“Chạy” việc và những con “cò”

Chật vật mãi, sau 2 năm Nguyên Thị Thuỳ cũng hoàn thành khoá học của trường Trung cấp Kinh tế Hà Tĩnh. Ra trường, cầm trên tay tấm bằng trung cấp kinh tế, Thuỳ chưa biết được sẽ tìm việc làm ở đâu. Gần 1 năm ở nhà, cùng cha mẹ chăm bẵm mảnh vườn trên vùng đất nghèo của xã Kỳ Thượng (Kỳ Anh – Hà Tĩnh) góp tiền trả khoản nợ đã vay để trang trải cho mấy năm theo học ở thành phố mà lòng Thuỳ nóng như lửa đốt. Hàng chục bộ hồ sơ được Thuỳ mang đi “rải” khắp các cơ quan, đơn vị trong vô vọng. Tất cả chỉ là những câu trả lời: “không có chỉ tiêu”, “văn bằng không đạt yêu cầu xét tuyển”… May mắn lắm thì được “khuyến mãi” thêm lời hẹn: “Để hồ sơ đó, xem xét sau!”.

Sàn giao dịch việc làm Hà Tĩnh - địa chỉ tìm việc tin cậy của bạn trẻ - Ảnh: Quang Linh.

Sàn giao dịch việc làm Hà Tĩnh - địa chỉ tìm việc tin cậy của bạn trẻ - Ảnh: Quang Linh.

Những lời hứa hẹn mà Thuỳ nghe đã thành quen, đến mức không thể tin, mong. Có người rĩ tai: “Muốn được việc, đầu tiên phải là khoản tiền đâu đã”. Tiền đâu? Thuỳ chịu. Biết lấy đâu ra tiền khi mà trong 2 năm theo học, cha mẹ Thuỳ đã phải bán tất cả những cái gì có thể “quy ra thóc” để gửi xuống cho con. Ngay cả con trâu - đầu cơ nghiệp của gia đình cha mẹ cũng đã phải “ngậm ngùi đưa tiễn”.

Trong lúc đang thất vọng với việc tìm việc làm thì có người bạn giới thiệu: có mối xin việc dễ lắm, 15 triệu sẽ được về làm ở văn phòng báo chí dưới thành phố. Mừng như bắt được vàng, 15 triệu là quá lớn nhưng đã đâm lao phải theo lao, không lẽ nuôi con ăn học mấy năm rồi để đó. Với ước mong cho con có việc làm, thoát khỏi cảnh đói ngheo truyền kiếp, cha mẹ Thuỳ tức tốc làm đơn lên xã xin vay vốn xoá đói giảm ngheo và chạy vạy khắp anh em, làng trên xóm dưới để kiếm tiền nộp cho người ta.

Chồng tiền, viết giấy biên nhận xong, Thuỳ được người môi giới chở đi thành phố nhận việc. Dễ dàng quá, đúng là đầu tiên phải tiền đâu, Thuỳ thầm nghĩ và mơ về một việc làm ổn định, “danh giá” trong “văn phòng báo chí”. Nơi Thuỳ vào làm có tấm biển “Văn phòng đại diện Báo thị trường” to vật vã. Thế nhưng, vào đó chẳng biết làm gì. Suốt ngày chỉ ngồi chơi, xơi nước vì văn phòng có hơn 30 nhân viên thì có đến 7 kế toán như Thuỳ.

Khi bắt đầu băn khoăn với hoạt động của văn phòng, sau 5 tháng với đồng lương 500.000đ/tháng thì sự việc vở lỡ, đây là một văn phòng ma và giám đốc văn phòng đã cao chạy, xa bay vì bị Công an sờ gáy. Nhộn nhạo như ong vỡ tổ, Thuỳ và những người là nạn nhân tìm đến người môi giới đòi tiền thì bị phủi tay: “Tôi có nhận gì đâu, tiền đó đóng cho văn phòng chứ”. Vậy là hết. Giấc mơ về công việc tan nhanh như bong bóng xà phòng mang theo khoản nợ 15 triệu chẳng biết đến bao giờ mới trả được.

Chân dung những “con cò”!

Hàn là một công chức cấp huyện. Bản thân thuộc thành phần “không cơ bản”, gia đình chẳng khá giả gì nhưng trước đây, thỉnh thoảng gặp nó, tôi lại “choáng” bởi cách ăn tiêu như một “đại gia”. Quần áo, dày dép, từ trên xuống dưới lúc nào cũng thẳng thớm, tươm tất ra dáng một công tử. Xe máy đổi xoành xoạch. Cứ loại nào mới nhất, kiểu cách nhất là Hàn phải đổi cho bằng được. Nghe đâu cậu ta đang học lái để kiếm một chiếc xe hơi.

Hỏi nó “đào” đâu ra mà lắm thế, nó nửa đùa nửa thật: “Tao làm cò. Nhưng không lặn lội nơi quảng vắng mà là cò cảnh, cò mồi!”. Bẵng đi một thời gian, tết vừa rồi gặp lại thấy nó lọ mọ cưỡi trên chiếc dream tàu. Hàn tiếc rẻ: “Xơ lông, rạc cánh rồi”. Năm nay đen quá, cò mấy vụ “bể” hết. Thì ra Hàn kiếm được và mất hết cũng vì “chạy” việc. Là một công chức quèn nhưng nó được cái khéo ăn, nói lại bạo dạn chi tiêu nên có nhiều mối quan hệ.

Biết được nhu cầu cần việc làm, nhất là những sinh viên mới ra trường nên Hàn thường xuyên dò la xem cơ quan, đơn vị nào có nhu cầu tuyển người là nó sốt sắng đứng ra “môi giới”. Cứ “phùng mang, trợn mắt” tuyên bố quen ông nay, bà nọ và chắc chắn xin được việc thế là “những con gà” cứ thế mà nộp hồ sơ cho Hàn. Tuỳ theo đơn vị cần tuyển, Hàn ra giá từ 15 triệu đến 35 triệu đồng và mang hồ sơ đi nộp. Rồi khi địa phương, đơn vị đó xét, thi tuyển, nó chỉ việc chờ kết quả.

Được cái nó rất tinh, chỉ nhận hồ sơ của những đối tượng nào là “gà béo” và có lý lịch, trình độ, bằng cấp đạt chuẩn nên xác suất trúng tuyển rất cao. Khi trúng tuyển, các đối tượng này cứ tưởng là “nhờ công anh Hàn”, cảm ơn rối rít, thậm chí là còn có “lễ tạ”. Vậy là tiền chạy việc, nó ẵm trọn. Trường hợp nào không được việc thì Hàn viện ra đủ thứ lí do mà chủ yếu là do lỗi của “thân chủ” rồi nhùng nhằng bớt tiền, gọi là chi phí đi lại. Những người này lấy lại được tiền, thiếu 5 triệu, mười triệu đã là mừng. Mà chẳng có ai kiện cáo gì bởi họ biết đấy chỉ là một thoả thuận trái luật, vớt vát được ít tiền là may.

“Cò” như Hàn vẫn được xem là “có tí thịt”, nghĩa là vẫn có người được việc dù nói chính xác ra là nhờ chính năng lực của bản thân mình. Ai không được thì còn nhận lại được tiền dù đã bị sứt mẻ. Nhưng “cò” như Trần Thị Nga ở Khu tập thể Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì đúng là “cò” giả, được làm bằng xi măng, sắt thép.

Cũng với chiêu bài tự đánh bóng mình, luôn khoe khoang có nhiều mối quan hệ có thể xin việc ở cơ quan này, đơn vị nọ mà Nga đã lừa 54 người có nhu cầu xin việc làm, đi học với số tiền lên đến gần 2, 5 tỷ đồng. Thực tế, Nga chẳng giải quyết công việc được bất cứ đối tượng nào, còn tiền thì thị mặc sức chi tiêu cá nhân, rót vào những cuộc chơi vô bổ. Liên luỵ đến Nga có 17 người cũng vì tin thị có thể xin được việc nên đã nhận tiền, hồ sơ của anh em, người quen rồi chuyển cho Nga để kiếm “hoa hồng” hay làm món nợ ân nghĩa. Để rồi khi sự việc vỡ lỡ, họ chẳng được gì mà phải đền tiền cho người xin việc hàng trăm triệu đồng. Có người đã phải bán nhà để giải quyết hậu quả mới tránh được vòng lao lý. Còn tiền tự mình đưa cho Trần Thị Nga thì đã ra đi cùng với bản án hình sự của thị.

Chị V – một “nạn nhân” của Nga tâm sự: “Đúng là tôi quá cả tin. Từ mối quan hệ với Nga, nghe Nga nói có thể xin việc nên đầu tiên tôi đã trao hồ sơ, tiền của cháu ruột mình. Sau đó, nhiều người nghe tin nên đến nhờ “bắc cầu” và tôi nhận lời. Lợi lộc chẳng thấy đâu, giờ phải gánh một cục nợ!”.

Lời kết

Trong buổi “thừa thầy thiếu thợ”, nhu cầu tuyển dụng thì ít trong khi đội ngũ sinh viên ra trường chưa có việc làm ngày một đông nên những “con cò” như Hàn, Nga vẫn mặc sức hoành hành. Đó là chưa nói, có nơi, có lúc, hiện tượng “xin, cho” trong công tác tuyển dụng vẫn xảy ra. Điển hình như việc thi tuyển công chức ở Sở Y tế mà chính những người có chức, quyền đã làm sai lệch kết quả để rồi kéo theo biết bao hệ luỵ.

Tôi có thằng em họ bỏ ra 35 triệu cho đợt thi công chức ngành y tế. Kết quả ban đầu nó vẫn trúng tuyển nhưng sau đó UBND tỉnh huỷ kết quả thi tuyển nên nó đương nhiên trượt. Gần 2 năm nay cả nhà đến “cò” đòi lại tiền nhưng vẫn chưa lấy hết. Mẹ cậu ta cho hay: nó học xong ra trường, ở nhà mãi gia đình cũng nóng ruột. “Có bệnh thì vái tứ phương”, nghe người ta nói lo được thế là gia đình chạy vạy, vay mượn khắp nơi để chồng tiền cho họ. Bây gìơ thì gãi mãi không ra. Mà nó cũng chán, chẳng thiết làm hồ sơ, nộp đơn vào đâu nữa. Đúng là “tiền mất, tật mang”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast