Đã có phương án giảm thiểu thiệt hại khi đổi mã vùng điện thoại cố định

Để cứu dịch vụ di động trước nguy cơ “cháy số” khi mà thuê bao di động cùng cần các thiết bị kết nối thông minh khác đăng tăng trưởng mạnh, Bộ TT&TT đã phải quy hoạch lại kho số để lấy đầu số cố định sử dụng cho dịch vụ di động.

Đầu số số định sẽ “chữa cháy” do di động

Theo số liệu tổng kết của Bộ TT&TT, đến cuối năm 2014 Việt Nam có 138,6 triệu thuê bao di động. Với con số này, Việt Nam có mật độ thuê bao di động là 140 thuê bao/100 dân. Bộ đã cấp hơn 200 triệu số thuê bao cho các doanh nghiệp di động. Trên thực tế sẽ chỉ sử dụng khoảng 65 - 70% kho số đã cấp ra vì luôn phải có số SIM trên kênh phân phối, SIM phải thu hồi để tái sử dụng…

Mặc dù nhu cầu phát triển thuê bao mới của người dùng đang dần bão hòa thế nhưng, nhu cầu kết nối với các thiết bị thông minh rất lớn như công tơ điện tử, ô tô, nhà thông minh, điều hòa... Theo một nghiên cứu của hãng Cisco, vài năm tới mỗi người sẽ có 5 thiết bị kết nối. Như vậy, kho số hiện nay sẽ không đáp ứng được với sự phát triển này.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, trước đây trong quy hoạch kho số thì có tới 7 đầu số được dành cho dịch vụ điện thoại cố định và chỉ có 2 đầu số dùng cho di động. Thế nhưng, với việc suy thoái của điện thoại cố định hiện nay thì thuê bao điện thoại cố định chỉ chiếm khoảng 5%, còn thuê bao di động chiếm tới khoảng 95% tổng số thuê bao điện thoại của Việt Nam.

Vì vậy, Bộ TT&TT đã phải tính toán đến yếu tố quy hoạch lại kho số, nhưng ít ảnh hưởng nhất đến khách hàng. Theo đó, Bộ TT&TT sẽ dành 8 đầu số dùng cho di động, chỉ còn 1 đầu số dùng cho dịch vụ cố định. Như vậy, bắt buộc phải thay đổi mã vùng điện thoại cố định. Với quy hoạch mới này sẽ có khoảng 540 triệu số thuê bao di động 10 số, đủ để cung cấp cho mỗi người dân trung bình là 6 thuê bao.

Đã có phương án giảm thiểu thiệt hại khi đổi mã vùng điện thoại cố định ảnh 1

Dùng đầu số cố định để "chữa cháy" cho thuê bao di động

Ông Trần Mạnh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Viễn thông của Bộ TT&TT cho biết, công nghệ và dịch vụ viễn thông phát triển rất nhanh chóng, vì vậy luôn luôn có những công nghệ mới, những dịch vụ mới được cung cấp đến người sử dụng. Tài nguyên kho số viễn thông phải đáp ứng theo. Về lý thuyết có 2 cách: một là sử dụng ngay từ đầu rất nhiều chữ số ví dụ 15 chữ số cho một số thuê bao, như vậy thì ít khả năng phải đổi số vì còn nhiều số dự phòng cho các công nghệ và dịch vụ mới phát sinh; cách thứ hai là sử dụng ít hơn số chữ số cho thuê bao và khi cần thì tiến hành đổi số, khi đó người dân phải đổi thẻ card visit, in ấn lại danh bạ….

Cách thứ nhất thì người sử dụng phải bấm rất nhiều chữ số mỗi lần gọi điện thoại, tổng thời gian toàn xã hội mất rất nhiều, chưa nói đến việc xử lý của hệ thống viễn thông cũng tăng lên. Điều này là không cần thiết, gây lãng phí lớn cho toàn xã hội. Trên thế giới không có quốc gia nào lựa chọn cách này, kể cả những quốc gia có số dân ít.

Vì vậy, tất cả các quốc gia đều chọn cách thứ hai. Vấn đề là ở chỗ làm sao tối ưu hóa lợi ích của toàn xã hội, giữa việc lãng phí thời gian toàn xã hội khi bấm nhiều chữ số không cần thiết với việc mỗi lần đổi số người dân phải thay đổi địa chỉ giao dịch, in ấn lại card visit… và đặc biệt là giảm thiểu việc gián đoạn thông tin liên lạc. Trên thế giới, trung bình khoảng 10 năm, một số thuê bao phải đổi số một lần. Đó có thể là phương án tối ưu theo thông lệ quốc tế.

Tại Việt Nam, đã đổi số 2 lần, năm 1996 kéo dài số thuê bao cố định và năm 2008 có việc đổi một số số thuê bao cố định cho nhiều doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng. Tuy nhiên, hệ thống mã vùng nội hạt chưa thay đổi lần nào, chỉ có mở rộng (thêm 0, 1) khi tách tỉnh. Trong thời gian tới (từ nay đến 2020, việc đổi mã vùng và một số thuê bao di động đầu 01xx cũng sẽ dần dần đổi số về đầu 10 chữ số). Như vậy tình hình ở Việt Nam cũng không khác lắm so với thế giới.

Đã có giải pháp để giảm thiểu thiệt hại cho người sử dụng

Với việc quy hoạch kho số mới sẽ phải tiến hành đổi mã vùng điện thoại cố định. Việc quy hoạch này sẽ đồng nhất lại hệ thống mã vùng cố định. Phương án đổi mã vùng sẽ chỉ sử dụng một đầu 2 cho các mã vùng cố định bình thường (ngoại trừ mã mạng cố định của Công an, Quốc phòng). Các tỉnh gần nhau sử dụng mã gần nhau, ví dụ 20x cho các tỉnh vùng Tây Bắc, 21x cho các tỉnh vùng Đông Bắc, 24 cho Hà Nội và 28 cho TP Hồ Chí Minh, từ 22x, 23x… cho các vùng khác nhau trên cả nước.

“Quy hoạch mã vùng điện thoại cố định mới này sẽ làm cơ sở để tiến tới chỉ còn lại 10 vùng cước nội hạt trên phạm vi toàn quốc. Tình hình hiện giờ chưa cho phép thực hiện ngay điều này vì nếu làm ngay, sẽ phải tăng giá cước nội hạt lên khá cao thì mới bù đắp được chi phí cung cấp dịch vụ và khi đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng của người dân, nhất là người nghèo ở vùng nông thôn, miền núi”, ông Trần Mạnh Tuấn nói.

Ông Trần Mạnh Tuấn còn cho biết, quy hoạch mới cho phép sử dụng 5 đầu số của dịch vụ cố định chuyển sang cho dịch vụ di động như 03x,04x,05x,07x,08x để đảm bảo sử dụng hiệu quả hơn kho số viễn thông. Khi thực hiện quy hoạch này, thì việc gọi dịch vụ cố định nội hạt không bị ảnh hưởng gì vì chỉ thay đổi mã vùng chứ không thay đổi số thuê bao điện thoại. Khi thực hiện quy hoạch thì các số đầu 09x hiện nay như 091, 098, 090… vẫn được giữ nguyên không cần đổi số. Tuy nhiên, đầu số 11 số hiện nay như 0166, 0188, 0199… sẽ dần dần chuyển về các đầu khác còn lại như: 03x, 04x, 05x, 07x, 08x.

Theo ông Trần Mạnh Tuấn, khi thực hiện quy hoạch, cho dù Bộ TT&TT đã chọn giải pháp ít ảnh hưởng nhất đến người sử dụng, nhưng vẫn sẽ có những tác động nhất định. Vì vậy, trong quá trình thực hiện quy hoạch, Bộ TT&TT cùng các doanh nghiệp viễn thông đã có các giải pháp giảm thiểu việc gián đoạn thông tin liên lạc như cho phép quay số song song và phát âm thông báo... trong thời gian ít nhất là 60 ngày. Ngoài ra, việc tuyên truyền trước kế hoạch thực hiện đổi số thuê bao di động và chuyển mã vùng điện thoại cố định sẽ phải thông báo đến khách hàng ít nhất 60 ngày sẽ giúp giảm thiệt hại cho người sử dụng ví dụ khi in card visit, in trên bao bì, biển hiệu...

Theo Thái Khang/ictnews.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast