Còn tình yêu ở lại

Đó là câu chuyện tình lãng mạn của một phụ nữ Thái Lan với một chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam. Dù người chiến sĩ đã hy sinh nhưng tấm lòng thủy chung son sắt đã khiến người phụ nữ dám từ biệt quê hương lặn lội về Việt Nam tìm gia đình chồng, rồi bằng mọi cách tìm mộ chồng đưa về an táng tại quê hương.

Son sắt một tình yêu

5 năm về trước. Khi ấy tôi còn công tác ở Báo Quân khu 4. Một lần, chị Nguyễn Thị Tiến – cán bộ Bảo tàng Quân khu 4, nhân vật “Người đương thời” tìm tên liệt sĩ qua các di vật để lại - gọi điện báo có một người đàn ông quê ở Hương Khê, Hà Tĩnh, hiện sinh sống ở Phan Thiết đến trình bày nguyện vọng tìm mộ cha là liệt sĩ hy sinh trên đất bạn Lào. Tiếp xúc với người đàn ông này, được ông giới thiệu tên là Trần Hậu Thanh, có bố là liệt sĩ Trần Hậu Luân. Câu chuyện của ông Thanh kể về mối tình của mẹ ông - một phụ nữ Thái Lan - với cha ông - một chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam và cuộc kiếm tìm quê hương bản quán của mẹ con ông khi cha ông hy sinh đã cuốn hút mọi người. Do thay đổi công việc nên mãi đến nay tôi mới có dịp về thị trấn Hương Khê để tìm rõ thực hư…

Tiếp tôi trong ngôi nhà ngay cổng chợ thị trấn là bà Trần Thị Liêm – con gái của liệt sĩ Trần Hậu Luân. Bà Liêm sinh năm 1950, tại tỉnh Nakhon Panôm, Thái Lan. Bà sụt sùi kể lại: “Tui chào đời được đúng 3 ngày thì mẹ tui nhận được tin cha hy sinh trên đất Lào, nhưng do tính chất nhiệm vụ nên mẹ không hề hay biết cha là liệt sĩ quân đội Việt Nam. Ba tui là người Thái gốc Việt, lưu lạc sang Thái Lan từ những năm nạn đói xảy ra trước 1945. Ông sang đây làm thuê gần bản Nọng Xẻng – nơi một thời Bác Hồ hoạt động cách mạng trên đất Thái”.

Di ảnh của bà Trang và liệt sĩ Luân thờ tại gia đình

Di ảnh của bà Trang và liệt sĩ Luân thờ tại gia đình

Ông Luân là người chịu thương chịu khó, được mọi người trong vùng quý mến và được nhiều cô gái nết na con nhà giàu để mắt, trong đó có bà Trang - mẹ của bà Liên sau này. Nọng Xẻng là vùng đất cách mạng, nên không bao lâu, ông Luân được giác ngộ, tình nguyện làm giao liên dẫn đường cho cán bộ hoạt động cách mạng từ Việt Nam sang Thái Lan và ngược lại, dưới vỏ bọc là một lái buôn đường dài. Con đường hoạt động của ông Luân càng thuận lợi hơn khi bà Nang Trang chấp nhận lời cầu hôn. Ông Luân hết mực thương yêu vợ con nhưng là người kín kẽ, còn bà Trang chẳng dám hỏi về gốc tích và công việc của chồng mình khi ông không muốn kể.

Hai điều nguyện ước

Bà Liêm thắp ba nén hương cắm lên bàn thờ bố mẹ mình rồi rưng rưng kể trong nước mắt: “Ngày cha tui hy sinh, mẹ tui mới 25 tuổi nhưng bà nguyện giữ trọn lòng trung với chồng. Mãi đến năm 1960, mẹ con tui mới nhận được giấy báo tử chính thức của cha và mới hay cha tui là liệt sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cầm tờ giấy báo tử do chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký, mẹ tui vừa xúc động vừa tự hào và bà đã nguyện hứa với chồng sẽ bằng mọi cách tìm được quê và tìm hài cốt của ông đem về quê mai táng”.

Sau đó không lâu, bà Trang tạm biệt quê hương, dắt hai con nhỏ về Việt Nam xin định cư tại huyện Hương Khê, một trong những điểm dừng chân của các đoàn quân ra trận thời bấy giờ. Bà Trang chỉ mang máng nhớ rằng, có một lần ông Luân hé lộ với bà là quê ông ở gần đồi Nghèn và hiện còn hai người em trai tên là Thái và Lượng. Bà mở một quán cơm ven đường mòn Trường Sơn với hy vọng thông qua đó để dò la tin tức về quê chồng.

Năm 1965, một hôm trời mưa bão, có một chú bộ đội quê ở Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) ghé quán bà Trang trú mưa. Qua câu chuyện của bà Trang, anh Thái – tên chú bộ đội – cho biết, Trần Thái và Trần Lượng – tên của những người em do ông Luân kể với bà – là những người bạn của mình. Bà Trang mừng vui khôn tả và viết một bức thư nhờ anh Thái chuyển giùm, nhưng bà chờ mãi vẫn không thấy ai dưới xuôi lên tìm, lòng bà trở nên vô vọng. Thực tình, anh Thái đang được lệnh hành quân vào Nam, mãi đến sau ngày giải phóng mới xuất ngũ. Trở về quê hương, cựu chiến binh Nguyễn Thái nhớ lại câu chuyện năm xưa và ông đã dẫn hai người bạn của mình lên Hương Khê tìm người thân.

Bà Liêm nhớ lại: “Đó là ngày hạnh phúc nhất của mẹ con tôi. Khi nhìn thấy chú Thái và chú Lượng, chưa kịp hỏi thăm, mẹ tôi đã vội ôm chầm lấy các chú như thấy chồng mình trở về vì hai chú giống cha tôi như đúc”. Sau những giây phút hàn huyên nhận mặt người thân, bà Trang nói với mọi người: “Bao năm nay chị dắt các cháu đi tìm người nhà trên miền đất lạ, tưởng đã hết hy vọng, ai ngờ trời Phật thương tình… Nay chị chỉ còn hai điều ước nguyện, thứ nhất là được sang Lào tìm hài cốt của anh Luân đưa về quê an táng, thứ hai là sau này khi chị khuất núi, xin được mai táng trên quê hương Hà Tĩnh, nơi đã sinh ra chồng chị”.

Trọn nghĩa, vẹn tình

Bà Liêm dẫn tôi ra Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hương Khê dâng hương trước anh linh liệt sĩ Trần Hậu Luân và kể cho tôi nghe chặng đường gian nan anh em bà đi tìm mộ cha. Bà Liên cho biết, cho đến những ngày cuối đời, mẹ của bà vẫn đau đáu một nỗi niềm vì chưa tìm được mộ chồng về an táng tại quê hương.

Theo thông tin từ gia đình bà, liệt sĩ Luân hy sinh trên đường dẫn cán bộ từ Việt Nam trở lại Thái Lan, ông đã bị địch phục kích bắn chết tại bản Đôn Me, thuộc thị xã Pạc Xan (Lào). Mặc dù có trong tay sơ đồ mộ phần nhưng bà và anh trai là ông Trần Hậu Thanh đã mấy lần sang Lào tìm vẫn không thấy, vì Đôn Me là bản vùng sâu, cách thị xã Pạc Xan đến 3 ngày đường đi bộ, mọi dấu tích thời chiến hầu như không còn. Hai anh em đi lại mấy lần vẫn không tìm được mộ cha khiến bà Trang ăn ngủ không yên.

Và lần cuối cách đây 5 năm, ông Thanh đã đến gõ cửa nhà chị Tiến nhờ Đội quy tập mộ liệt sĩ Hà Tĩnh tìm giúp mộ cha. Lần ấy, bà Trang đã cắt nửa phần đất mặt đường sát chợ Hương Khê bán lấy tiền cho hai con đi theo đội quy tập tìm mộ ông Luân. Và lần này nhờ được sự giúp đỡ tận tình của cán bộ, chiến sĩ đội quy tập và nhân dân các bộ tộc Lào, gia đình bà Trang đã thỏa ước nguyện. Cuối mùa khô năm 2005, mộ liệt sĩ Trần Hậu Luân đã được đưa về an táng trọng thể tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hương Khê.

Sau đúng 55 năm cách xa, bà Trang đã mãn nguyện đón di cốt người chồng thân yêu của mình về an nghỉ trong lòng đất quê hương. Và sau đó 2 năm, bà đã thanh thản trút hơi thở cuối cùng trên mảnh đất quê chồng, nơi bà nguyện một đời gắn bó. Cuộc đời của bà sống trọn nghĩa vẹn tình cho một tình yêu và đất Việt mến yêu sẽ ngàn đời ghi dấu tấm lòng thủy chung son sắt của người con gái Thái.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast