Bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình

Trung Quốc một lần nữa thể hiện rõ ý đồ khẳng định chủ quyền bất hợp pháp của họ đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trung Quốc vừa hoàn tất việc xây dựng một đường băng dành cho máy bay quân sự trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).

Hành động này cho thấy, Trung Quốc một lần nữa thể hiện rõ ý đồ khẳng định chủ quyền bất hợp pháp của họ đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Đặc biệt nghiêm trọng hơn, nước này đã cố tình giải thích và áp dụng sai Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 trong việc xác định đường cơ sở quần đảo Hoàng Sa, một quần đảo của Việt Nam, không phải là quốc gia quần đảo, nhằm xác định phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quần đảo này, cố tình tạo ra vùng chồng lấn, biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp.

Bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình ảnh 1
Kế hoạch xây dựng đảo Phú Lâm của Trung Quốc trên Quần đảo Hoàng Sa (Ảnh aninhthudo.vn)

Điều này đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, vi phạm trắng trợn quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Luật pháp quốc tế. Hành động pháp lý cũng là một biện pháp hòa bình.

Các nhà nghiên cứu quốc tế thống nhất cho rằng, hầu hết các đảo, đá, bãi cạn nửa nổi, nửa chìm ở quần đào này đều là những đảo, đá không thích hợp cho con người đến ở hay có đời sống kinh tế riêng, theo Điều 121 Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Chính vì thế, quần đảo Hoàng Sa không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng hoặc không thể được xem như một “quốc gia quần đảo” để dựa vào đó đòi hỏi, yêu sách thềm lục địa.

TS Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Ban Biên giới của Chính phủ, nay là Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao chỉ rõ, Trung Quốc đã cố tình áp dụng sai nội dung quy định tại điều 47 về quy chế “quốc gia quần đảo” của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 để biện minh cho yêu sách vô lý, đầy tham vọng của họ.

Công ước chỉ quy định cách vạch đường cơ sở thẳng cho quốc gia quần đảo, chứ không quy định cách vạch đường cơ sở thẳng cho các quần đảo, không phải là quốc gia quần đảo.

TS Trần Công Trục khẳng định, quần đảo Hoàng Sa không phải là quốc gia quần đảo, vì thế, không thể vạch ra hệ thống đường cơ sở để từ đó xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa cho quần đảo này.

Ông Trục nói: “Họ vận dụng Công ước nhưng lại rất sai. Công ước 1982 quy định, một quốc gia quần đảo có quyền quy định đường cơ sở bao quanh toàn bộ quần đảo và đảo của quốc gia quần đảo, phía ngoài có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đấy là đối với quốc gia quần đảo, còn chưa có điều khoản nào nói rằng, các quần đảo của quốc gia ven biển được phép quy định đường cơ sở bao quanh quần đảo đó”.

Theo ông Carlyle A. Thayer - Giáo sư Học viện Quốc phòng Australia, yêu sách này của Trung Quốc trái với Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đi ngược lại nhận thức chung của quốc tế và khu vực.

Ông Thayer nói: “Luật pháp quốc tế qui định rằng, các đảo nhỏ không có ảnh hưởng, không thể căn cứ vào đó để vạch vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nhưng Trung Quốc lại đang đòi hỏi một khoảng mặt nước rộng tính từ những đảo nhỏ và bãi đá ngầm đó. Điều này là không thể chấp nhận được đối với luật pháp quốc tế”.

Những đòi hỏi phi lý về chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa cùng những hành động hậu thuẫn phi pháp trên biển thời gian qua càng cho thấy rõ một mưu toan đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực nhằm độc chiếm Biển Đông; Vi phạm Tuyên bố Ứng xử của các Bên ở Biển Đông; Đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Ông Patrick Cronin - Giám đốc Chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ nhấn mạnh, Trung Quốc phải trả giá cho những hành động hung hăng, bất tuân luật pháp quốc tế.

Ông Patrick Cronin nói: “Chúng ta tiếp tục tìm kiếm giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp nhưng cũng cần cứng rắn để Trung Quốc thấy rằng, hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng bằng cưỡng ép vũ lực là không thể chấp nhận được”.

Trung Quốc từng tuyên bố: “Trước sau như một đi theo con đường phát triển hòa bình, kiên định theo đuổi chính sách ngoại giao hòa bình độc lập tự chủ”, “thực hiện trách nhiệm nước lớn” và “Trung Quốc phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền dưới bất cứ hình thức nào, vĩnh viễn không xưng bá, vĩnh viễn không bành trướng”.

Tuy nhiên, PGS. Jonathan D. London - Đại học Hongkong (Trung Quốc) cho rằng, Trung Quốc nói và làm rất khác nhau.

PGS. Jonathan D. London nói: “Để là một quốc gia có trách nhiệm, cần phải tuân theo luật pháp quốc tế. Rõ ràng, đây là điều mà Trung Quốc không thực hiện trong những năm gần đây. Trung Quốc đã nói đến việc trỗi dạy một cách hòa bình nhưng tôi nghĩ là không thể vì Trung Quốc đang áp dụng chính sách ngoại giao pháo hạm”.

GS. Jerome Cohen - Chủ tịch Viện Luật pháp Hoa Kỳ - Châu Á, Đại học Luật New York cho rằng, Việt Nam nên nhờ đến các cơ quan tài phán quốc tế.

Ông Jerome Cohen nói: “Tôi cho rằng, đưa vụ việc ra giải quyết theo luật pháp quốc tế sẽ tốt cho Việt Nam. Cần sử dụng pháp luật quốc tế làm vũ khí phòng thủ của mình. Việt Nam có sức mạnh của lý lẽ. Việt Nam sẽ giành được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế”.

Việt Nam có thể khởi kiện Trung Quốc về việc: Giải thích, áp dụng sai Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và hành động sử dụng vũ lực xâm chiếm lãnh thổ, chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, vi phạm Hiến chương Liên Hợp quốc, vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam.

Vấn đề đặt ra là Việt Nam có thể khởi kiện Trung Quốc ra trước các cơ quan tài phán quốc tế nào?

Các loại tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, về phân định biên giới, ranh giới biển, thềm lục địa, phân chia lợi ích kinh tế, tài nguyên biển không nằm trong phạm vi giải quyết của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Chỉ có Toà án Quốc tế mới có thẩm quyền về vấn đề này.

Muốn được Toà án này thụ lý hồ sơ và tiến hành xét xử, phải có sự thoả thuận bằng văn bản của các bên liên quan.

Đối với quần đảo Hoàng Sa, vì muốn né tránh việc sử dụng luật pháp quốc tế do yếu thế về cơ sở pháp lý, chắc chắn, Trung Quốc không chấp nhận.

Tuy nhiên, Trung Quốc không thể thoát khỏi sự ràng buộc pháp lý trong giải quyết tranh chấp bằng cơ chế trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Đây là một thiết chế tài phán mang tính bắt buộc khi các bên không đạt được thỏa thuận. Ngay cả khi Trung Quốc tuyên bố không tham gia vụ kiện, Tòa án Trọng tài vẫn được thành lập và các thủ tục xét xử vẫn được tiếp tục. Điều 9 Phụ lục VII của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 quy định, sự vắng mặt hay không thực hiện quyền phản tố của một bên không ảnh hưởng đến thủ tục tố tụng và phán quyết của Hội đồng trọng tài.

Philippines đã kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài. Mặc dù Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện bằng việc gửi thông báo tới Philippines và Tòa án Trọng tài thường trực, bác bỏ thẩm quyền tài phán của Hội đồng trọng tài. Tuy nhiên, quá trình pháp lý vẫn diễn ra.

Một Ủy ban Trọng tài đã được chỉ định và triệu tập. Phán quyết của Hội đồng trọng tài sẽ là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng, có ý nghĩa xác định các quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia ven biển.

Vì vậy, trong trường hợp, phán quyết của tòa có lợi cho Philippines nhưng Trung Quốc không tuân thủ phán quyết, nước này sẽ bị công luận quốc tế lên án.

Như vậy, Việt Nam có thể đơn phương khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài về việc nước này giải thích và áp dụng sai Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Theo Luật sư Tạ Văn Tài - nguyên giảng viên và hiện là nghiên cứu viên Trường Luật thuộc Đại học Harvard, Hoa Kỳ thì việc khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài sẽ hạn chế nước này gây hấn, tuyên bố yêu sách vô lý, không tuân thủ luật pháp quốc tế như hiện nay.

Luật sư Tạ Văn Tài nói: “Chúng tôi muốn Trung Quốc trở về nguyên tắc pháp trị trong bang giao quốc tế, xứng đáng là cường quốc tốt lành. Cường quốc tốt lành thì không bắt nạt nước nhỏ”.

Tuy nhiên, GS Erik Franckx - Thành viên Tòa trọng tài thường trực Lahaye, tòa án mà Philippines vừa nộp hồ sơ kiện Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc nên đàm phán với Việt Nam để giữ được hòa bình, ổn định và quan hệ giữa hai nước.

GS Erik Franckx nói: “Nếu tình hình tiếp tục như hiện nay sẽ rất khó khăn cho cả hai bên. Rõ ràng, trong tình hình như thế này, Trung Quốc rất khó có thể bắt đầu khai thác khoáng sản ở Biển Đông. Nếu Trung Quốc mong muốn giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng, giải pháp chỉ có thể là dựa trên thương lượng giữa hai bên hoặc giải quyết thông qua một bên thứ ba nếu như hai bên không thể tự giải quyết được với nhau”.

Thời gian qua, Việt Nam đã có những bước đi hết sức đúng đắn, nỗ lực kiềm chế xung đột và tiến hành trao đổi song phương với Trung Quốc; đồng thời, thông qua các kênh ngoại giao đa phương, bày tỏ quan điểm và chủ trương nhất quán của Việt Nam, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có tính đến phương án đấu tranh pháp lý.

Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24, Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, đàm phán với Trung Quốc trên cơ sở luật pháp quốc tế luôn là lựa chọn hàng đầu của Việt Nam.

Thủ tướng nêu rõ: “Việt Nam luôn chân thành mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của Khu vực và Thế giới. Song, Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với Luật pháp quốc tế”.

Khi Trung Quốc trắng trợn xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam qua việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước ta, Việt Nam đã nhiều lần chủ động điện đàm với Trung Quốc. Đấy là những cử chỉ thể hiện tinh thần hòa hiếu, tôn trọng hòa bình. Những hành động đó thể hiện Việt Nam không bao giờ muốn quan hệ Việt – Trung trở nên căng thẳng, phức tạp.

Đó là cách hành xử của một dân tộc văn minh, yêu chuộng hòa bình và công lý. Thái độ và cách ứng xử ấy đã thể hiện được tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhiều lần thực hiện và căn dặn: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Với tư cách là một thành viên của Liên Hợp Quốc, thành viên của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam chủ trương giải quyết những căng thẳng trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đó là nuyện vọng của nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc, phù hợp với các nguyên tắc của Luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp quốc, phù hợp với lợi ích của hoà bình, ổn định và hợp tác ở Đông Nam Á, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.

Là một trong 5 nước uỷ viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Trung Quốc càng phải tôn trọng và thực hiện Hiến chương Liên Hợp quốc.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast