Bệnh hen - "gánh nặng”...!

(Baohatinh.vn) - Bệnh hen hoàn toàn có thể kiểm soát. Tuy nhiên, trên thực tế, bệnh này ngày càng trở nên phổ biến trong cộng đồng và trở thành gánh nặng cho gia đình bệnh nhân và toàn xã hội.

Liên tục… điều trị!

65 tuổi nhưng trông ông T. (xã Thạch Xuân, Thạch Hà) như đã ngoài 70. Người ông lúc nào cũng gầy còm, ốm yếu. Chị H., con gái ông T. cho biết: “Đã khá lâu rồi, bệnh viện đã trở thành nhà của ông. Không còn nhớ mỗi năm ông phải nhập viện mấy lần nữa, chỉ biết khi thấy ông ho nặng thì phải đưa đi. Ông đã đi khắp nơi mọi chốn rồi đấy, từ bệnh viện tỉnh đến bệnh viện T.Ư nhưng không thể khỏi hẳn được. Bác sỹ nói là ông bị bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính…”.

 Bệnh hen - "gánh nặng”...! ảnh 1

Bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính được chăm sóc tại Bệnh viện Phổi tỉnh.

Không chỉ ông T. mà còn rất nhiều bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tôi đã gặp đều trong hoàn cảnh tương tự. Nhiều bệnh nhân gia đình khá giả, được chăm sóc y tế với điều kiện tốt nhất nhưng bệnh vẫn không khỏi. Bác sỹ Phan Ngọc Lan – Trưởng khoa Nội II, Bệnh viện Phổi tỉnh cho biết: “Một đặc điểm rất dễ nhận thấy ở người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là điều trị không khỏi. Bởi vậy, hầu hết bệnh nhân của khoa đều là bệnh nhân quen vì đã điều trị rất nhiều lần. Thời gian đầu, rất nhiều bệnh nhân và người nhà còn nghi ngờ chất lượng điều trị nên cứ luân chuyển đơn vị điều trị nhưng dần dần họ cũng hiểu ra”…

“Gánh nặng” bệnh nhân hen

Tại Hà Tĩnh, đến thời điểm này, chưa có thống kê cụ thể về người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Tuy nhiên, theo các cơ sở khám chữa bệnh, bệnh nhân thuộc nhóm này đang có dấu hiệu gia tăng và trẻ hóa. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới lớn hơn rất nhiều lần so với nữ giới. Cùng với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh hen phế quản cũng đang có dấu hiệu gia tăng. Nếu vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thì hầu hết các khoa nhi và khoa nội tại các bệnh viện đa khoa trong toàn tỉnh đều quá tải.

Các bác sỹ cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh hen gia tăng như ô nhiễm môi trường, nhiễm trùng (do vi-rút), nấm mốc, sử dụng thuốc và hóa chất tùy tiện, stress… Riêng với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nguyên nhân đáng chú ý nhất là do bệnh hen phế quản, bệnh lao điều trị không dứt điểm.

Theo “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen” do Bộ Y tế ban hành, hen hoàn toàn có thể được kiểm soát. Tuy nhiên, hiện nay, bệnh đang có xu hướng gia tăng và đang là gánh nặng cho gia đình bệnh nhân và toàn xã hội.

Bác sỹ Phan Ngọc Lan cho biết: Thực tế cho thấy, bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính điều trị rất tốn kém, chi phí gấp 3-4 lần, thậm chí, nhiều hơn so với bệnh nhân lao. Đã thế, nếu bệnh nhân không kiểm soát tốt, phải điều trị rất nhiều đợt trong năm.

Như vậy, chi phí điều trị cho bệnh nhân hen nói chung và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nói riêng rất cao, đó là chưa kể những chi phí gián tiếp do nghỉ làm, nghỉ học, giảm năng suất lao động…

Hưởng lợi từ chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm, Hà Tĩnh thành lập 3 đơn vị quản lý bệnh phổi mãn tính và hen phế quản tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phổi tỉnh và Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh. Các đơn vị có trách nhiệm quản lý, tư vấn cho người bệnh, đào tạo và xây dựng mạng lưới tại cộng đồng. Tuy nhiên, các đơn vị hoạt động vẫn còn mang tính chiếu lệ, chủ yếu trong khuôn khổ dự án.

Bệnh hen thuộc nhóm bệnh không lây nhiễm và hoàn toàn có thể kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Vậy nhưng, bệnh vẫn đang có xu hướng gia tăng, trẻ hóa và đang là “gánh nặng” đối với gia đình các bệnh nhân, cộng đồng và ngành Y tế. Thiết nghĩ, ngành Y tế cần có giải pháp sát thực, hiệu quả và mang tính chiến lược cho việc kiểm soát bệnh hen. Đặc biệt, cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân trong việc dự phòng và tư vấn cho các bệnh nhân mắc bệnh về việc kiểm soát các yếu tố bùng phát; hướng tới mục tiêu khống chế tốc độ gia tăng bệnh hen, giảm ‘‘gánh nặng’’ do bệnh hen gây ra cho người dân, cộng đồng và y tế.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast