Kỳ bí đền thiêng

(Baohatinh.vn) - Theo ông Lưu Văn Khâm (67 tuổi), người có “thâm niên” bảo quản, trông coi đền Trầm Lâm gần 12 năm nay thì sự hình thành đền thiêng này gắn liền với câu chuyện huyền bí xa xưa.

Sự tích đền thiêng

Cuối thế kỷ thứ XIV, khi triều đình phong kiến nhà Trần suy vong, nhà Hồ lên thay, nhà Minh mượn cớ “phù Trần diệt Hồ” xâm lược nước ta. Nhân dân lâm vào cảnh nô lệ lầm than. Nhằm giúp nhân dân thoát khỏi nạn giặc xâm lăng, thiên đình đã sai một vị tiên nữ xuống trần gian ra tay nghĩa hiệp. Sau khi đánh tan giặc Minh, vị tiên nữ này không bay về trời mà tiếp tục ở lại trần gian, phù trợ con người.

Đền Trầm Lâm tọa lạc tại xã Phú Gia

Đền Trầm Lâm tọa lạc tại xã Phú Gia

Tương truyền, trong một lần đi lạc vào rừng, một cụ già ở làng Âu Sơn (nay là xã Phú Gia, Hương Khê) nhìn thấy từ xa, ẩn trong sương mờ có một hồ nước nhỏ và chiếc thuyền độc mộc. Đứng trên thuyền là một người phụ nữ tóc trắng, mặc quần áo màu xanh. Khi cụ già tiến lại gần thì người phụ nữ và thuyền độc mộc đột nhiên biến mất. Quá hoảng sợ, cụ già chạy về làng báo lại sự việc cho các bô lão và dân chúng trong làng. Lúc mọi người chạy đến xem thì hiện trường chỉ còn lại một hồ nước rộng chừng 3 sào, nước trong xanh, sâu thẳm, linh khí rùng rợn.

Sau khi họp bàn và xin âm dương, bô lão và người dân trong làng Âu Sơn quyết định dựng trên bờ hồ một cái miếu nhỏ. Trong miếu có điện thờ và tấm bảng mộc khắc dòng chữ: “Thánh Mẫu Trầm Lâm Kiêm Lục Quốc Thanh Y Diệu Ngọc Thiên Thần” (sau này người dân quen gọi là đền Đức Thánh Mẫu Trầm Lâm hoặc đền Trầm Lâm). Một điều lạ, từ khi người dân lập miếu, hương khói thờ phụng, nước trong hồ trở nên tinh khiết, xuất hiện nhiều rùa, cá bơi lượn. Cũng từ đó, dân chúng Âu Sơn được trời phù hộ, ít ốm đau, trâu đầy đàn, lúa đầy bồ. Hiện nay, vào những ngày lễ trọng đại, người dân hai làng Âu Sơn (Phú Gia) và Chi Nại (nay là xã Gia Phố), đều tập trung tại đền thiêng Thánh Mẫu Trầm Lâm để hương khói, cầu nguyện.

Đền thờ Đức Thánh Mẫu Trầm Lâm bây giờ được tu bổ nhiều. 20 cột trụ và toàn bộ mái trần được lắp đặt bằng gỗ lim quý rất vững chắc, toát lên vẻ cổ kính, sang trọng. Phía chính diện đền là một hồ nước nhỏ hình bán nguyệt đường kính khoảng 40m. Thành hồ cao khoảng 1,5m, được tạo nên bởi một lớp đá ong viền tự nhiên rất đẹp. Cụ Trần Kim Tăng (86 tuổi, xã Phú Gia), cho biết: từ lâu, người dân địa phương vẫn quen gọi hồ bằng một cái tên khác là “giếng không đáy”. “Giếng không đáy” có đặc điểm là rất sâu, chưa ai có thể lặn xuống chạm đáy. Đặc biệt, nước trong xanh biếc, màu nước thay đổi theo bốn mùa, dù đại hạn lâu ngày vẫn chưa lúc nào vơi, vào mùa lũ lụt mực nước chỉ cao thêm một gang tay.

Cũng theo cụ Tăng, vì giếng sâu kỳ lạ và rất thiêng nên từ trước, đã có nhiều du khách trong, ngoài nước tới tham quan ngoạn cảnh. Vào năm 1895, có một “ông Tây” cưỡi ngựa mang dây đến cột vào đầu một hòn đá để đo độ sâu của giếng. Hòn đá kéo hết cuộn dây dài hàng trăm mét nhưng vẫn chưa tới đáy giếng. “Ông Tây” sau đó ra về và hứa lần sau tới sẽ chắp thêm dây để tiếp tục đo nhưng mãi vẫn không thấy trở lại. Tiếng lan truyền “giếng không đáy” cũng có từ đó.

Theo cụ Trần Đình Chư (93 tuổi, trú xã Phú Gia), bên cạnh những câu chuyện hư hư thực thực mà dân gian lưu truyền, đền Trầm Lâm là chứng tích cách mạng qua các thời kỳ. Từ 1930-1931, đền Trầm Lâm là cơ sở của Chi bộ Đảng Cộng sản xã Phú Gia. Từ 1965-1972 là điểm dự trữ quân lương phục vụ chiến trường miền Nam. Năm 1968, không quân Mỹ đã oanh tạc khu vực này và phá hoại cảnh quan tự nhiên của đền. Vào năm 2002, đền được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích cấp quốc gia và hiện nay đang được Nhà nước tiếp tục đầu tư, tôn tạo.

Truyền thuyết và bảo vật của vua Hàm Nghi

Cụ Trần Kim Tăng - người biết rõ lịch sử về vua Hàm Nghi cho biết: Tháng 9/1885, đoàn người của vua Hàm Nghi đi từ Lào, men theo con đường độc đạo Quỳ Hợp về đến đất Hà Tĩnh. Tại đây, sau khi ban chiếu Cần vương lần thứ 2 (19/9/1885), buổi tối ngày tiếp theo, vua ngủ lại một đêm ở đền Trầm Lâm rồi sau đó vào vùng núi Quảng Bình (giáp ranh với Hà Tĩnh), xây dựng lực lượng chống Pháp.

Một số bảo vật vua Hàm Nghi ban tặng cho đền

Một số bảo vật vua Hàm Nghi ban tặng cho đền

Cụ Tăng cũng khẳng định, câu chuyện được người dân lưu truyền, trong đêm ngủ lại đền Trầm Lâm, vua Hàm Nghi đã được Đức Thánh Mẫu (nữ thần tiên) báo mộng là có thật một trăm phần trăm.

“Tối hôm đó, trời không sao, không trăng, vua không ngủ được, nhưng khi vừa chợp mắt thì Đức Thánh Mẫu hiện về báo mộng rằng: Đất này là đất của vua, vua ở đâu cũng được, nhưng hiện bọn giặc quỷ (giặc Pháp) đang đưa quân vây ráp, truy bắt vua. Mong vua hãy định liệu ngay. Đến đó, vua Hàm Nghi liền tỉnh giấc, truyền cho Tôn Thất Thuyết và các triều thần chuẩn bị sắc phong, các lễ vật quý để vua vào tạ lễ tại đền Trầm Lâm. Sáng hôm sau, vua ban sắc phong cho Đức Thánh Mẫu đền Trầm Lâm chức: “Thượng thượng đẳng tối linh thần”, kèm theo những bảo vật quý: một tấm vi bố (áo bào có gắn 35 con lục lạc bằng đồng); áo mũ triều thần 8 bộ; cờ lộng, quạt 20 chiếc; hai thanh kiếm lưỡi sắt có cán gỗ chạm hình rồng phượng sơn son thếp vàng và đặc biệt là có 2 con voi bằng vàng ròng và một con voi khác bằng đồng”.

Ngoài cụ Tăng, qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi được nghe nhiều bô lão ở xã Phú Gia, có nhiều năm làm công tác bảo quản đền Trầm Lâm kể lại câu chuyện tương tự như trên rất ly kỳ, bí ẩn. Ông Lưu Văn Khâm (67 tuổi), người đã có “thâm niên” trông coi, bảo quản đền Trầm Lâm từ 12 năm nay, cho biết: Hai con voi bằng vàng ròng của vua Hàm Nghi ban tặng có những đặc điểm lạ và rất thiêng. Một con nặng 2,7 lượng, con voi nhỏ hơn nặng 1,7 lượng. Hiện nay, hai bảo vật này đang được cố đạo (người được nhận nhiệm vụ lưu giữ bảo vật của vua) cất giữ cẩn thận.

Dù đã trải qua 128 năm với bao biến cố thăng trầm, bảo vật voi vàng vua ban vẫn còn nguyên vẹn là vì ý thức bảo vệ, gìn giữ của người dân Phú Gia tốt. Từ trước tới nay, theo quy định của ban bảo vệ đền Trầm Lâm (gồm 12 người), cứ 2 năm bầu lại cố đạo mới một lần. Cố đạo phải là người có uy tín trong xã, có đạo đức, phẩm chất tốt, gia đình sống đoàn kết và đặc biệt là phải được thần linh “tín nhiệm”. Nếu xem quẻ âm dương, hai đồng xu cùng ngửa hoặc cùng sấp, tức là thần linh không “tín nhiệm”, trong trường hợp này, người được giữ hai con voi vàng của vua vẫn là cố đạo cũ. Còn nếu 2 đồng sấp ngửa thì sẽ có cố đạo mới. Cố đạo mới có trách nhiệm đưa hai con voi vàng cùng những bảo vật khác của vua ban về lưu giữ cẩn thận tại gia đình.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, bên cạnh ý thức bảo vệ cổ vật quý, hai con voi vàng đến nay vẫn không bị mất cắp, thất lạc là vì bảo vật này rất thiêng, gắn liền với những câu chuyện ly kỳ, bí ẩn mà đến nay người dân xã Phú Gia vẫn hay kể cho nhau nghe.

Chuyện kể rằng, vào năm 1934, một cố đạo được giao trọng trách lưu giữ bảo vật. Nhưng vì lòng tham lam, người này đã mang một trong hai con voi vàng sang Lào đổi lấy 10 con trâu, bò. Trên đường chăn trâu bò trở về nhà, đến núi Chân Trụt (nay là xã Hương Vĩnh), người này đã bị trâu húc chết. Sau đó, khi nghe tin chẳng lành, người dân Lào được đổi trâu, bò lấy voi vàng không dám giữ lại bảo vật bên mình, đưa voi vàng trả lại cho đền Trầm Lâm. Sau lần ấy, những người dân trong xã Phú Gia, đặc biệt là những cố đạo được giao nhiệm vụ lưu giữ bảo vật không một ai dám làm sai.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast