Thời của các doanh nghiệp tài chính tiêu dùng

Với “dân số vàng”, văn hóa và lối sống của người dân thay đổi, đời sống được nâng cao, thị trường vay tiêu dùng ngày càng có nhiều cơ hội nở rộ. Vì thế, đây là thời cơ để các công ty tài chính phát triển mạnh mẽ hơn.

thoi cua cac doanh nghiep tai chinh tieu dung

Các công ty tài chính hiện có nhiều lợi thế trên thị trường. Ảnh: S.T.

Dư địa lớn

Theo nghiên cứu của Viện Quản trị kinh doanh, trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), cả nước hiện có 15 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép, còn lại là các công ty tài chính không được cấp phép, các công ty tài chính Fintech (các công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ).

Hiện nay, bên cạnh việc thành lập công ty tài chính trực thuộc ngân hàng thương mại, với xu thế phát triển hiện nay, đã có một số tổ chức tài chính nước ngoài đầu tư vào hệ thống cầm đồ hiện đại với các hoạt động cho vay tiêu dùng như một công ty tài chính.

Theo ông Hoàng Minh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế, Công ty Tài chính TNHH MTV MB, hành vi tiêu dùng của người Việt Nam đã thay đổi khá nhiều so với 5 năm trước đây, nhu cầu của người tiêu dùng là cần những khoản vay nhanh chóng, 15-20 phút là phê duyệt xong khoản vay. Hơn nữa, các khoản vay tiêu dùng thường nhỏ lẻ, khách hàng có mức thu nhập thấp nên không đủ điều kiện vay vốn tại ngân hàng thương mại. Do đó, cơ chế cho vay phải đơn giản, phải có hệ thống thẩm định chuyên nghiệp… Đây là mô hình mà các công ty tài chính đáp ứng tốt hơn ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, cùng với sự “nở rộ” từ nhu cầu thị trường, các công ty tài chính ngày càng nhận được sự quan tâm đúng mức từ cơ quan điều hành khi hành lang pháp lý được hoàn thiện chặt chẽ hơn, tiêu biểu nhất là việc NHNN ban hành Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính vào cuối năm 2016 sau nhiều năm lấy ý kiện dự thảo, với những điều khoản nhằm đảm bảo cho hoạt động minh bạch, lãi suất hợp lý, quy định rõ quyền và trách nhiệm của người đi vay và cho vay.

Nói về vấn đề này, ông Đinh Văn Chiến, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho rằng, khung pháp lý đã quy định cụ thể, tạo cơ sở để các công ty tài chính phát triển mạnh hơn. Ví dụ như yêu cầu ngân hàng muốn làm cổ đông sáng lập của công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính phải có tổng tài sản tối thiểu 100.000 tỷ đồng, trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định. Điều này có thể là rào cản nhưng cũng là điều kiện giúp quy mô hoạt động của các công ty tài chính lớn hơn, bền vững hơn.

Theo các chuyên gia, Việt Nam là nước đang phát triển, dân số trẻ nhưng hoạt động cho vay tiêu dùng vẫn chiếm tỉ lệ thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Do vậy, dư địa để ngành này tiếp tục phát triển là rất lớn. Đặc biệt, với sự phát triển của khoa học công nghệ cũng những phương thức tương tác hiện đại, các công ty tài chính càng có khả năng “len lỏi” tới nhiều bộ phận khách hàng. Ông Đinh Văn Chiến cho biết, đối tượng chủ yếu mà vay tiêu dùng hướng tới là thế hệ trẻ, đối tượng này có số lượng lớn, chủ yếu sử dụng các thiết bị công nghệ thông minh, Internet… nên các công ty tài chính đã và đang tìm ra các hướng tiếp cận mới như qua điện thoại di động, mạng xã hội, trực tuyến. Hơn nữa, các công ty tài còn bám sát theo trào lưu của giới trẻ về công nghệ, du lịch… để đưa ra những gói dịch vụ hấp dẫn.

Còn rào cản

Mặc dù vậy, với tâm lý thích “tiền tươi, thóc thật”, người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào các công ty tài chính do trước đây đã bị nghe quá nhiều tác hại của “tín dụng đen” hay những công ty tài chính phi pháp cùng những quy định pháp lý… khiến hoạt động của các công ty tài chính vẫn còn rào cản. Nói về khó khăn của các công ty tài chính, ông Hoàng Minh Tuấn cho hay, các công ty tài chính muốn phát triển thì phải mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ, nhưng do khó khăn về nguồn vốn, nên nhiều công ty khó thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định của NHNN. Vì thế, không ít công ty phải hoạt động “chui” nhưng vẫn ký kết hợp đồng với khách hàng bình thường.

Bên cạnh đó, mặc dù hành lang pháp lý được nhận xét là đầy đủ, nhưng vẫn còn không ít quy định gây khó khăn cho các công ty tài chính. Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, nhiều quy định trong hệ thống pháp luật chưa rõ ràng để đảm bảo cạnh tranh, ví dụ như: Khái niệm cho vay tiêu dùng còn mập mờ; chưa có sự khác biệt về lãi suất giữa tổ chức tín dụng và công ty tài chính dưới dạng chuỗi hệ thống cầm đồ (tổ chức tín dụng không giới hạn lãi suất, nhưng các công ty tài chính dưới dạng cầm đồ lại bị áp dụng không quá 20%/năm), điều này khiến thị trường chưa tạo được sự cạnh tranh, tạo điều kiện cho công ty tài chính phát triển. Hơn nữa, việc xử lý tài sản thế chấp của công ty tài chính đều theo quy định chung, trong khi rõ ràng, vay tiêu dùng có tiêu chí và phương thức khác với hình thức vay vốn sản xuất, kinh doanh.

Hơn nữa, ông Đinh Văn Chiến cho hay, mô hình hoạt động của các công ty tài chính phải khác với ngân hàng thương mại, phải đảm bảo tìm kiếm được nhiều khách hàng nhất, đảm bảo việc thu hồi nợ khách hàng để phù hợp với đạo đức và pháp luật, đảm bảo chi phí hoạt động thấp nhất… Chính vì thế, khi thị trường phát triển, các công ty tài chính cũng phải thay đổi, tìm ra phương thức tiếp cận thông tin khách hàng tốt nhất.

Có thể thấy, các công ty tài chính hiện có nhiều lợi thế trên thị trường. Do đó, cùng với nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, vay tiêu dùng được dự báo sẽ trở thành trào lưu rất mạnh trong thời gian tới. Vì vậy, các công ty tài chính phải tìm được cách khắc phục khó khăn, vượt qua rào cản để vươn lên.

Theo baohaiquan.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast