“Phố đêm” internet (Bài 2): Quản lý game “đánh trống bỏ dùi”!

(Baohatinh.vn) - Chơi game, nghiện game không chỉ phung phí thời gian mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, sai lầm trong nhận thức. Bởi vậy, tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh game hết sức cần thiết...

Hậu quả nhãn tiền

Mọi người thường gọi những “game thủ” là “người cú”, “ngủ ngày, cày đêm”. Chơi thâu đêm suốt sáng nên đối với học sinh, sinh viên, việc đảm bảo giờ lên lớp là điều rất khó; thậm chí rất ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng khi đã nghiện thì mọi thời điểm, mọi cơ hội đều ưu tiên cho game. Bất chấp…!

“Game thủ” chủ yếu là học sinh, sinh viên (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
“Game thủ” chủ yếu là học sinh, sinh viên (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Lần này chúng tôi quyết định đảo quanh một số quán net khác trong thành phố tầm 4-5h sáng. Lấy cớ có việc gấp phải sử dụng mail, tôi ngồi thản nhiên cạnh mấy cậu đang hì hục gõ gõ, bấm bấm. Một tiếng ngáp dài phía sau, tôi quay người lại. Cậu bé vừa tỉnh dậy, khuôn mặt búng ra sữa tỏ rõ sự mệt mỏi. Tôi hỏi: “Mệt sao không về nhà mà ngủ?”. Cậu bé uể oải: “Em chơi game mà trò ni chỉ cần canh chứ không phải chơi liên tục, cứ để nhân vật tự động nên tranh thủ chợp mắt. Ở đây cũng mát mà”. Tôi cười lắc đầu rồi quay lại màn hình của mình. Thi thoảng trong phòng lại vang lên mấy câu “mẹ kiếp”, “khốn”… tỏ vẻ tiếc rẻ. Phần lớn những pha hỗn chiến trong game luôn kích thích thần kinh của người chơi khiến họ dễ kích động, miệng liên tục chửi thề. Đem kể, cậu bạn giải thích: “Đối phương mà chọc tức hay “hack” đồ của mình thì ức chế lắm, chửi để xả stress”. Tôi nhận thấy không chỉ gây mất ngủ, mất sức, văn hóa trong thế giới game đã dần làm mất sự trong sáng, ngây thơ của tuổi trẻ.

Khi đã nghiện game, không những bỏ bê chuyện học hành, công việc, thậm chí là bỏ học, bỏ việc, nhiều người chơi còn có những hành vi nghiêm trọng hơn. Đó là khi thiếu tiền chơi, bị kích động, ám ảnh từ game, nhiều em đi xin, đi trộm để được thỏa mãn thú vui. Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng khi ngày 26/2/2014, có một clip đăng tải một nam sinh ở TP Hà Tĩnh nhiều lần trốn học đi chơi game bị gia đình treo ngược lên cửa sổ để quát mắng, đánh đập. Tiếp đó, ngày 18/3/2014, Công an huyện Cẩm Xuyên bắt giữ một nhóm đối tượng trộm cắp tài sản gồm 6 người do Trần Hữu Nam cầm đầu. Vì nghiện game, thiếu tiền chơi nên nhóm này nhiều lần đột nhập các cửa hàng kinh doanh điện thoại trộm bán lấy tiền chinh phục thế giới ảo.

Công tác quản lý - “cú nhát” và chiếu lệ

Trao đổi về thực trạng game online về đêm, ông Đặng Văn Đức - Trưởng phòng Quản lý Bưu chính - Viễn thông (Sở Thông tin & Truyền thông) cho biết: “Các đại lý internet và các điểm cung cấp trò chơi điện tử khi kinh doanh phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động, có đăng ký kinh doanh theo quy định của Bộ. Theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP thì các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử không được hoạt động từ 22h đến 8h sáng hôm sau”.

Náo nhiệt internet về đêm
Náo nhiệt internet về đêm

Theo quy định, các điểm kinh doanh dịch vụ internet do chính quyền địa phương như UBND xã, phường, các phòng VHTT quản lý trực tiếp. Khi phát hiện sai phạm, có sự trình báo của các cơ quan thì Sở mới phối hợp với lực lượng công an giải quyết.

Nghị định 72/2013/NĐ-CP được ban hành, có hiệu lực cuối năm 2013 nhưng việc xử lý chỉ mới dừng lại ở việc lập biên bản và nhắc nhở. Anh Nguyễn Duy Cường - Phó phòng VHTT thành phố Hà Tĩnh chia sẻ: “Đội kiểm tra liên ngành 814 một tháng chỉ kiểm tra 1-2 lần bởi đang mang tính chất kiêm nhiệm. Năm 2013, qua kiểm tra đã xử phạt Câu lạc bộ AOE ở đường Vũ Quang 1 triệu đồng. Từ tháng 9/2013 đến nay, chỉ có 1 trường hợp vi phạm bị xử phạt, 5 cơ sở vi phạm bị lập biên bản nhắc nhở. Với những hệ lụy như đã nói và việc xử lý “tháng đôi lần” mang tính chất chiếu lệ thì hoạt động interner đêm lộn xộn là điều dễ hiểu.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, kiểm tra vẫn còn nhiều chồng chéo. Phòng Tài chính - Kế hoạch chịu trách nhiệm tham mưu cấp giấy phép hoạt động kinh doanh cho đại lý cung cấp dịch vụ internet nhưng Phòng VHTT lại chịu trách nhiệm thanh, kiểm tra và xử phạt. Qua trao đổi, ngay cả những cán bộ Phòng VHTT cũng chưa nắm cụ thể nội dung của Thông tư 23/2013/TT-BTTTT. Với cách làm này, e rằng, còn lâu nữa các quy định về quản lý đại lý dịch vụ internet mới đi vào thực tế.

Để xử lý dứt điểm tình trạng kinh doanh game qua đêm, ông Đặng Văn Đức cho rằng: “Trước đây, việc thanh tra, kiểm tra khó khăn vì nhiều nơi làm chui. Còn bây giờ phải có sự thẩm định trước. Cụ thể, các điểm kinh doanh trong thời hạn 1 năm, kể từ tháng 2/2014 muốn hoạt động thì phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện. Đến tháng 2/2015, Sở sẽ tiến hành thanh tra đồng loạt, những đại lý không đúng quy định sẽ bị đóng cửa”. Trong thời gian Nghị định 72 và Thông tư 23/2013/TT-BTTTT được ban hành, Sở Thông tin & Truyền thông tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn và sẽ có văn bản hướng dẫn về thủ tục đăng ký kinh doanh. Như vậy là từ nay tới khi các văn bản có hiệu lực và chờ Sở Thông tin & Truyền thông thanh tra đồng loạt, game xuyên đêm vẫn cứ tiếp tục “over night”!.

Những người chơi game, nghiện game đa số đều có lối sống khá thoáng”. Một mặt, các em không có sự quản lý chặt của gia đình, mặt khác bị bạn bè rủ rê, ham sự, mới lạ trong các trò bạo lực… Thiết nghĩ, các bậc phụ huynh cần có sự quan tâm, theo dõi, bảo ban con cái thường xuyên; hạn chế giờ chơi game, hướng các em đến các trò thể dục thể thao, vận động rèn luyện sức khỏe.

BOX: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 35, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng phải cách cổng trường từ 200m trở lên; có biển hiệu “Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng” gồm tên, địa chỉ, số điện thoại, số đăng ký kinh doanh; có diện tích ứng với khu vực đô thị và khu vực khác, trong đó TP Hà Tĩnh là đô thị loại III thì diện tích tối thiểu là 50m2…

Thông tư 23/2013/TT-BTTTT: Đến trước ngày 10/2/2015, các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động (có hồ sơ kèm theo), có thể được gia hạn 1 lần với thời hạn tối đa là 6 tháng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast