Phu đá ong

(Baohatinh.vn) - Nói đến đá ong, chắc hẳn trong chúng ta có nhiều người không hình dung ra. Âu cũng là lẽ thường, vì đá ong không còn tồn tại từ những năm 80 của thế kỷ XX...

Ngày xưa, khi đời sống xã hội chưa phát triển, tại các vùng trung du, vùng trà sơn của các huyện Hương Sơn, Đức Thọ và Can Lộc, nghề đào đá ong phát triển rất mạnh. Cũng vào thời kỳ đó, đá ong là loại vật liệu duy nhất được người dân đào để xây nhà.

Người thợ phải dùng đồ nghề chuyên dụng mới khai thác được đá ong
Người thợ phải dùng đồ nghề chuyên dụng mới khai thác được đá ong

Hồi nhỏ, tôi thường nghe mẹ kể chuyện đào đá ong (viên đá có nhiều hạt đá, nhiều màu khác nhau liên kết lại trông rất giống tổ ong nên được gọi là đá ong) để xây nhà. Nhà bà ngoại tôi ở Tùng Ảnh (Đức Thọ) rất nghèo, phải tích góp mãi mới có tiền thuê thợ đào đá ong trong vườn để làm một nếp nhà. Hồi đó, do điều kiện kinh tế rất khó khăn, nhiều gia đình không đủ tiền mua vật liệu sẵn có, nên phải thuê thợ đến nhà để làm.

Đá ong thường có ở những khu vực bán sơn địa, triền đồi, chân đồi thuộc các vùng đất đỏ bazan. Phần đá thường nằm ở dưới độ sâu 1m trở xuống, vì thế, khi khai lò phải phong hóa lớp đất mặt, đến lớp đá cứng và rắn chắc có màu đỏ sẫm hoặc vàng đậm mới xuất hiện đá ong. Người thợ dùng đồ nghề chuyên dụng gồm mỏ nhát, cuốc chim và xà beng để đào.

Bước đầu, họ dùng cuốc chim tạo mặt bằng cho bề mặt, sau đó, dùng xà beng xắn một đường thẳng dài 40 cm tương ứng với 1 viên đá (40x20x15). Người thợ dùng xà beng khéo léo xắn từng nhát nhẹ nhàng cả 3 phía cho đến khi các phía dài và rộng đều được đào với độ sâu (tức là chiều dày) 15 cm thì viên đá sẽ được khéo léo cạy lên. Khi viên đá được cạy lên khỏi khối đá, người thợ dùng cuốc chim lưỡi mỏng và sắc nhẹ nhàng đẽo gọt các mặt bằng phẳng và nhẵn nhụi rồi sắp thành hàng để hong nắng và gió.

Hàng sẵn sàng đi mọi nơi phục vụ người dùng
Hàng sẵn sàng đi mọi nơi phục vụ người dùng

Đặc điểm của đá ong là khi còn nằm dưới tầng đất sâu thì có độ cứng vừa phải, nhưng khi đã được đào lên khỏi mặt đất, hong nắng và gió ít ngày thì trở nên rắn chắc, màu sắc cũng rất đặc trưng. Ông Đào Xuân Soạn (xóm 3, xã Đức Lập, Đức Thọ) năm nay đã ngoài 80 tuổi, cho biết: “Khi còn là thanh niên, tôi theo cha đi đào đá ong để kiếm tiền đong gạo. Vào thời kỳ đó, mỗi viên đá đổi được nửa bơ, mỗi ngày, tôi đào được 10 viên đá, đổi được 5 bơ, đủ ăn cho cả gia đình trong ngày. Những lúc nông nhàn, cả làng Đức Lập kéo nhau đi đào đá ong bán khắp huyện để mua gạo chống đói”.

Đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX, khi xã hội phát triển, gạch đỏ dần thay thế đá ong và nghề đào đá ong cũng mai một. Tên của viên đá một thời là cứu cánh cho các gia đình cũng bị quên lãng.

Tưởng chừng, khi có nhiều loại vật liệu thay thế, đá ong sẽ vĩnh viễn biến mất khỏi đời sống xã hội hiện đại. Nhưng không, đá ong hiện nay lại được nhiều người ưa chuộng, nhất là những gia đình có điều kiện. Họ tìm và đặt hàng cho các phu đá ong để xây nhà vườn, biệt thự, hàng rào trang trí tại các quán cà phê, nhà hàng lớn ở thành phố và đặc biệt là các tổ chức xã hội, chính quyền địa phương có nhu cầu dùng đá ong để khôi phục lại các đình, chùa, miếu mạo, di tích lịch sử văn hóa. Và nghề đào đá ong đang có cơ hội sống lại. Các phu đá có cơ hội được làm lại cái nghề mà cách đây hàng chục năm gắn bó mặc dù đây là một trong những nghề hết sức vất vả.

Cổng nhà bằng đá ong trên đường Nguyễn Huy Tự - TP Hà Tĩnh.
Cổng nhà bằng đá ong trên đường Nguyễn Huy Tự - TP Hà Tĩnh.

Anh Đào Xuân Lục - chủ lò đá ong duy nhất của xã Đức Lập cho biết: “Nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng và nhu cầu sử dụng đá ong ngày càng lớn của khách hàng, tôi mua hàng ngàn m2 đất tại thôn 5 - nơi có tầng đá ong dày và chất lượng nhất để khai thác cung cấp cho thị trường”.

Trước nhu cầu ngày càng nhiều đơn hàng, anh Lục mở 2 lò đào đá ong tại đây, mỗi lò rộng từ 100-200 m2. Anh Lục thuê 2 tốp phu đá ong tại địa phương và các xã lân cận như Đức An, Đức Dũng, mỗi tốp gồm 20 người làm liên tục để có đá cung cấp cho khách hàng. Hiện có rất nhiều đơn hàng lớn với số lượng hàng vạn viên, thậm chí, nhiều khách hàng ở Nghệ An, Thanh Hóa cũng đã tìm đến đặt hàng nhưng anh Lục không dám nhận nhiều vì sợ không làm kịp. Được biết, mỗi viên đá bán tại lò là 40.000 đồng, sau khi trừ chi phí, nhân công, tiền đất thì chủ lò thu về vài triệu đồng tiền lãi/ngày.

Anh Nguyễn Xuân Lương - một phu đào đá ong cho biết: “Nghề đào đá ong tuy vất vả nhưng cho thu nhập tương đối ổn định, có thêm tiền cho con cái ăn học. Mỗi ngày, tôi đào được 12 viên, mỗi viên được chủ lò trả 23.000 đồng thì cũng kiếm được gần 300.000 đồng. Còn thợ sửa đá mỗi ngày cũng có thu nhập gần 250.000 đồng”.

Mặc dù chưa rầm rộ như thời hoàng kim nhưng với nhu cầu như hiện nay, nghề đào đá ong ở Đức Lập đang hồi sinh, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương và các vùng phụ cận, góp thêm vào thị trường một loại vật liệu như một cách để phục hồi vốn cổ. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra cho chính quyền địa phương và ngành chức năng những việc cần làm trong công tác quản lý, tránh tình trạng khai thác bừa bãi, dẫn đến những hệ lụy về môi trường, an toàn vệ sinh lao động...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast