AI và Robot - mối đe dọa hay cơ hội mới với thị trường lao động?

Cuộc cách mạng AI (trí thông minh nhân tạo) đang tác động mạnh đến thị trường lao động, khi thay đổi cách tương tác của con người đối với công việc. Không chỉ thay thế vị trí của những nhân viên, hãy tưởng tượng nếu một ngày bạn đến văn phòng và máy móc hoặc robot (người máy) sẽ là “ông chủ” đưa ra chỉ tiêu, trách nhiệm công việc, đồng thời cũng đảm nhiệm việc đánh giá kết quả công việc. Các chuyên gia cho rằng ý tưởng này không hoàn toàn xa rời thực tế.

ai va robot moi de doa hay co hoi moi voi thi truong lao dong

Ảnh minh họa. (Nguồn: rte.ie)

Robot “bành trướng”

Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người máy không chỉ là những dự án nghiên cứu sáng tạo mà còn có thể bước vào cuộc sống, đảm nhận mọi công việc của con người: từ giặt giũ, nấu nướng tới điều khiển các loại thiết bị khác. Theo công ty tư vấn hàng đầu thế giới McKinsey & Company, một nửa trong tổng số công việc hiện nay có thể được tự động hóa và giúp tiết kiệm 16.000 tỷ USD tiền lương.

Mới đây, hãng thời trang Levi Strauss lên kế hoạch đến năm 2020 sẽ đưa những người máy được trang bị kỹ thuật laser vào thay thế toàn bộ đội ngũ công nhân chuyên mài quần bò, đánh dấu bước ngoặt lớn nhất đối với hoạt động chuỗi cung ứng của họ trong hơn một thập kỷ qua.

Ban giám đốc Levi Strauss khẳng định đây chính là tương lai của ngành sản xuất quần jean, khi việc dùng người máy thay thế người lao động sẽ giúp cắt giảm chi phí, rút ngắn thời gian thiết kế và sản xuất để tăng khả năng thích ứng với xu hướng thay đổi mốt nhanh chóng cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của hãng.

Kế hoạch của Levi Strauss cho thấy tự động hóa đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong ngành sản xuất thế kỷ 21. Mặt khác, đây cũng là dấu hiệu không mấy tốt lành với hàng triệu công nhân lao động trong ngành dệt may tại các nước đang phát triển như Bangladesh và Mexico.

Theo Liên đoàn Robot Quốc tế (IFR), vào năm 2020, các nhà máy trên toàn cầu sẽ lắp đặt hơn 1,7 triệu robot công nghiệp mới. Hiện nay, khu vực chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh nhất của ngành công nghiệp robot là châu Á và dẫn đầu là Trung Quốc.

Ước tính, trong năm 2017, việc lắp đặt robot tại châu Á-Thái Bình Dương tăng 21%, trong khi nguồn cung robot tại Mỹ và châu Âu ước tăng lần lượt 16% và 8%.

Chủ tịch IFR, Joe Gemma nhận định lao động robot có mức độ chính xác cao và sự kết nối giữa chúng sẽ đóng vai trò chủ chốt trong môi trường sản xuất mới của lĩnh vực số. Kể từ năm 2016, Trung Quốc sở hữu lượng robot công nghiệp lớn nhất thế giới. Dự kiến, vào năm 2020, lượng robot tại Trung Quốc sẽ tăng lên 950.300 robot, gần gấp đôi ước tính tại châu Âu (611.700 robot).

Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) cho biết sản lượng robot công nghiệp của nước này trong các tháng 1-10/2017 đã vượt mức 100.000 sản phẩm, tương đương với tốc độ tăng trưởng 70% so với cùng kỳ năm 2016.

“Người khổng lồ” châu Á hiện là thị trường robot công nghiệp lớn nhất thế giới, chiếm khoảng một phần ba nhu cầu toàn cầu. Thị trường robot Trung Quốc được kỳ vọng sẽ đạt giá trị 5,9 tỷ USD trong năm 2020.

Đằng sau mối đe dọa

Nhà vật lý nổi tiếng Stephen Hawking nhận định AI và các loại robot thay thế sức lao động của con người đang đe dọa hàng triệu việc làm dù cuộc cách mạng này được cho là giúp ích cho xã hội và sự thịnh vượng chung. Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại lạc quan cho rằng cách mạng AI chính là cơ hội để các nước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo các chuyên gia, để thích ứng với thị trường việc làm trong thời kỳ kinh tế số, các chính phủ cần trang bị kỹ năng mới cho người lao động, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, từng đánh giá rằng các nền kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) cần tạo điều kiện cho những người mất việc vì tự động hóa trong một số ngành chuyển sang các lĩnh vực khác, hoặc có thể làm tại nhà hay trên các phần mềm thương mại điện tử. Cũng theo bà Kwakwa, công nghệ kỹ thuật số sẽ cho phép mọi người tham gia thương mại dễ dàng, hiệu quả hơn.

Ông Kyle F. Kelhofer, thuộc Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), cho rằng các nền kinh tế nên đầu tư vào con người, kỹ năng và đào tạo thông qua việc tận dụng công nghệ để tạo việc làm tốt hơn, an toàn hơn. Đồng quan điểm, Ngoại trưởng Canada, bà Chrystia Freeland lưu ý các chính phủ cần xác định cụ thể những công việc tương lai; tập trung vào giáo dục để giúp người dân có kỹ năng cao, đáp ứng yêu cầu của công việc trong tương lai.

Theo ông Nicolas Aguzin, quan chức cao cấp Ngân hàng JP Morgan, các nền kinh tế đang có nhiều cơ hội để phát triển hệ thống đào tạo nghề. Người lao động có quyền được đào tạo ở những lĩnh vực họ cần và đúng công việc mà họ đang làm. Bên cạnh đó, người lao động cũng cần chủ động trong việc học hỏi kiến thức, kinh nghiệm.

Trong thời đại robot, AI, đa dạng sinh học phát triển chóng mặt, người lao động cần đến những kỹ năng và năng lực mới. Các chuyên gia nhấn mạnh sáng tạo là một trong những kỹ năng quan trọng nhất, khi kỹ năng này trở nên đặc biệt hữu dụng trong quá trình tương tác với máy móc./.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast