DN vận tải phải kê khai, điều chỉnh cước phù hợp trước 30/11

Trong tháng 11 này, Bộ GTVT đã đề nghị thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Sở Tài chính, Sở GTVT, Cục thuế và các cơ quan địa phương kiểm tra, rà soát các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn, yêu cầu kê khai và điều chỉnh giá cước phù hợp trước ngày 30/11.

Đây là thông tin đưa ra tại buổi tọa đàm về giá cước vận tải và giải pháp giảm giá cước vận tải do Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) tổ chức.

DN vận tải phải kê khai, điều chỉnh cước phù hợp trước 30/11 ảnh 1

Ảnh minh họa (Báo Gia Lai)

Xuất phát từ thực tế từ đầu năm 2014 đến nay, giá xăng sau 13 lần điều chỉnh (5 lần tăng, 8 lần giảm) đã giảm 12,1% và giá dầu sau 19 lần điều chỉnh (4 lần tăng, 15 lần giảm) đã giảm 16% so với thời điểm cuối năm 2013. Tuy nhiên, qua khảo sát, mặc dù nhiên liệu đầu vào giảm nhưng các đơn vị vận tải vẫn chưa điều chỉnh giá cước vận tải phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết người dân không chấp nhận sự “lừng khừng” như thế này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) cũng lo ngại, xăng dầu giảm giá chỉ được một thời gian ngắn lại tăng.

“Vận tải không thể điều chỉnh kịp theo giá xăng. Bên cạnh đó, thủ tục tính toán, kê khai lại giá rất phức tạp, các DN đang thận trọng, nhìn nhau để giảm giá. Tôi đã đề nghị các DN tính toán lại và phải giảm giá. Tôi cho rằng người dân, chủ hàng cần tẩy chay những DN vận tải vẫn tính giá cao”, ông chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Thanh cũng khẳng định không có chuyện các DN phải giảm đồng loạt vì có những DN đã giảm hoặc không tăng giá trong năm 2014.

Đại diện Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM cho biết, nhiều DN vận tải đã giảm 5-10% giá cước vận tải hàng hóa khi giá xăng giảm vì giá cước vận tải do yếu tố thị trường quyết định, khi ít hàng hóa vận chuyển thì các DN vận tải cũng phải tự giảm giá cước để hút khách.

Theo đại diện Bộ GTVT, không phải các DN vận tải chưa giảm giá. Thực tế, các tuyến vận tải cố định từ đầu năm đến nay đã hơn chục DN giảm giá cước vận tải, đặc biệt sau ngày 7/11 vừa qua giá xăng giảm mạnh, các DN đã rà soát để tiếp tục giảm. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, giá cước taxi đã được điều chỉnh nhiều lần như taxi Mai Linh và Vinasun (TPHCM) giảm giá 300-2.000 đồng/km, hãng taxi Group đã giảm 300 đồng/km, taxi Thành Công đã giảm 500 đồng/km.

Về phía hàng không, đại diện Vietnam Airline (VNA) cũng cho biết VNA đang khai thác và cạnh tranh với 30 hãng hàng không quốc tế trên thế giới nên giá cả của VNA là do thị trường quyết định. Tuy nhiên, hãng đang áp dụng chính sách đa dạng hóa giá vé nội địa trên cơ sở quy định của Luật giá do Bộ Tài chính ban hành. Cụ thể, riêng với tuyến Hà Nội-Sài Gòn hiện đang có 7-8 mức giá phổ thông, giá trần của VNA đang thấp hơn nhiều so với mức giá Bộ Tài chính quy định từ năm 2011 đến nay. Giá vé phổ thông tuyến Hà Nội-Sài Gòn cao nhất hiện nay là 2.870.000 đồng, trong khi đó giá trần do Bộ Tài chính quy định là 3.400.000 đồng.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết hiện nay các Sở đều đã có chỉ đạo yêu cầu các đơn vị thực hiện tính toán, kê khai lại giá. Các DN vận tải sẽ phải kê khai đầy đủ chi phí, nếu bất hợp lý sẽ bị truy thu thuế.

“Các DN vận tải hiện đang phản ứng khá tích cực với việc điều chỉnh giá cước vận tải, chắc chắn sau đợt kê khai giá này cùng với sự nỗ lực của Bộ GTVT cũng như sự kiểm tra, giám sát của Bộ Tài chính các DN sẽ có những động thái tích cực hơn”, ông Hùng nói.

Theo VGP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast