Thắm đượm ân tình "Những đồng đội của tôi"

(Đọc"Những đồng đội của tôi" của Nguyễn Khắc Hiển - NXB Văn hóa Thông tin - 2012 )

Nhà văn, nhà báo đều có chung “chướng nghiệp” gắn bó với cây bút của mình để lao động sáng tạo những tác phẩm cho đời tuy đặc trưng tư duy khác nhau giữa hình tượng và sự kiện.

Thế nhưng, thông thường một nhà văn suốt đời ít ra cũng có cho mình từ 3 đến 4 đầu sách , xem ra việc tuy khó mà dễ. Còn một nhà báo trọn đời để in được một tập tác phẩm báo chí thì tưởng như dễ lại rất khó, trừ các nhà báo thành danh xưa và nay.

Chính vì vậy, tôi thật sự trân trọng và vui mừng là người đầu tiên may mắn được Nhà báo Khắc Hiển tin cậy nhờ đọc tập bản thảo“Những đồng đội của tôi”.

Nhớ lại những năm đầu thập kỷ 80, tôi quen biết rồi công tác báo chí cùng Khắc Hiển cho đến hôm nay đã trọn 30 năm. Trải qua bao thăng trầm từ thời bao cấp đến mở cửa rồi đổi mới , tôi và anh cùng đồng nghiệp một thời từng nếm đủ vị đắng cay ngọt bùi của những thử thách nghề nghiệp.

Với anh, dù ở cương vị gì, từ phóng viên đến biên tập viên rồi lãnh đạo cơ quan báo chí của Đảng bộ tỉnh, nay lại làm Trưởng đại diện cho tờ “Nhà báo & Công luận” của Trung ương Hội Nhà báo VN Khu vực miền Trung, bao giờ tôi cũng thấy một Khắc Hiển đức tính yêu nghề đến say sưa với nghiệp vụ, không chút nề hà đến tận tâm với trách nhiệm và luôn cởi mở đến chan hòa với mọi đồng nghiệp, mọi người dân khi giao tiếp.

Tập “Những đồng đội của tôi” gồm 72 tác phẩm báo chí mà anh chọn lọc từ hàng ngàn bài đã đăng trên các báo Trung ương và địa phương trong đó có đến hàng chục tác phẩm đoạt giải báo chí Quốc gia, các chuyên ngành và giải báo chí địa phương . Mỗi bài mỗi vẻ nhưng thật sự đã gây ấn tượng mạnh mẽ mà sâu sắc cho người đọc. Tác giả biết chớp lấy những cơ hội sự kiện đáng nhớ với một bút pháp thể hiện đa chiều như có ma lực níu kéo người đọc nhờ cách khai thác những tình tiết đắt trong từng diễn biến tưởng như vụn vặt mà lại thành điểm nhớ, găm sâu trong tâm tưởng độc giả.

Sinh thời Bác Hồ - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu đã dạy các nhà báo chúng ta: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nẩy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi”. Hẳn từ lẽ đó nên tác phẩm chọn lọc “Những đồng đội của tôi” lần đầu tiên này hầu như Khắc Hiển chỉ muốn trải lòng mình với quê hương, với đồng đội bằng những gương sáng tập thể và những cá nhân . Đó là: Thiên Lộc - Can Lộc một vùng đất học; một Đức Thọ với toàn xã hội chăm lo công tác xã hội, một Hương Sơn mùa hái lộc, một Ngày vui trên đất Vũ Quang, rồi Mitraco - với một Vilaco khẳng định thương hiệu trên đất bạn đến Hoành Sơn vượt khó đi lên,...hoặc Người hùng Cầu Treo, Hưu trí, chí khí không hưu hay Đối mặt với tội phạm ma túy...

Một thời quân ngũ với biết bao kỷ niệm sống chết bên nhau, trong tác phẩm chọn lọc lần này anh chỉ gửi tâm tình hạn hẹp trên một số bài cho phép do khó khăn trong việc in ấn như: Tây Trường sơn nơi tôi đến, Một chuyến về nguồn, Sài Gòn những phút giây lịch sử, Anh Nghiêm Kình – người thủ trưởng của tôi, Hồng Niên một thời gắn bó ...Đáng chú ý là câu chuyện được lấy làm tên tập sách Những đồng đội của tôi từng đoạt giải cao Quốc gia...

Cùng với những đồng đội chung trong xã hội mà anh trải nghiệm, ngòi bút Khắc Hiển đã ưu ái dành riêng tình cảm sâu nặng của mình cho những đồng nghiệp báo chí, tuyên truyền. Đó là: Những người đi săn bão, Nhà báo Trần Hồng và những bức ảnh về vị Đại tướng huyền thoại; Sỹ Ngọ người nặng tình với đất hoặc Đau lắm con tim ngày tiễn biệt; Thương tiếc anh một người anh một nhà báo lớn; Mới đó Linh ơi; Thương lắm Định Dong; Người ra đi tình ở lại…

Trong phạm vi bài viết thay cho Lời đầu sách tôi không thể điểm hết những nét son ngời sáng hiện hữu trong cả một tập sách dày được tác giả chọn lọc khá công phu và trách nhiệm đối với người đọc.

Tuy vậy, độc giả không thể không băn khoăn bởi xuyên suốt tập sách hầu như Khắc Hiển chỉ mới trải lòng mình với lời “khen”mà còn vắng bóng lời “chê” để cân bằng sinh thái tư duy trước đòi hỏi chính đáng của công chúng. Đó là những bài phản ảnh, phóng sự điều tra lên án những tệ nạn xã hội, những thói hư tật xấu mà trong suốt quãng đời làm báo của mình anh đã dày công với nhiều sự kiện đã đăng tải trên nhiều tờ báo. Có lẽ tác giả muốn dành chủ đề này cho tác phẩm báo chí chọn lọc khác?

Nhưng nếu đòi hỏi Nhà báo là những người lính xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng thì qua nội dung “Những đồng đội của tôi”, Khắc Hiển xứng đáng đã và đang cùng đồng đội vững vàng làm những người lính xung kích ấy.

11-2012

Vài lời tâm sự

Tôi bước vào nghiệp làm báo đã 50 năm nay, kể từ những năm 1961-1965 khi còn là chiến sĩ của Sư đoàn 270 bảo vệ vĩ tuyến 17 Vĩnh Linh.Thời ấy, tuy làm lính nhưng tôi đã mê viết lách. Một số bài báo đã được đăng trên tờ Quân đội nhân dân và tờ Quân khu Bốn nên các thủ trưởng Tiểu đoàn 1 (Ba Lòng) và đặc biệt là các anh cán bộ trung đội như anh Đạt, anh Ký rất quý.. Mỗi khi đơn vị tổ chức thao luyện, kiểm tra kỹ, chiến thuật, tôi lại được các thủ trưởng cho đứng ra ngoài theo dõi, ghi chép để viết bài phản ánh phong trào lên báo. Từ đó tôi thêm say mê báo chí, văn chương. Có thể nói rằng, môi trường quân đội, sự quan tâm, ưu ái của các thủ trưởng đơn vị những nơi tôi từng công tác đã truyền cho tôi ngọn lửa nhiệt thành, theo đuổi nghề báo cho đến hôm nay. Hơn 12 năm làm báo trong Quân đội, 30 năm tròn làm báo NghệTĩnh, Hà Tĩnh, rồi Nhà báo & Công luận, tôi đã có dịp đi nhiều nơi, viết khá nhiều, trong đó có một số tác phẩm “đọc được”. Trong 12 giải báo chí Quốc gia, các bộ, ngành T.W và của Hà Tĩnh có được trong cuộc đời làm báo của mình, tôi tâm đắc nhất là tác phẩm: “NHỮNG ĐỒNG ĐỘI CỦA TÔI”. Riêng tác phẩm này tôi vinh dự nhận được 2 giải A - một của Báo QĐND cuộc thi viết về “Kỷ niệm sâu sắc 40 năm bộ đội cụ Hồ”, một của Giải báo chí Hà Tĩnh, và sau đó được trao giải C Giải báo chí Quốc gia năm 1995. Không chỉ đơn giản là các giải thưởng, điều tôi thực sự xúc động là sau khi đọc tác phẩm này, anh Trần Đình Đàn, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu tác giả phô tô ra làm nhiều bản và tự tay anh viết thư kèm bài báo đó gửi Bộ trưởng Bộ LĐTB & XH Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Sở LĐTB & XH tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ đề nghị xem xét, giải quyết chế độ cho Cựu chiến binh Trần Tài, ở xã Liên Minh, huyện Đức Thọ. Đau buồn thay, khi chế độ của nhà nước đến với anh thì Trần Tài đã ra đi trước đó đúng 1 ngày. Người thân và lãnh đạo địa phương đặt tấm thẻ thương binh hạng ¼ lên bàn thờ nghi ngút khói hương như là một sự tiếc nuối khôn cùng công lao của một người lính và những người đồng đội cũ đã vì anh mà bỏ ra bao nhiêu sức lực, tiền bạc, gõ cửa các nơi- kể cả báo chí, để hôm nay anh được hưởng sự tri ân, tuy rằng đã muộn. Cũng chính vì thế mà tôi lấy tác phẩm này đặt tên cho cuốn sách. Thứ nữa, các bài báo tôi tập hợp trong tập sách này, hầu hết đều nói về những người anh, người đồng đội của tôi đã từng kề vai với nhau trong quân ngũ, trên lĩnh vực báo chí - văn nghệ, hoặc nay đang tiếp tục chiến đấu trên nghiệp thương trường đầy giông gió, cam go. Đến nay tuổi đã cao, lại được các bạn bè, đồng nghiệp và lãnh đạokhuyến khích, tôi quyết định tập hợp có chọn lọc những tác phẩm viết từ năm 1991 đến nay, đã được đăng trên các tờ Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Nhà báo & Công luận, Nghệ Tĩnh, Hà Tĩnh và trên một số tạp chí khác. Các tác phẩm thuộc nhiều thể loại báo chí khác nhau như phóngsự, phỏng vấn, ghi chép, phản ánh, gương điển h.nh…Vì nhiều lẽ , tôi không thể tách ra thành nhiều tập, tách bạch các thể loại riêng rẽ nhau, nên người đọc dễ nhận ra sự thiếu đồng đều về chất lượng, dung lượngtrong từng tác phẩm. Do không nghĩ là có ngày sẽ xuất bản một tập sách cho riêng mình nên tôi không có ý thức lưu giữ, cất đặt lại để dùng về sau, vì thế rất nhiều tác phẩm đáng ra phải có trong tập này nhưng đã bị mất mát, thất lạc. Thế nên có khá nhiều tác phẩm viết về một số đơn vị, địa phương, cá nhân, tác giả đã rất kỳ công kiếm tìm lại, nhưng không được. Tôi thật sự lấy làm áy náy, thành thật cáo lỗi với bạn đọc trước sai sót này. Cuối cùng, tôi xin dành vài lời cảm tạ các anh Nguyễn Thanh Bình, Võ Kim Cự - những người đã cổ vũ, động viên tôi in tập sách này. Đặc biệt, xin cảm tạ nhà thơ - nhà báo lão thành Duy Thảo, Trưởng VPĐD báo Dân trí Bắc miền Trung người đã dành thời gian tâm đắc để ưu ái viết lời tựa cho cuốn sách. Mặc dù tôi đã có nhiều cố gắng và được sự giúp đỡ nhiệt thành, đầytrách nhiệm của chị Lại Giang, Biên tập viên Nhà xuất bản Văn hóa -Thông tin, nhưng vẫn khó lòng “nhặt hết các hạt sạn” trong quá trình biên tập, in ấn, rất mong bạn đọc lượng thứ.

Nguyễn Khắc Hiển

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast