Truyện ngắn: Quyết định

(Baohatinh.vn) - Chiếc taxi dừng lại trước cửa, một người phụ nữ trẻ bước xuống, ngó nhìn cửa hiệu “Bách Gia Đường” rồi bước vào.

Truyện ngắn: Quyết định

Ảnh minh họa từ Internet

- Cô ơi, hết giờ đăng ký khám rồi ạ!

Cậu bé chừng mười tuổi đứng ngay phía cửa vòng tay lễ phép nói như vậy. Người phụ nữ nhìn cậu bé mỉm cười:

- Cô đến gặp chị Thư chứ không khám bệnh.

- Vậy để con vào báo với dì. Dì đang cho em bé ngủ.

- Không, cứ để cô ngồi chờ cũng được. Con cứ đi làm việc của con đi!

Cậu bé lễ phép cúi chào rồi nhanh chóng lui vào phía trong quầy thuốc. Cậu phụ hai thanh niên một nam một nữ bốc và gói thuốc. Mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng cậu cũng nhanh nhẹn, khéo léo không kém hai người kia.

Người phụ nữ chọn cho mình chiếc ghế ở cuối dãy ghế ngồi chờ, mắt chăm chú nhìn theo cậu bé. Cả thân hình cậu bị khuất sau quầy thuốc bằng gỗ đối diện với dãy ghế ngồi chờ của người đến khám bệnh, chỉ có mái đầu nhấp nhô lên xuống. Một cảm xúc khó tả, xốn xang dâng lên trong lòng. Lâu lắm rồi người phụ nữ mới trở lại đây. Trong hiệu thuốc Bắc này luôn phảng phất một mùi hương rất đặc biệt của các loại thảo dược, qua bao năm rồi vẫn vậy. Vẫn cho cô một cảm giác dễ chịu, tin tưởng, yên tâm. Người phụ nữ đưa mắt nhìn ra ngoài đường, thời gian như đang quay ngược đưa cô trở về buổi chiều ngày trước.

Cô rụt rè bước vào tiệm thuốc “Bách Gia Đường” khi thấy người khách cuối cùng đã ra. Ông thầy thuốc vừa rời khỏi bàn bắt mạch nhìn lướt qua cô, mỉm cười chào rồi quay qua con gái đang sắp xếp các thứ bên dãy tủ đựng thuốc:

- Thư này, con để đó lát dọn sau, giúp thầy xem mạch cho cô gái trẻ này trước đã. Thầy ngồi cả buổi chiều, mỏi lưng quá rồi.

- Dạ thầy. Con vào đây.

Cô bước tới ngồi bên chiếc bàn mà Thư - con gái của thầy thuốc - chỉ. Tự nhiên cô quên hết mọi ý định trước khi bước vào đây, cô để tay kê lên một tấm đệm nhỏ xíu để trên bàn, đối diện với Thư, để cho Thư bắt mạch. Thư nghe một lúc rồi ngẩng lên nhìn cô mỉm cười:

- Mạch tượng của hai mẹ con đều tốt. Em bé khỏe, em không cần phải dùng thuốc dưỡng thai đâu.

- Chị, em muốn…

Thư bặm môi, mở to đôi mắt nhìn thẳng vào cô chờ đợi, rồi hơi chau mày khi thấy cô nói rằng, mình muốn uống thuốc phá thai.

Thư còn chưa nói gì, chẳng hiểu sao cô lại kể với Thư tất cả chuyện của mình. Cô có một tình yêu đẹp, tưởng sẽ đi đến một kết thúc viên mãn là một đám cưới nhưng sự thật không phải như cô nghĩ. Khi biết cô đã có thai, anh người yêu lại trở mặt và cuối cùng là đường ai nấy đi, dù cô đã níu kéo hết nước mắt. Ban đầu cô cũng nghĩ là mình sẽ sinh con, nuôi con một mình nhưng mọi việc không hề đơn giản. Cô vừa học xong cấp ba đã khăn gói rời quê nghèo lên thành phố kiếm việc nhưng hơn một năm rồi vẫn chưa xin được công việc ổn định. Còn về quê thì cô lại chẳng còn mặt mũi nào. Ở quê cô, chưa chồng mà chửa thì đi đâu không ngẩng đầu lên được, cha mẹ cô chỉ còn biết muối mặt vì xấu hổ. Những lời kể của cô cứ lộn xộn, ngắt quãng. Thư vẫn kiên nhẫn ngồi nghe.

- Em đã đến hai phòng khám, bác sĩ ở đó đều từ chối. Họ nói cái thai đã lớn, họ không thể làm thế được.

Cô đưa tay sờ lên bụng, đầu hơi cúi xuống để giấu đi những giọt nước mắt đang thi nhau lăn nhanh trên khuôn mặt trắng xanh. Cô bất ngờ đưa tay lau nước mắt, ngẩng lên, nhìn thẳng vào mắt Thư, đôi tay thon gầy nắm lấy bàn tay Thư. Cô nói bằng giọng van vỉ:

- Xin chị hãy giúp em! Em không thể sinh con và nuôi con lúc này được!

Thư không nói gì, lặng yên đưa bàn tay còn lại của mình, đặt lên bàn tay cô vỗ nhẹ như một liệu pháp trấn an tâm hồn đang xáo động của thai phụ trẻ. Chờ cho nhịp thở của cô bình thường trở lại, Thư mới nhẹ nhàng nói:

- Em ạ. Mỗi sự gặp gỡ trên đời này đều là một mối duyên. Con đã chọn em để có mặt trên cõi đời này cũng là một mối duyên. Đừng bỏ con đi, tội nghiệp. Có thể, sinh con ra em sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn nhưng chị chắc chắn em sẽ không phải hối hận, không phải dằn vặt lương tâm về sau. Cố gắng lên, nếu giúp được gì chị sẽ giúp.

Ngày cô sinh, chỉ có Thư là người bên cạnh. Sau khi đã xin phép mẹ thầy, Thư đón mẹ con cô về nhà, ở trong căn phòng của Thư. Thư chăm sóc hai mẹ con cô như chăm sóc em gái và cháu mình. Cô cảm động, biết ơn Thư và gia đình thầy thuốc nhiều lắm nhưng trong lòng cô vẫn ngổn ngang những nỗi lo và toan tính. Cuối cùng, sau hai tuần sinh con, cô đã lặng lẽ bỏ đi, để lại bức thư đã nhòe đi vì nước mắt. Cô xin Thư hãy nhận nuôi đứa bé, hãy thương xót nó và tha thứ cho cô.

Đêm mùa thu, trời hun hút gió, những chiếc lá khô nằm bên vỉa hè cuộn xô xào xạc. Cô ngước nhìn cửa hiệu “Bách Gia Đường” lần nữa rồi bước đi. Lúc đó cô hai mươi tuổi. Còn Thư hai mươi lăm. Thư sẽ cưới chồng vào cuối năm.

- Dạ, thưa cô!

Thấy khách dường như không nghe thấy lời mình, thằng bé nói to hơn:

- Dạ, thưa cô. Dì con mời cô vào ạ.

Truyện ngắn: Quyết định

Minh họa của Huy Tùng.

*

Người phụ nữ như sực tỉnh, nhìn cậu bé mỉm cười và gật đầu. Cô đứng dậy bước theo cậu bé. Đi qua phòng khám về phía sau, ngôi nhà vẫn như xưa, cấu trúc không có gì thay đổi, chỉ có màu sơn, một số bài trí là không còn như cũ. Tới sân phơi thuốc, cậu bé nói to với người đang lúi húi bên mấy phên lá thuốc đã khô:

- Dì ơi, cô ấy tới rồi ạ.

Người đó ngẩng lên, cô vội vàng bước tới:

- Chị Thư. Là em đây.

- Yến, đúng là Yến rồi - Thư thoáng nhíu đôi lông mày lại rồi nói như reo.

Sau khi dặn dò cậu bé thay mình thu gom các phên lá thuốc vào bao, Thư kéo tay Yến về phía bộ bàn ghế đá xếp ngay hiên cửa. Thư vừa đưa cốc nước mời Yến, vừa nói:

- Vậy mà đã mười năm rồi, nhanh thật đấy. Em bây giờ thế nào? Công việc, gia đình ra sao?

Yến đặt cốc nước xuống bàn, chầm chậm kể:

- Năm đó, rời khỏi Bách Gia Đường, thực sự em cũng không định hình được là mình sẽ đi đâu, làm gì. Em cũng không biết được là mình đã đi bằng cách nào nhưng đến gần sáng thì em đến gần bến xe.

Thấy có một xưởng may nhỏ treo biển cần thợ, em ngồi ở cửa chờ cho đến sáng, xin vào làm. Nhưng họ cần thợ chứ đâu cần người học việc. Lúc đầu cô chủ nhất quyết không nhận nhưng em năn nỉ quá với lại chắc cô thương hoàn cảnh của em lúc đó nên đồng ý nhận. Em ở lại vừa học việc, vừa phụ việc ở xưởng. Các chị em trong xưởng cũng thương, chỉ giúp em rất tận tình…

Yến cứ kể, cứ kể đến khi ánh nắng trên sân không còn nữa, cậu bé dường như đã thu xong những phên thuốc, Yến nhìn Thư bảo:

- Năm năm sau em trở về quê, giờ em có một xưởng may mười máy, chuyên gia công hàng xuất khẩu. Lần này trở lại, em… em xin chị cho được gặp Bảo An. Từ lúc bỏ đi, em không khi nào thoải mái, vui vẻ được. Lúc nào cũng cảm thấy có lỗi. Mà nghĩ lại, em đã hứa là không làm phiền đến cuộc sống của chị nữa. Nên mãi đến bây giờ em mới dám đến gặp lại chị. Em chỉ xin chị cho được nhìn thấy thằng bé, em sẽ không…

Thư cười, cắt lời Yến:

- Đừng nghĩ vậy. Bảo An vẫn là con em. Ngày cầm bức thư của em, chị biết kiểu gì rồi em cũng quay trở lại. Chị không nhận bé làm con nuôi như đã định. Chị vẫn chăm sóc Bảo An và nói với thằng bé mẹ Yến phải đi làm, kiếm thật nhiều tiền về nuôi Bảo An. Những ngày sinh nhật, chị vẫn thay em gửi quà cho thằng bé. Mới hôm qua nó còn nhắc không biết sinh nhật này của con mẹ Yến sẽ tặng quà gì. Thư vẫy tay gọi:

- Bảo An, lại đây con!

- Dạ dì.

Cậu bé vừa chạy đến đứng trước hai người, Yến đã nhào ra ôm chầm lấy nó, giọng gấp gáp:

- Bảo An, Bảo An của mẹ đây sao!

Thư gật đầu khi thằng bé đưa đôi mắt nhìn mình dò hỏi:

- Mẹ Yến của con đã trở về đấy.

Thằng bé không nói gì, ngoan ngoãn nép vào lòng mẹ. Hình như nó khóc. Yến ôm chặt thằng bé vỗ về:

- Mẹ xin lỗi, mẹ xin lỗi đã không về thăm con.

Yến đưa mắt nhìn Thư muốn nói điều gì đó mà ngập ngừng:

- Chị, em…

- Được rồi, em không phải nói nữa. Chị hiểu mà. Nhưng chỉ còn hơn tháng nữa là kết thúc năm học. Chị nghĩ thế này, em cứ để cho Bảo An học ở đây đã. Rồi hết năm học, xin rút hồ sơ để chuyển trường luôn. Em nghĩ sao?

Yến gật đầu, chẳng biết cô đang cười hay đang khóc nữa. Cô ôm thằng con hôn rối rít lên trán, lên má nó. Trong lòng cô trào lên một cảm giác biết ơn vô hạn. Nếu ngày đó không có Thư khuyên nhủ, giúp đỡ thì bây giờ cô sẽ phải ân hận biết nhường nào.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast