Trẻ của Tết xưa

(Baohatinh.vn) - Từ khoảng 20 tháng chạp, tết đã rộn ràng trong lòng bọn trẻ con phố thị. Quần áo mới, súng diêm, pháo, xu đánh đáo… là những thứ hồi ấy bọn trẻ con chúng tôi mê lắm. Thị xã nửa phố, nửa làng rộn ràng hẳn lên so với những ngày đông mưa rét kéo dài. Mãi sau này, nhớ lại cái thị xã những năm ấy, những ngày mưa rét tháng chạp vẫn làm tôi rùng mình…

Cha chỉ đạo anh em tôi dọn dẹp vườn tược, sửa hàng rào, quét mạng nhện. Nhà cửa dường như sáng hơn trong những ngày cận tết. Cha và các anh lựa những khô củi to, xù xì, đẵn ra từng khúc chuẩn bị cho nồi bánh chưng. Mẹ vẫn miệt mài ngoài chợ, bán những bộ quần áo tự tay chắp, may. Cái máy khâu những ngày này chạy xành xạch cả đêm, như muốn đua cùng thời gian. Đến nỗi, những người dân phố thị còn sản sinh ra một thành ngữ để nói về sự tất bật, khẩn trương, đó là “chạy như máy khâu giáp tết”. Đây là dịp mẹ tôi phấn khởi lắm. Phấn khởi vì cuối năm, người dân có thêm chút tiền sắm sanh quần áo mới cho bọn trẻ, phấn khởi vì bà may bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu.

Trẻ của Tết xưa ảnh 1

Cả gia đình quây quần bên nhau gói bánh chưng tết. (Ảnh: VnExpress.vn)

Sáng ba mươi, cha mua cành đào ta của những người dân xã Thạch Vĩnh, Thạch Tân mang xuống. Đến trưa ba mươi, cha mới dọn và đóng quán sửa chữa xe đạp để nghỉ tết. Lúc ấy, ông mới gọt gốc đào, hơ lửa, bôi vôi cắm vào bình sứ, trang trí đèn nháy xanh, đỏ, tím, vàng. Lúc ấy, cha dừng lại ít phút ngắm nghía, rồi rửa tay đốt hương trầm. Mùi trầm hương thơm vấn vít đến tận ngày nay.

Cha cúng tất niên, 6 anh chị em chúng tôi quây quần, mỗi người một việc. Mẹ gói bánh chưng, nấu giả cầy, thịt đông, các chị làm mứt gừng. Căn bếp hẹp lợp tranh rộn ràng hẳn lên. Cha và các anh chẻ giang, kiếm que bó giò. Có tết khá giả, mẹ tôi còn gói cả nem chua, giò thủ. Những lúc như thế, tôi được giao nhiệm vụ hái lá đinh lăng, rửa lá chuối, lá nem. Dưa hành thì được chuẩn bị sẵn từ trước đó, trắng phau, ngâm trong những bình thủy tinh nước mắm. Tôi còn nhỏ, loay hoay với những thứ của trẻ con ngày tết, mong sao cho chóng đến giao thừa.

Chừng 9 giờ tối, mọi việc đã hoàn tất. Giò thủ, nem chua được treo lên trong góc bếp. Cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng to. Cha phải căn thời gian để đến khoảng 11 giờ đêm giao thừa là vớt bánh. Nồi bánh chưng nghi ngút khói. Các anh trai sắp bánh lên bàn, đặt lên tấm ván rồi dùng những vật nặng đè lên cho bánh vuông thành, sắc cạnh. Cha trịnh trọng đặt lên bàn thờ 4 chiếc bánh chưng đẹp nhất để cúng gia tiên.

Trẻ con nóng lòng chờ phút giao thừa. Đến 12 giờ kém 15 phút, cha mở đài (mãi sau này mới có tivi đen trắng), bảo: chuẩn bị đốt pháo. Tôi và các anh treo pháo lên. Trong thời khắc Chủ tịch Nước chúc tết đồng bào qua radio, cha tôi quỳ lạy trước bàn thờ gia tiên cũng là lúc râm ran tiếng pháo giao thừa.

Trẻ của Tết xưa ảnh 2

Bên bếp lửa hồng

Sáng mồng một, tôi vận quần áo mới cùng cha về quê thắp hương tổ tiên và đi chúc tết anh em, xóm làng. Hân hoan với những món tiền mừng tuổi của người lớn.

Thị xã Hà Tĩnh bây giờ đã là thành phố khang trang, sạch đẹp và phát triển ngày càng mạnh mẽ. Đời sống người dân thành phố đã khá lên. Những ngày tháng chạp, mưa rét ảm đạm ngày xưa đã lùi xa trong ký ức. Những con đường đất bùn lầy, nhão nhoẹt được thay bằng đường bê tông, đường thảm nhựa. Những mái tranh, mái rạ đã được thay bằng những ngôi nhà xây khang trang. Những tuyến phố, khu đô thị mới mọc lên đẹp đẽ…

Giờ đây, cha mẹ đã khuất bóng. Chúng con thắp nén hương báo cha mẹ về sự đổi thay, sự phát triển của thành phố Thành Sen và mời cha mẹ về sum họp ngày tết.

Và, phút giao thừa, con ngồi đây, ghép những mảnh vụn thơ trẻ của tết xưa!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast