, với 35 năm tuổi nghề, ông là người có thâm niên đào giếng nhất nhì ở huyện Hương Khê. Dáng người nhỏ, trên đầu tóc trắng đã chiếm phần nhiều, nếu chỉ nhìn vẻ bề ngoài, ít ai có thể tin ông vẫn đang làm công việc mà đến cả thanh niên trai tráng cũng chào thua.

Ông Sửu học việc ngay từ giếng nhà. Ông nhớ lại: “Khoảng những năm 80, tôi được ông chú hướng dẫn và cùng đào giếng để dùng. Hồi đó, chúng tôi phải mua và tự chế một bộ dụng cụ riêng. Sau đó, hàng xóm, người quen muốn đào giếng thường hỏi mượn dụng cụ và mượn luôn người, rồi bắt đầu có người hỏi thuê, dần dần tôi thành thợ đào giếng”.

Một giếng bình thường chỉ sâu chừng 8m, nhưng cũng có những giếng phải đào hơn 20m mới đụng mạch nước ngầm. Nếu thuận lợi, một giếng 8m chỉ cần 3 người đào là có thể xong trong ngày. Nhưng đào giếng không mấy khi dễ, có khi phải mất nửa ngày mới đào được một cục đá, chưa kể khi gặp đá bàn lại phải đào giếng khác. Đào giếng cũng phải có độ lỳ, độ liều, đào sâu xuống đất gặp không ít thứ kỳ lạ.

Ông Sửu kể: “Có lần đang đào thì gặp lớp đá kết dính với nhau như bê tông, cực kỳ cứng, khó khăn lắm mới phá được lớp đá thì gặp một hầm giống như hồ nước, lúc đó 4, 5 người trong hội nhìn thấy đều sợ, không dám xuống. Tôi buộc dây vào lưng, cầm theo cây nứa dài chừng 3m xuống giếng. Nhìn thấy nước xanh leo lẻo cũng hơi ngợp, phải mất cả chục phút mới bình tĩnh cầm sào đâm xuống, đâm hết sào vẫn không thấy đáy, đâm sang ngang cũng không thấy bờ lại càng sợ. Nhưng sau, tôi vẫn khoét nốt phần đang đào dở cho tròn trịa trong tư thế treo người bằng dây thừng”.

Về sau cũng vài lần gặp lại những “hầm nước ngầm” như thế. Sau khi uống cạn chén rượu thuốc, ông kể tiếp: “Tôi không nhớ rõ năm nào, nhưng nắng hạn lâu lắm. Giếng nhà anh Quyết ở xã Phúc Trạch có hầm ngầm bị cạn. Tôi xuống xem, dưới đáy có một lớp bùn, mới nhìn ước chừng bỏ được cả một cái nhà to lọt trong hầm, phía trên có một lớp đá ong kết dính với nhau, hầm chỉ cao khoảng 4m, còn dài phải đến độ năm chục mét. Tiếp tục đào xuống vẫn gặp mạch nước ngầm như bình thường”. Dưới lòng đất vẫn có hàng tá chuyện ly kỳ như gặp hầm than, cây, ngói… hay có giếng thì gặp những đường ống ngầm tự nhiên “miệng to như cái bánh xe đạp”, không ít lần người đào giếng rợn ngợp trước những bí mật của tự nhiên.

Đối mặt hiểm nguy

Nghề đào giếng, ngoài một sức khỏe tốt còn cần cái duyên. Không ít người học và đào được giếng, nhưng người có thể sống và hành nghề lâu dài thì… đốt đuốc mới tìm ra. Người xưa vẫn có câu “nhất thổ, nhì mộc” để nói độ nặng nhọc của những nghề liên quan đến đất. Người làm nghề không chỉ phải có sức khỏe, mà cần có cả sức chịu đựng. Càng đào sâu xuống lòng đất, oxy càng ít đi, thợ đào giếng phải chịu đựng mức áp suất lớn hơn bình thường, chưa kể còn gặp các loại khí độc.

Trần gian có lắm thứ nghề (Bài 2): Ăn cơm trần gian, làm việc “âm phủ” ảnh 2

Nguyễn Văn Anh (SN 1977) theo cha (ông Sửu) đào giếng từ năm 12 tuổi,

Ông Sửu đã có đến gần trăm người theo học nghề. Ông cũng không hề giấu bí quyết hay ngón nghề nào nhưng vẫn không mấy người theo được lâu dài. Nhưng đặc biệt, ông Sửu có 8 người con, 4 trai, 4 gái thì cả 4 con trai đều học được nghề của ông. Thậm chí, người con cả Nguyễn Văn Anh “còn giỏi hơn cả cha”.

Việc khó nhất để thành thợ đào giếng là phải thở được ở dưới giếng. Ngoài nguy cơ bị ngạt khí, người đào giếng cũng có thể bị vùi do sạt lở hay đá rơi trúng đầu... Theo ông Sửu, đào giếng mà thiếu kinh nghiệm thì cực kỳ nguy hiểm, thậm chí là chết người. Có nhiều cách để làm thoáng khí dưới giếng như dội nước xuống hay buộc cành lá cây tươi kéo lên kéo xuống liên tục. Nhưng vẫn cần một sức chịu đựng giỏi. Những người nhiều kinh nghiệm như ông thường tự nhận biết được giếng nào có nguy cơ bị lở để vừa đào, vừa thả bi, hoặc bỏ hẳn không đào nữa (bi giếng được làm bằng bê tông, chu vi bằng chu vi của miệng giếng, dày khoảng 10 cm, thường cao 0,8-1m đặt xuống giếng, vừa tránh lở đất, vừa đảm bảo vệ sinh).

Cha truyền con nối, Nguyễn Văn Anh (1977) theo cha đào giếng từ năm 12 tuổi, giờ không chỉ đào nhanh, khỏe hơn cả ông Sửu mà anh còn có khả năng đoán được nơi không gặp đá bàn. Ông Sửu kể tiếp, nhà ông Hà ở Phúc Trạch thuê người đào đến gần chục cái giếng vẫn gặp phải đá bàn, đi gặp cả thầy bói, thầy phong thủy nhưng cũng không ăn thua. Đến lúc rao bán vườn thì gặp thằng Anh, nó nói sẽ đào được giếng có nước, ông Hà không tin. Nhưng vẫn thử và nó đào đúng chỗ không có đá bàn thật. Nhiều nhà gặp cảnh đá bàn, khi đào được giếng còn mua bia về mời cả làng đến uống mừng.

Tôi gặp Nguyễn Văn Anh khi đang đào giếng mới cho người cùng xã. Anh chia sẻ: “Thực ra, đá bàn ở dưới đất cũng như núi đá, có nơi cao, nơi thấp. Tôi đoán nơi đá xuống thấp hơn mạch nước để đào, việc đoán định không chắc chắn 100% nhưng lạ là tôi chưa đoán trật lần nào”. Theo Nguyễn Văn Anh, việc đoán ngoài dựa vào cảm tính, cần phải có kinh nghiệm, để đoán được nơi đá xuống thấp cần phải căn vào hướng núi, hướng sông, vào những vị trí đã đào, các giếng khác trong xóm để hình dung các rường đá ở dưới đất mà chọn nơi đào.

“Ngót nghét đã 35 năm tuổi nghề, tôi cũng không còn nhớ mình đã đào được bao nhiêu giếng. Chỉ biết là nhiều lắm, không chỉ ở Hương Khê, tôi còn sang tận Vũ Quang, Hương Sơn, Can Lộc để giúp dân đào giếng. Thực ra, cũng nhiều lần tôi nghĩ đến việc bỏ nghề, cũng vài lần quyết định bỏ thật vì nặng nhọc và nguy hiểm quá. Nhưng rồi người ta cứ đến, nài nỉ, làm được mà không giúp thì áy náy, bứt rứt lắm, lại phải tiếp tục sống dưới đất.” - Ông Sửu vừa cười, vừa tâm sự.

(Còn nữa...)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast