Bao giờ Hà Tĩnh có nhà bảo tàng?

(Baohatinh.vn) - Hiện nay, hệ thống bảo tàng tỉnh trên cả nước hầu như đã được đầu tư rất quy mô, hiện đại ngang tầm quốc gia. Thậm chí, nhiều địa phương cấp huyện còn có cả nhà trưng bày bảo tàng chuyên ngành hoạt động rất hiệu quả.

Trong khi ở Hà Tĩnh suốt hơn 25 năm qua, một khối lượng hiện vật gốc bảo tàng - kho báu vô giá, biểu tượng của tinh hoa văn hóa xứ Hồng Lam vẫn đang nằm “đắp chiếu” chỉ vì không có nhà trưng bày.

Kho báu Hồng Lam

Chiều mùa hạ oi nồng, chúng tôi đội nắng tiếp cận cơ ngơi Bảo tàng Hà Tĩnh nằm trong khuôn viên Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (đường Nguyễn Tất Thành, TP Hà Tĩnh). Ngôi nhà nhỏ 2 tầng “nêm chặt” cả người lẫn hiện vật. Ngoài trời nắng như đổ lửa. Trong nhà, gian phòng chật hẹp vừa là hội trường cơ quan, vừa là nơi làm việc của cán bộ, nhân viên, chồng chất đủ thứ tài liệu, hiện vật càng trở nên ngột ngạt.

bao gio ha tinh co nha bao tang

Hơn 10 năm qua, súng thần công - báu vật quốc gia được đặt ở hành lang nhà kho bảo quản hiện vật.

Theo chân Giám đốc Nguyễn Trí Sơn, chúng tôi tham quan một vòng qua các kho bảo quản hiện vật. Mùi hóa chất khử khuẩn pha lẫn mùi ẩm mốc bốc lên từ các hiện vật gốc thật khó chịu. Lần theo các cổ vật chồng chồng, lớp lớp trong kho bảo quản đang có dấu hiệu bị nấm mốc, chúng tôi càng chạnh lòng với các thế hệ ông cha trước đây. Với bề dày lịch sử hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã để lại cho các thế hệ con cháu Hồng Lam hôm nay cả một hệ thống di sản văn hóa cổ vô giá. Vậy mà, giờ đây, chúng chưa thể đưa ra trưng bày, quảng bá để tự hào với bạn bè trong nước và quốc tế.

Theo ông Sơn, tính đến nay, toàn tỉnh có 76 khu lưu niệm, di tích cấp quốc gia, 2 di tích quốc gia đặc biệt; 394 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, hiện nay, Bảo tàng Hà Tĩnh đang lưu giữ, bảo quản tại kho hơn 8.000 hiện vật gốc có niên đại từ hơn 4.000 năm trở lại nay. Đặc biệt, nhiều hiện vật quý hiếm, có giá trị như bộ hài cốt người Việt cổ có niên đại 4.450 năm; bộ sưu tập súng thần công có niên đại tuyệt đối vào năm 1821 (thuộc triều vua Minh Mạng); bộ mộc bản Phúc Giang thư viện vừa được công nhận Di sản ký ức thế giới, bộ sưu tập các ngành nghề truyền thống; nhiều kỷ vật chiến tranh qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và nhiều bộ sưu tập, sắc phong của các triều đại Lê, Nguyễn có giá trị văn hóa lịch sử cao.

Hà Tĩnh còn là một địa chỉ mang đậm dấu ấn văn minh của người Việt cổ. Nhiều hiện vật quý thời tiền sử từng được phát hiện tại các khu di chỉ khảo cổ học Thạch Lạc (Thạch Hà), Phôi Phối - Bãi Cọi (Nghi Xuân) với nhiều mẫu hiện vật của người sơ sử được chế tác bằng các chất liệu đồ đá, đồ đồng, đồ gốm, sứ, sách cổ, trang phục cổ các dân tộc.

Trong đó, có những bộ sưu tập cổ vật quý hiếm như trống đồng các loại và thạp đồng, đỉnh đồng, mũi tên, rìu, chuông, chì lưới… được chế tác tinh xảo với nhiều hình dáng, chủng loại phong phú, họa tiết trang trí nghệ thuật đặc sắc được người Việt cổ trên vùng đất Lam Hồng sáng tạo cách nay hàng ngàn năm liên quan mật thiết với các nền văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh của quốc gia.

Ông Lê Bá Hạnh - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh chia sẻ: “Trong điều kiện nóng, ẩm của khí hậu nhiệt đới ở tỉnh ta, hiện vật cổ rất dễ bị hủy hoại. Đặc biệt, các hiện vật văn hóa truyền thống, tư liệu giấy, phim ảnh, trang phục hay ẩm mốc (do đang bảo quản theo hình thức thủ công), nếu không có hệ thống bảo quản đạt yêu cầu thì nguy cơ giảm “tuổi thọ” là khó tránh khỏi”.

Một đề án 3 năm còn dang dở!?

Ngày 7/1/2011, UBND tỉnh có Công văn số 83/UBND-VX đồng ý chủ trương lập dự án xây dựng bảo tàng; tiếp đó, Tỉnh ủy có Thông báo 340/TBTU ngày 19/9/2013 đồng ý triển khai chuẩn bị xây dựng Bảo tàng tỉnh. Ngày 26/11/2013, UBND tỉnh đã có Công văn số 4507/UBND-VX giao Sở VH-TT&DL là đơn vị chủ đầu tư phối hợp với các ngành chức năng liên quan để lập đề án và các nội dung liên quan chuẩn bị đầu tư Bảo tàng tỉnh.

bao gio ha tinh co nha bao tang

Hiện vật xếp ngổn ngang trong kho bảo quản tạm bợ

Triển khai chủ trương của tỉnh, ngày 28/11/2013, Sở VH-TT&DL đã trực tiếp ký hợp đồng với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa trực tiếp tư vấn, khảo sát lập đề án xây dựng bảo tàng. Ngày 10/11/2015, tại buổi làm việc với các ngành liên quan và đơn vị tư vấn thiết kế để nghe báo cáo đề án xây dựng Bảo tàng Hà Tĩnh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiện yêu cầu: Đơn vị tư vấn cần bổ sung, hoàn thiện nội dung dự án xây dựng Bảo tàng Hà Tĩnh, nghiên cứu các loại hiện vật và cách thức trình bày để tính toán kinh phí cụ thể, bổ sung quy hoạch về vị trí, diện tích để có kiến trúc cụ thể vừa trước mắt, vừa lâu dài, hiện đại và hài hòa.

Từ đó đến nay, chúng tôi đã nhiều lần trực tiếp gặp Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Đức Hạnh tìm hiểu việc hoàn thiện đề án và triển khai dự án. Tuy nhiên, Giám đốc Bùi Đức Hạnh chỉ nói duy nhất một câu: “Hiện nay đang nhờ Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa tư vấn, lập đề án”. Qua một số văn bản của tỉnh, quy trình thủ tục xây dựng nhà Bảo tàng tỉnh đã rất rõ ràng, đầy đủ. Đến nay đã 2 năm rưỡi, việc tư vấn và lập đề án vẫn chưa hoàn tất là quá chậm trễ.

Không ít người không khỏi chạnh lòng với những khẩu súng thần công, những cổ vật quý hiếm “phơi mình” ngoài hành lang nhà kho bảo quản hiện vật. Càng chạnh lòng khi chúng tôi đến thăm Bảo tàng huyện Điện Bàn (Quảng Nam), Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn, Bình Định) được đầu tư khang trang, hiện đại ngang tầm quốc gia.

Đến bao giờ, Bảo tàng Hà Tĩnh mới được xây dựng để người dân địa phương và du khách có cơ hội tìm hiểu, khám phá những nét văn hóa, lịch sử vùng đất Hà Tĩnh? Hy vọng ngành VH-TT&DL sẽ sớm đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án Bảo tàng Hà Tĩnh đúng với tinh thần chỉ đạo của tỉnh và mong ước của người dân.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast