Cháy rừng nghiêm trọng tại nhiều vùng khắp cả nước

Khô hạn đang làm nhiều khu rừng ở Tây Bắc, Tây Nguyên bùng cháy dữ dội, trong đó căng thẳng nhất là vùng Tây Nam Bộ. Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT) dự báo, tình trạng này sẽ kéo dài đến hết tháng 4.

Cháy rừng nghiêm trọng tại nhiều vùng khắp cả nước

Ảnh minh họa

Ông Hà Công Tuấn, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, người vừa đi dập cháy rừng ở Trạm Tấu, Yên Bái về, cho biết: - Tuần qua, tình trạng cháy rừng xảy ra rất gay gắt ở khu vực Tây Bắc như Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên. Thống kê sơ bộ cho thấy, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 164 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 765 ha (chưa kể diện tích rừng bị cháy ở Yên Bái, Sơn La, cũng khoảng trên 100 ha/tỉnh). Tuy nhiên, số vụ rừng cháy sẽ còn tăng nhanh. Tại Yên Bái, các vùng cháy liên tục, cứ chữa cháy chỗ này xong chỗ khác lại bùng phát, nhất là ở Trạm Tấu (Yên Bái), Sình Hồ (Lai Châu), các bản Mù, Công... Bí thư, chủ tịch các tỉnh này cũng phải đi chữa cháy tại hiện trường. Đến 5h chiều ngày 17/3, tình hình cháy rừng đã được khống chế tại Yên Bái. Hiện nay, do có gió mùa đông bắc nên vùng Tây Bắc đã có mưa. Tuy nhiên, thời tiết này chỉ kéo dài khoảng 1 tuần, sau đó cháy rừng sẽ lại căng thẳng. Tây Nguyên có lượng mưa khá hơn nhưng cũng phải sẵn sàng phòng cháy rừng. Nghiêm trọng nhất là ở phía Nam, trời không mưa và nước rút nhanh. Các tỉnh có khu vực rừng dễ bị cháy nhất là Kiên Giang, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận... - Thưa ông, tại sao năm nay tình trạng cháy rừng diễn ra liên tục như vậy tại khu vực Tây Bắc? Đâu là gốc rễ của tình trạng này? - Đúng là có tình trạng cháy rừng hết chỗ nọ đến chỗ kia, chúng tôi đang tìm nguyên nhân. Trong việc chống cháy rừng, cần nâng cao vai trò của các địa phương, bởi riêng lực lượng kiểm lâm thì không thể làm hết được. Thông thường, mỗi ngày có tới hàng chục vụ cháy rừng, tất cả kiểm lâm địa phương đều có mặt và huy động bà con tham gia. Tuy nhiên, tại Mù Cang Chải (Hà Giang), phải mất 7 tiếng leo trèo thì chúng tôi mới lên được khu vực rừng bị cháy, việc dập lửa do vậy rất khó khăn. Tôi tính cứ 100 vụ cháy rừng xảy ra thì ít nhất có 80 vụ dập được, không gây thiệt hại lớn. Toàn quốc hiện có khoảng 4.500 xã có rừng, mà chúng tôi cũng chỉ có 4.000 nhân viên kiểm lâm địa bàn. Do vậy, biện pháp chính vẫn là phòng tránh. Dự báo cháy rừng có thể căng thẳng trong tháng 3-4, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã đến các điểm dễ cháy rừng để chỉ đạo, động viên nhau cố gắng. Theo tôi, gốc của vấn đề là hoàn thành việc giao rừng cho bà con. Nhà nước cần tăng đầu tư cho công tác này. Đây là một chương trình lâu dài. Chúng tôi đang lập đề án đến năm 2015 sẽ giao xong rừng cho người dân quản lý. - Thưa ông, việc đầu tư của Nhà nước cho công tác này như thế nào? Khi nào chúng ta có trực thăng chữa cháy? - Đầu tư cho phòng chống cháy rừng là chưa đáng kể. Hiện chúng ta vẫn phòng chống cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ, chủ yếu huy động con người và bằng phương thức thủ công. Vừa qua, Chính phủ đã quyết đinh đầu tư 500 tỷ đồng cho công tác này đến 2010, nhưng cũng cần có thời gian triển khai. Với địa hình gập ghềnh như các tỉnh Tây Bắc, việc đầu tư như thế nào cho hiệu quả là rất khó. Việc xem xét mua máy bay cũng khó khi mà giá một chiếc trực thăng có thể hút nước vào bụng lên tới 220 triệu USD. Để chữa cháy rừng, sẽ cần một phi đội với 5 máy bay, trong đó có 3 chiếc chứa nước, 1 chiếc chỉ huy và 1 chiếc để đổ quân (kiểm lâm).

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast