Hà Tĩnh thường xuyên chăm lo người có công với cách mạng

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ công tác chăm lo đời sống thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng.

Về nội dung này, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh Nguyễn Trí Lạc đã có cuộc trao đổi với PV Báo Hà Tĩnh nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2020).

Hà Tĩnh thường xuyên chăm lo người có công với cách mạng

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Trí Lạc trả lời phỏng vấn Báo Hà Tĩnh

PV: Thưa ông, thời gian qua, Hà Tĩnh đã thực hiện các chế độ, chính sách chăm lo người có công với cách mạng trên địa bàn như thế nào?

Ông Nguyễn Trí Lạc: Những năm qua, cùng với việc phát triển KT-XH, đảng bộ, chính quyền và ngành LĐ-TB&XH Hà Tĩnh luôn xác định công tác chăm lo đời sống thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên.

Các chế độ, chính sách được triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ đến từng địa phương.

Hà Tĩnh thường xuyên chăm lo người có công với cách mạng

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn tặng quà cho bà Nguyễn Thị Xờ - cựu TNXP bị nhiễm chất độc hóa học ở xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh).

Đến nay, Hà Tĩnh đã xác nhận, giải quyết chế độ chính sách cho 428.170 lượt hồ sơ đối tượng người có công, trong đó có hơn 2.500 cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa; 26.000 liệt sỹ, 1.965 Mẹ Việt Nam Anh hùng; 47.409 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; trên 43.000 người có công đang hưởng trợ cấp thường xuyên và hàng chục ngàn người hưởng trợ cấp một lần, cùng các chính sách khác với kinh phí mỗi năm trên 1.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà cho các gia đình chính sách cũng được thực hiện thường xuyên. Năm qua, đã có hàng ngàn tổ chức cá nhân đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với số kinh phí trên 30 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà tình nghĩa cho 1.200 ngôi nhà và xây mới; trùng tu tôn tạo hàng chục công trình ghi công liệt sỹ; 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng được các đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời (hiện cả tỉnh còn 46 mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống).

Hà Tĩnh thường xuyên chăm lo người có công với cách mạng

Đại diện lãnh đạo TX Hồng Lĩnh trao tiền hỗ trợ làm nhà ở cho thương binh 1/4 Nguyễn Văn Thành ở tổ dân phố 9, phường Bắc Hồng.

PV: Ông có thể cho biết các giải pháp, kết quả trong việc thực hiện mục tiêu nâng cao mức sống cho người có công?

Ông Nguyễn Trí Lạc: Nhìn chung, các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công được cấp ủy, chính quyền, các cấp, ngành triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ và cách làm sáng tạo, tương đối toàn diện.

Ngoài chế độ trợ cấp ưu đãi thường xuyên, còn có chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong y tế, giáo dục và đào tạo, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm... từ ngân sách trung ương và địa phương nhằm đảm bảo thu nhập cho mọi thành viên hộ gia đình có công vượt mức chuẩn nghèo và cận nghèo và được hỗ trợ thu nhập thường xuyên từ nguồn xã hội hóa.

Hiện nay, Hà Tĩnh không còn người có công với cách mạng thuộc hộ nghèo; 100% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân tại nơi cư trú.

Tuy vậy, với mức trợ cấp và thu nhập như hiện nay, theo quy định của trung ương cũng như nguồn lực của địa phương và từ nguồn xã hội hóa, vẫn sẽ còn một số hộ gia đình người có công gặp khó khăn, đặc biệt là những hộ gia đình thường xuyên đau yếu bệnh tật.

Hà Tĩnh thường xuyên chăm lo người có công với cách mạng

Người có công với cách mạng điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh.

PV: Trong thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ làm gì để công tác đền ơn đáp nghĩa ngày càng đi vào chiều sâu, đặc biệt là tiếp tục thực hiện mục tiêu 100% đối tượng người có công trên địa bàn có mức sống trên mức trung bình so với cộng đồng dân cư nơi cư trú, thưa ông?

Ông Nguyễn Trí Lạc: Để công tác chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng đạt hiệu quả tốt hơn và ngày càng đi vào chiều sâu, trước hết các cấp, ngành cần tiếp tục tuyên truyền, vận động ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa"; thu hút được sự đóng góp của nhiều tầng lớp Nhân dân, đơn vị, cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, kiều bào ở nước ngoài; chú trọng công tác quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí vận động.

Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước đối với công tác người có công cần được chú trọng, bảo đảm các chế độ, chính sách được quản lý chặt chẽ, khoa học; việc giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng kịp thời, đúng quy định, không để xảy ra trường hợp hồ sơ trễ hẹn. Tiếp tục số hóa hồ sơ, ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý và giải quyết chính sách; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc chi trả, giải quyết chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng tại địa phương, cơ sở.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast