Người không có tên trong danh sách trung đoàn

Chuyến xe khách cuối cùng vừa đổ xuống một phố huyện miền núi. Mọi người xách nách, í ới, rầm rĩ gọi nhau xuống xe, tìm người nhà ra đón. Từ trong số người vừa xuống đó, có một người đàn ông, dáng thư sinh, nhỏ nhắn, thong thả bước về cái quán nước bên kia đường.

- Bác cho em chén nước! - Người khách gọi chủ quán.
Chủ quán, cũng là một người đàn ông, vẻ mặt khắc khổ, trạc hơn bốn mươi, rót nước từ cái bình tích ủ trong trong chiếc giỏ mây ra. Khách đang đón chén nước định uống, chợt nhìn thấy lấp ló trong gầm bàn thò ra cái miệng điếu khắc dòng chữ có những nét quen quen. Khách vội cầm lên xem, quay sang nhìn lại mặt người chủ rồi thảng thốt:
- Trời! Anh Sinh!
Thấy chủ quán vẫn đang ngơ ngác, người khách nói tiếp: Anh có nhớ em không? Linh, trung đoàn 184, thằng lính mới từng được anh kể cho nghe câu chuyện trên chốt của anh đây mà…

*

* *

Đó là một ngày đáng nhớ!
Trung đoàn 184 vừa trải qua một cuộc hành quân dã ngoại vô cùng vất vả. Những người lính mới nhập ngũ của trung đoàn huấn luyện tân binh này lần đầu tiên nếm mùi rèn luyện như thế!
Buổi sáng hôm ấy, một cậu lính trẻ mắt nhắm mắt mở tìm xuống bếp ăn tiểu đoàn. Ngày Chủ nhật cho nên phải xuống trực ban giúp nhà bếp. Đang vừa đi vừa ngáp thì lính mới ta húc ngay phải một người đi ngược chiều, khiến cả hai đau điếng. Bỏ mẹ! Va phải lính cũ rồi, mà là lính cũ... rích! Nhìn bộ quần áo K82 tả tơi hoa lá cùng bộ mặt dễ đến hơn ba mươi tuổi của người lính nuôi quân đối diện làm cậu lính mới co rúm người lại. Lính mới sợ lính cũ lắm, trừ khi ra đường bên thằng nào đông hơn thì làm trùm còn trong đơn vị mười ông mới cũng chả dám ho he với một ông cũ.

Minh họa: Đỗ Dũng

Minh họa: Đỗ Dũng

Người lính cũ xuýt xoa một lúc rồi lẳng lặng đứng dậy, không nói không rằng đi vào bếp. Linh, tên cậu lính trẻ trố mắt ra nhìn theo. “Tay này hiền thế nhỉ? Hay ông ấy gọi cả đội anh nuôi ra tẩn mình hội đồng? Cứ nghĩ đến cái mặt hầm hố của tay thượng sĩ trưởng bếp trong đó là thấy ghê…”.
Nhưng không ai làm gì cậu cả. Những người lính nuôi quân thấy cậu vào vẫn thản nhiên làm việc. Ngó một lúc không thấy anh lính già kia đâu cậu vòng qua khu nhà ở thì thấy anh ta đang... nằm khoèo trên cái phản trải chiếc chiếu cáu bẩn. Chỗ ở của anh ta nhìn cũng cũ cũ, bụi bặm như chủ nhân. Chả có nội vụ gì cả, tất cả lộn xộn như một đống giẻ rách.
- Gì đấy thằng cu? Vào đây! Sao cứ thập thò mãi thế!
Đang định quay ra, nghe anh lính cũ gọi, Linh vội quay vào móc túi rút ra bao thuốc lá Du lịch:
- Dạ! Em mời anh hút thuốc. Lúc nãy em sơ ý quá! Anh cho em xin lỗi!
- Ai bắt lỗi mà mày xin, đầy thằng có lỗi lớn với tao còn không xin một tiếng. Thôi không có gì đâu, mày về làm nhiệm vụ đi!
“Lão này nói năng khó hiểu, hình như dây thần kinh có vấn đề”, Linh nghĩ vậy rồi đứng dậy định quay ra thì chợt nhìn thấy cái điếu cày. Không phải! Nó là cái điếu ục đặc trưng của người vùng cao miền núi, loại miệng điếu to gần bằng vành bát ăn cơm, ở dưới này không ai dùng loại đó cả. Thớ tre óng đen như sừng, một mảnh nhôm hay duya ra bịt chỗ đầu ống điếu có khắc hoa văn và mấy chữ mờ mờ. “Em xin phép xem cái điếu của anh tý nhé, đẹp quá!”. Linh cầm lên săm soi một lúc. Dòng chữ khắc lâu ngày bị mòn nhưng vẫn nhìn thấy rõ: KỶ NIỆM ĐỜI LÍNH CHỐT NĂM 198X...
- Ơ, anh là hạ sĩ nhưng nhập ngũ từ... năm ấy cơ à? - Linh ngạc nhiên quay sang hỏi người lính già đang nằm hai tay kê đầu ngửa mặt lên ngó trần nhà.

*

* *

...Người lính đó tên là Sinh.
Anh sinh ra và lớn lên ở một vùng gái đẹp có tiếng. Thiên nhiên hào phóng đã ban tặng cho quê anh những cảnh đẹp mê hồn, từ các con suối trong vắt chảy róc rách cho đến những dãy núi xanh rì quanh năm mây phủ, vươn lên kiêu hãnh dưới bầu trời. Vừa đến tuổi thanh niên, khi mới bắt đầu biết đi ra suối nhìn trộm con gái bản tắm thì con tim Sinh cũng bắt đầu thổn thức với một cô gái bản bên. Nhưng có lệnh gọi nhập ngũ. Kể từ khi những cuộc chiến liên miên xảy ra, quê Sinh vẫn thường đóng góp cho chiến trường rất nhiều thanh niên trai tráng. Có người sau cuộc chiến trở về lành lặn, có người mất một vài bộ phận nào đó trên cơ thể. Thậm chí có cả người bỏ anh em đồng đội ra về nửa chừng, bị chính quyền phạt lên phạt xuống.

Nhà Sinh đông con trai. Người anh cả tham gia chiến đấu trong miền Nam nay đã về thành ông bố bản. Dưới Sinh còn mấy thằng em nữa nên anh lên đường nhập ngũ rất yên lòng vì gia đình vẫn có người đỡ đần bố mẹ việc nương rẫy. Ngày Sinh lên đường, mấy thằng cùng đợt xách bọc quần áo vượt núi ra ngoài huyện ngủ một đêm, sau đó lên xe về đơn vị huấn luyện. Không ai tiễn, chẳng ai rớt nước mắt cả. Mọi người coi đó là nghĩa vụ bình thường phải làm, khi nhà nước gọi thì đi.

Mấy tháng huấn luyện tân binh trôi qua, Sinh được biên chế về một đơn vị pháo, đóng quân trong tỉnh nhưng cách nhà hơn trăm cây số. Thời ấy đi lại khó khăn nên anh chẳng về thăm nhà được lần nào. Thôi cố xong ba năm về cả thể. Sinh chậc lưỡi nghĩ vậy.

Đơn vị pháo của Sinh được lệnh chuyển quân lên Hà Giang. Lúc này trên biên giới cuộc chiến cũng đã tàn. Nói như các đàn anh lính cũ khi bàn giao cho đơn vị anh là, chúng mày đi sau sướng thật, bây giờ lên chỉ... nhặt cat tút, chứ còn gì mà đánh đấm nữa.

Nghe thế Sinh cũng thấy yên tâm!

Do là người miền núi, nhanh nhẹn, biết cách luồn rừng thông thạo và có chút thông minh, học èng èng mới hết cấp hai ở trường nội trú huyện nhưng tính toán tốt, Sinh được chuyển sang làm trinh sát pháo. Đối với Sinh, nhiệm vụ mới chả khác thả hổ về rừng. Các hốc núi, đỉnh đồi, đài quan sát anh nằm triền miên. Sinh thành thổ công của cái mảnh đất vùng biên này.

Sinh được tặng giấy khen vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và phong quân hàm hạ sĩ, mặc dù chẳng qua trường lớp nào. Hai thứ này tuy nhỏ nhoi so với nhiều người nhưng với Sinh quan trọng lắm. Quê anh mấy ai đi lính được khen thưởng thế đâu. Dù sao đi lính có chữ sĩ quan ở đuôi và có cái giấy khen mang về kiếm khung treo lên tường là oách xà lách rồi. Sinh cũng sắp ra quân, cả hai thứ họ nói khi nào nhận sau cả thể. Ừ thế cũng được, trên này cũng chẳng cần, cầm nhỡ mất thì sao!

Ba năm nghĩa vụ đã gần hết. Sinh có thể mơ thấy ngày khoác ba lô về nhà. Mọi người mừng vui liên hoan chúc anh, một người lính chiến trở về lành lặn. Rồi anh tìm một quả đồi, một mảnh ruộng nào đó cày cấy, kiếm cô gái có đôi bắp chân to to, cái hông khỏe mạnh cùng bộ ngực rung rinh làm vợ, lại sòn sòn hai năm ba đứa theo truyền thống cha anh trong gia đình. Chỉ đơn giản và trong tầm tay thế thôi.

Nhưng....

Biên giới hồi này cũng gần như im hẳn tiếng súng. Đôi khi chỉ còn gọi là lác đác vài tiếng pháo hai bên câu qua lại nhau để “giao lưu, hỏi thăm sức khỏe nhau tí”, nói theo kiểu lính của bọn Sinh. Nói chơi vậy, nhưng những người lính tuyến đầu lúc nào cũng vẫn còn phải ở chế độ sẵn sàng chiến đấu, mặc dù có vẻ hòa bình đã đến. Kinh nghiệm về sự tráo trở, chuyên bất thần đánh úp của kẻ thù dạy họ như vậy.

Lính nhà ta cũng hơi thong dong chút. Kệ bố nhà nó, chơi thì cứ chơi, mai có đánh nhau thì lại đánh nhau. Lúc này bọn Sinh thi thoảng kéo nhau đi cả chục cây số, ra thị xã Hà Giang nằm gần đó chơi bời. Tiền không có nhưng được chơi vẫn thích, nhất là khoản ngắm gái thì càng thích. Lúc đó, thị xã vẫn chưa thực sự hồi sinh nhưng dân cư bắt đầu đông dần lên. Những người đi tản cư lác đác hồi hương về chốn cũ sinh sống, cư dân đã đông hơn lính rất nhiều, không như vài năm trước, đi đâu cũng thấy bóng quân phục, hiếm khi gặp dáng áo hồng hồng, xanh xanh, đỏ đỏ nào.

Đơn vị Sinh cũng có tin chuẩn bị rút về dưới xuôi. Đấy là tin chứ thực ra thì chưa biết lúc nào. Thôi về đâu cũng được, chả gì mình cũng sắp ra quân. Ở mãi quen nơi này rồi thêm một vài tháng có sao đâu. Sinh chẳng thèm quan tâm đoái hoài gì tới cái tin tốt lành theo kiểu suy nghĩ của mấy thằng lính mới. Chính vì sự yên tâm công tác đó anh được chỉ huy điều đi nằm tiếp ở một đồi đài quan sát. Cái đài này có lẽ một thời gian nữa sẽ không còn sử dụng vì nó nằm cạnh đường biên, không đánh nhau thì quan sát nhau làm cái quái gì, nhiệm vụ này bàn giao cho lính biên phòng với chức năng khác. Cho bọn Sinh lên chỉ tổ để lính dùng ống nhòm soi trộm các em bên kia đang tắm...

Thế mà Sinh lại bị thương mới lạ chứ! Trong thời chiến bị thương thì cũng là chuyện bình thường. Nhưng chuyện anh bị thương lại không bình thường khiến anh có hẳn một quãng đời sống dở dở ương ương về sau.

Nằm dài chơi không trên cái ngọn đồi đá âm u mãi, bọn Sinh cũng chán nên tìm cách đi cải thiện. Bắt chước các đàn anh ngày xưa, Sinh đi hái chè về sao. Cái giống chè trên này to lắm, toàn cây cổ thụ sống không biết bao nhiêu năm, dễ phải hơn tuổi gã rất nhiều. Cứ trèo lên hái tuốt tuồn tuột cho vào gùi, hoặc bao mang về phân loại, rồi xoay trần ra sao suốt trong cái chảo quân dụng nho nhỏ, sẽ cho ra một loại chè chốt trứ danh. Lính lác tối ngoài ngồi tán gẫu trên chốt thì đi ngủ là hết chuyện. Có ca nước chè đặc sánh cùng cái điếu ục thôi thì tán hươu tán vượn rôm rả như ngô rang. Sinh được một người đàn anh đồng hương, khi gặp rút xuống bàn giao cho giữ cái điếu ục “gia bảo” của bao đời lính chốt, mỗi khi hút phải kéo tóp cả má, căng ngực mới có chút khói, ông nào lính mới lớ ngớ không biết cách sử dụng thì không xài được, không khéo khi hút còn bắn phọt cả sái thuốc lẫn nước điếu vào mặt người đối diện.

Hôm đó, Sinh và một người lính khác được lệnh chuyển đài. Nhân tiện đường đi bọn anh rẽ qua một cái bản hoang không người ở. Dân bản đã bỏ đi hết khi chiến tranh nổ ra. Nói là bản nhưng cũng chẳng còn nóc nhà nào ngoài vài cái cột cháy. Tuy nhiên, nó vẫn còn rất nhiều những ruộng rau hay đám ngô bí người ta trồng chưa thu hoạch, qua năm tháng những cây quả đó chín thối, rụng hạt xuống lại mọc lên những loại cây quả khác, rậm rạp như rừng. Ý của Sinh là về chỗ anh em mới kiếm chút gì ra mắt. Lính chốt vốn thiếu rau. Ngày trước, còn đánh nhau thì còn được nhân dân mang biếu tặng, hết rồi thì rau cũng kém luôn. Hậu cần cung cấp bên ngoài còn tươi chút chứ vào đến chốt thì héo queo, khô tái còn gì là chất nữa.

Hai thằng kiếm được một quả bí, mấy củ măng cùng mớ rau cải rừng non mơn mởn cho vào ba lô đeo đi. Bọn Sinh cứ nghênh ngang đường mòn mà tiến, chắc lúc này bọn “bên kia” cũng nhìn thấy nhưng kệ. Chúng nó cũng oải rồi, hơi đâu mà gây sự. Cái quan trọng nhất là đi đường phải để ý xem có mìn mõ không, nhất là qua những tuyến ngày trước hai bên hay tẩn nhau thì nhiều lắm! Sinh nói với người đồng đội thế.

Đúng là nói dại! Vừa trèo qua một ngọn núi, người bạn Sinh trong lúc lơ đễnh không cẩn trọng giẫm ngay phải quả mìn K58. Sinh đi sát sau chỉ nghe cái oành một tiếng rất nhỏ, cảm thấy chỗ nào đó trên người hơi ran rát, trước khi lăn lông lốc xuống sườn núi còn nhìn thấy mờ mịt một khoảng bụi tung lên quanh chân đồng đội. Thầm kêu: Mẹ ơi! Chết con rồi!
Và Sinh thấy mình chìm vào bóng tối mờ mịt bao phủ xung quanh...

*
* *

...Phải đến hôm sau, đồng đội mới tìm thấy hai người. Bạn Sinh do mất máu nhiều đã chết, còn anh thì thoi thóp trong một khe núi.

Hơn một năm nằm điều trị tại bệnh viên quân khu, Sinh bình phục trở lại. Tác hại do quả mìn gây ra không lớn bằng cú ngã lộn từ trên núi lăn xuống làm xương khớp cũng như da thịt tưởng tan nát. Anh sống được cũng là một may mắn nhưng cũng mất tới hơn năm mươi phần trăm sức khỏe. Mỗi lần thay đổi thời tiết các dây thần kinh trong hộp sọ bị va đập vào đá hồi đó lại co thắt nhức nhối. Một cánh tay anh gần như vô dụng khi không cầm được thứ gì nặng do từng bị gãy giập. Thôi giữ được cái mạng là tốt lắm rồi.

Khi ra viện Sinh mới biết đơn vị của anh đã rút xuống và... giải thể từ mấy tháng trước. Cầm cái giấy ra viện anh cứ tần ngần mãi. “Về sư đoàn, chắc tên tuổi mình họ đang lưu trữ, chế độ chính sách chắc về đấy giải quyết. Trên tờ giấy của viện quân y ghi rõ thế mà!”.

Đúng là người ta đang cầm hồ sơ của Sinh để chờ khi anh đến cấp cho... ra quân. Thấy lạ Sinh thắc mắc: “Sao không thấy làm chế độ thương binh cho tôi?”. Cán bộ chính sách sư đoàn giải thích là anh không bị thương trong chiến đấu thì không thể cho là thương binh được. Sinh không chịu, nhất định không chịu, rõ ràng mình đang đi làm nhiệm vụ, kể ra thì cũng tạt té tí chút nhưng bị mìn trên đường đi tới đơn vị mới đấy chứ!

Người ta lại bảo Sinh nếu thế thì phải có giấy xác nhận của đơn vị cũ về trường hợp bị thương. Thế này khác gì đánh đố nhau, đơn vị giải thể rồi bảo tìm ai xác nhận bây giờ? Đáng lẽ họ phải làm ngay từ lúc Sinh “bị” chứ? Sao lại chẳng có gì thế này. Người cán bộ sư đoàn cũng phải lắc đầu với lý lẽ của Sinh. Đúng là khó thật, đây là trường hợp hy hữu. Giấy tờ gốc đơn vị cơ sở không chuyển thì bó tay. Không có gì chứng minh để làm chế độ cho người lính này được.

Sinh tuyên bố không nhận giấy ra quân nếu không được chứng nhận thương binh. Người ta cũng không thể giữ anh ở lại được. Tính tuổi quân anh quá từ lâu rồi. Thôi đành viết cái giấy giới thiệu cho Sinh về một trung đoàn nào đó công tác tạm thời để chờ họ tìm lại hồ sơ vậy.

Oái oăm là giấy cung cấp tài chính cho anh về đơn vị mới cũng không có. Tự dưng Sinh trở thành kiểu lính không phải lính, dân không ra dân. Khi vác ba lô về trung đoàn, trung đoàn bảo về tiểu đoàn, tiểu đoàn lại nói xuống bếp. Sinh thất thểu khoác cái ba lô lép kẹp cùng chiếc điếu ục không biết ai đưa đi viện mang theo luôn cho anh, xuống nhà ăn đơn vị.

Những người lính nuôi quân trố mắt lạ lẫm nhìn “ông lính” râu ria xồm xoàm, tóc tai cợp gáy với bộ quân phục từ đời tám hoánh bạc trắng, tay xách chiếc điếu to đùng bước vào. Sau khi nghe giới thiệu, biết Sinh cũng từng là lính sư đoàn này, họ nhanh chóng đỡ ba lô thu xếp cho anh một căn phòng riêng quây bằng cót ép. Tay thượng sĩ trưởng bếp (nhìn mặt già nhưng tuổi có khi còn trẻ) tuyên bố luôn: “Đàn anh cứ ở đây với bọn em cho đến khi nào xong chế độ. Cái gì chứ ở bếp thì khoản ăn uống đâu cần lo, anh yên tâm đi!”. Nói rồi tay lính có gương mặt bặm trợn hay dọa lính mới ấy lục hòm đưa cho Sinh một bộ quần áo lính còn khá tốt. Những anh em còn lại cũng vậy, người cho Sinh bộ quần áo dài, người cho bộ đồ lót, cái khăn mặt, bánh xà phòng... Hàng ngày nếu Sinh khỏe thì phụ họ, mệt thì thôi. Chỉ huy cũng làm lơ như không hề thấy Sinh dù anh vẫn xuất hiện trước mặt họ, nhưng lại không có trong danh sách quân số của trung đoàn.

Sinh cứ ở như vậy không rõ bao lâu, chứng kiến mấy đợt lính mới đến huấn luyện rồi đi. Cứ mỗi lần lên sư đoàn họ lại nói chưa tìm được hồ sơ, giấy tờ, Sinh lại về xó bếp nằm khoèo chờ đợi. Quanh năm suốt tháng mãi cũng chán, nhiều khi tặc lưỡi hay về cho đỡ cảnh ăn bám anh em, nhưng nghĩ tới việc ra về không “chính danh” như thế khó nhìn mặt bà con họ hàng, Sinh lại kiên nhẫn, cứ kiên nhẫn mãi cho đến ngày hôm nay...

*
* *

- Huấn luyện tân binh xong, em chuyển sang đơn vị khác. Hết nghĩa vụ thì em ra quân. Hiện em là cán bộ của tổng công ty chè. Vẫn nhớ đến anh nhưng không biết là trên giải quyết cho anh thế nào? - Linh nói - Vậy rồi anh có được chế độ, chính sách gì không ạ?

Nghe Linh hỏi, người đàn ông chủ quán thủng thẳng tra một điếu thuốc vào điếu ục, rít bập bập một chút rồi thả hơi, nói trong đám khói mù mịt:

- Số anh cuối cùng cũng gặp may. Trung đoàn thấy thế mãi họ cũng để ý. Một lần có đoàn cán bộ cấp cao ở trên xuống thăm đơn vị, đồng chí trung đoàn phó chính trị gọi anh lên báo cáo đầu đuôi mọi việc với các thủ trưởng. May là trong số các lãnh đạo ấy có người phụ trách pháo binh trung đoàn cũ của anh, đang công tác trên quân khu. Bác ấy gọi điện cho những người trực tiếp nắm cái tổ đài ngày trước, thế là anh được xác nhận đủ cả, từ chuyện bị thương cho đến làm mọi thủ tục giải quyết chế độ, chính sách. Sau lần gặp chú chừng một năm gì đó, thì anh xuất ngũ.

Linh đưa mắt nhìn quán nước. Sinh thấy thế, nói thêm: “Anh có vợ, có bốn đứa con, cả nhà thầu được hai quả đồi bên mé đường kia, chuyên trồng chè. Anh mở thêm cái quán này để thỉnh thoảng được chuyện phiếm với khách cho đỡ buồn”.

Hai người lính cựu mải mê hàn huyên với nhau cho đến khi Linh giật mình xem đồng hồ, thấy đã muộn mà công việc thì còn đang dở dang. Linh vội chào từ biệt Sinh, không quên hẹn quay lại “làm một bữa rượu cho ra trò” tại nhà Sinh.

Ngoài trời tối đen, phố núi vắng vẻ, khuya khoắt, chỉ có những vì sao trên trời lấp lánh soi xuống chút ánh sáng huyền bí. Linh ngửa mặt lên hít hơi thở rõ dài. Ngày xưa, còn bé bà nội Linh hay nói mỗi vì sao tương ứng với số mệnh một con người. Có sao to sao nhỏ khác nhau cho nên số mệnh của mỗi con người cũng khác nhau. Không biết anh Sinh có số mệnh ứng với vì sao nào trên kia nhỉ? Anh cũng có một số phận đặc biệt, nhưng so với bao nhiêu người lính đã từng đi qua chiến tranh thì anh vẫn được chiếu mệnh bởi một vì sao may mắn như cái kết của câu chuyện mà Linh vừa chứng kiến.

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Truyện ngắn của TẠ NGỌC DŨNG

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast