Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ trì hoãn kích hoạt S-400 của Nga?

Dù đã nhận chuyển giao từ Nga, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ chưa thể kích hoạt hệ thống S-400 vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ trì hoãn kích hoạt S-400 của Nga?

Hệ thống phòng không S-400 của Nga được giới thiệu tại một diễn đàn quân sự ở ngoại ôthủ đô Moskva. Ảnh: AFP/TTXVN.

Khi bắt đầu nhận bàn giao hệ thống tên lửa phòng thủ S-400 từ Nga vào mùa hè năm ngoài, Thổ Nhĩ Kỳ ở vào trạng thái rất hân hoan. Các kênh truyền hình cho phát trực tiếp hình ảnh máy bay vận tải chở chuyến hàng tới căn cứ không quân ở ngoại đô Ankara thời điểm tháng 7 và tháng 8.

Lúc đó, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố những hệ thống tối tân này sẽ đi vào hoạt động trong tháng 4/2020 – mốc thời gian mà ông đã lặp đi lặp lại ít nhất 7 lần bất chấp việc Mỹ tìm cách thuyết phục lẫn đe dọa Ankara từ bỏ hợp đồng. Số tên lửa được chuyển đến bằng đường biển vào tháng 12/2019, thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu kiểm tra các hệ thống. Tháng 1/2020, các sĩ quan không quân của nước này được đào tạo vận hành S-400 tại Nga chính thức nhận nhiệm vụ mới.

Khi thời hạn tháng 4 dần qua đi, các tổ hợp S-400 vẫn ở trạng thái nguyên kiện, đặt tại Trung tâm chỉ huy không quân Murted. Ankarra chọn thông báo “trì hoãn” không chính thức, với việc để một quan chức giấu tên chia sẻ với hãng tin Reuters thông điệp “không có bất kỳ thay đổi nào về kích hoạt các hệ thống S-400. Nhưng do dịch COVID-19, nên kế hoạch đưa vào vận hành trong tháng 4 sẽ được lùi lại”.

Việc trì hoãn này hẳn nhiên làm Mỹ hài lòng, khi Washington liên tục nhắc lại mối quan ngại về hợp đồng này. “Chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh ở cấp cao nhất rằng vụ mua bán này nằm trong diện trừng phạt của Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt (CAATSA) và nó vẫn là rào cản lớn trong quan hệ song phương Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ cũng như hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ với khối NATO. Chúng tôi tin rằng Tổng thống Erdogan và giới quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ hiểu điều này”, nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nêu quan điểm.

Hiển nhiên, lý do khiến Ankara trì hoãn kích hoạt trung đoàn S-400 với bốn khẩu đội tên lửa trị giá 2,5 tỉ USD không nằm ở vấn đề kỹ thuật. Dù Thổ Nhĩ Kỳ lấy lý do dịch COVID-19 để bao biện, vấn đề hoàn toàn nằm ở yếu tố chính trị. Dịch bệnh không làm gián đoạn bất kỳ chiến dịch quân sự nào của Thổ Nhĩ Kỳ ở trong nước hay ở Syria, Iraq. Nó không có tác động về mặt quân sự đến độ buộc phải hủy việc kích hoạt các hệ thống S-400.

Tình hình kinh tế ngày một tệ được coi là yếu tố chủ chốt khiến chính quyền Erdogan phải trì hoãn. Thực chất, bất kỳ lệnh cấm vận nào trong phạm vi của CAATSA cũng sẽ làm gia tăng nguy cơ kinh tế nghiêm trọng trong bối cảnh COVID-19 tấn công Thổ Nhĩ Kỳ. Cần phải nhắc lại rằng, chính Ankara đã tìm cách tiếp cận Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ, với mục đích tìm kiếm khoản vay 10 tỉ USD từ Mỹ tại thời điểm dự trữ ngoại hối suy kiệt.

Vì những quan ngại chính trị trong nước, Thổ Nhĩ Kỳ không muốn tìm kiếm trợ giúp từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Nói ngắn gọn, kích hoạt các tổ hợp S-400 có thể sẽ gây ra tổn thất kinh tế lớn đối với Ankara, giống với khủng hoảng đồng nội tệ hồi mùa hè năm 2018 khi Washington tung đòn trừng phạt để trả đũa vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một mục sư người Mỹ.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ trì hoãn kích hoạt S-400 của Nga?

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Nhà Trắng ngày 13/11/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhu cầu khẩn thiết về nguồn ngoại tệ từ Mỹ để cứu vãn nền kinh tế đang bị dịch COVID-19 tàn phá không phải là nguyên nhân duy nhất. Việc trì hoãn còn chịu tác động bởi ít nhất ba yếu tố khác: Thay đổi đường hướng địa chiến lược của Ankara tại Syria nhằm tạo đối trọng trước Nga và Iran, nhu cầu cần phải duy trì quan hệ hữu hảo với Tổng thống Donald Trump - thế lực gần như là duy nhất của ông Erdogan trong guồng máy chính trị ở Washington và cuối cùng là để chiều lòng dư luận trong nước.

Tại Syria, đối đầu giữa Thổ Nhĩ Kỳ với hai đối tác Nga và Iran tại điểm nóng Idlib ở Syria hồi tháng 2 cho thấy lợi ích giữa Ankara và Washington ngày một xích lại gần nhau. Những rào cản trong hợp tác với Moskva bộc lộ rõ nét cả ở vùng Đông Bắc và Tây Bắc Syria. Bất chấp thỏa thuận đạt được giữa ông Erdogan và Tổng thống Vladimir Putin hồi đầu tháng 3, hố sâu ngăn cách giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ngày càng rộng liên quan đến tuyến đường huyết mạch M4 ở nam Idlib, nơi đang tiềm ẩn đụng độ tại thời điểm Ankara tìm cách thống nhất các nhóm vũ trang dòng Sunni – cả các nhóm ôn hòa và cực đoan, để chống lại sự hiện diện ngày một lớn của số chiến binh thân Iran và quân đội Syria.

Mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cũng là điểm phải tính đến. Theo một nguồn tin giấu tên ở Ankara, khủng hoảng liên quan đến vụ bắt giữ mục sư Andrew Brunson năm 2018 đã dạy cho ông Erdogan một bài học về những hệ lụy từ việc cãi tay đôi với ông Trump. Dịch COVID-19 quả thực là cơ hội trời cho để Ankara tránh một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng với Mỹ liên quan đến thương vụ S-400. Nguồn tin này cho biết, tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Nhà Trắng tháng 11/2019, đích thân ông Trump đã nêu vấn đề và nhấn mạnh mối quan tâm của Mỹ về hợp đồng này. Tổng thống Mỹ tuyên bố việc Thổ Nhĩ Kỳ kích hoạt S-400 sẽ là giới hạn đỏ đối với Washington và đến lúc đó ông Trump sẽ không thể bảo vệ Ankara được nữa, khi đa phần giới chính trị Mỹ đều muốn trừng phạt ông Erdogan.

Cuối cùng là vấn đề liên quan đến chính trị nội bộ. Kích hoạt hệ thống S-400 ở thời điểm hiện tại tiềm ẩn nguy cơ kích thích lực lượng chính trị đối lập đòi triển khai các tổ hợp này tới biên giới Syria để bảo đảm an ninh cho binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib. Hiện có 22.000 lính Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai ở 56 cứ điểm dọc Idlib mà không có tên lửa đạn đạo và tên lửa phòng không tầm trung bảo vệ, vốn là nguyên nhân khiến 61 binh sĩ nước này thiệt mạng kể từ cuối tháng 2.

Ông Erdogan sẽ phải giải thích tại sao các tổ hợp S-400 ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu lại được bố trí ở Ankara, chứ không phải Idlib, nơi rất cần sự hỗ trợ của loại vũ khí phòng không này. Nhưng nếu triển khai ở Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngay lập tức lâm vào khủng hoảng với Moskva. Vì thế, lùi thời hạn kích hoạt S-400 tại thời điểm này cũng sẽ giúp tránh được một cuộc khủng hoảng chính trị trong nước.

Đương nhiên, quyết định trì hoãn sẽ khiến Moskva không hài lòng. Nga từ lâu đã hy vọng sẽ bán cho Thổ Nhĩ Kỳ một trung đoàn S-400 nữa sau khi Ankara cam kết sẽ mua thêm. Câu hỏi đặt ra là ông Erdogan sẽ để S-400 ở trạng thái nguyên kiện được bao lâu mà không làm mất lòng Tổng thống Nga. Trì hoãn có thể giúp Ankara có thêm một vài tháng xoay sở, nhưng nhiệm vụ tới đây còn nặng nề hơn nhiều, khi Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải xử lý điểm nghẽn này theo hướng phải làm hài lòng Nga và Mỹ.

Theo Báo Tin tức

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast