Nhiều điểm “nghẽn” trong quản lý, bảo vệ rừng ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Dù đạt được những kết quả quan trọng nhưng không khó để nhận ra, năm 2018, công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR), phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn còn nhiều điểm “nghẽn” cần tháo gỡ.

Nhiều điểm “nghẽn” trong quản lý, bảo vệ rừng ở Hà Tĩnh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn làm việc với lãnh đạo Sở NN&PTNT và Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh về công tác quy hoạch 3 loại rừng vào đầu năm 2018

Cháy rừng tăng cao

Năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ cháy rừng, diện tích có rừng bị cháy 49,22ha, diện tích rừng bị thiệt hại 19,63ha (tăng 8 vụ, diện tích thiệt hại tăng 18,6 ha so với năm 2017). Gần như các địa phương có rừng trong tỉnh đều để xẩy ra cháy rừng.

Thời điểm cuối tháng 6 đầu tháng 7, khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao do thời tiết nắng nóng kéo dài, cháy rừng đã liên tiếp xẩy ra. Nghiêm trọng nhất là vụ cháy 20 ha rừng thông tại khu vực núi Hói Lã, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, vào ngày 30/6/2018. Vụ cháy kéo dài đến hơn 10 tiếng đồng hồ này đã gần như thiêu rụi toàn bộ diện tích thông ở đây.

Nguyên nhân khách quan là do thời tiết nắng nóng kéo dài. Còn nguyên nhân chủ quan chính là do chưa thực sự “lấy phòng làm chính” như vẫn thường nhấn mạnh trong các phương án PCCCR ở tất cả các cấp, các ngành...

Ông Nguyễn Sỹ Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thị xã Kỳ Anh đã từng chia sẻ: Bên cạnh việc kiểm soát lửa rừng, xây dựng đường băng cản lửa là một giải pháp được xem là hữu hiệu nhất trong PCCCR. Thế nhưng, do thiếu kinh phí, các chủ rừng, kể cả chủ rừng Nhà nước cũng chỉ mỗi năm làm mới được vài trăm mét, chẳng thấm vào đâu so với hàng ngàn, thậm chí, hàng chục ngàn ha rừng trọng điểm dễ cháy đang được giao quản lý, bảo vệ.

Nan giải nạn tranh chấp, lấn chiếm đất rừng... trái phép

Ghi nhận từ Kiểm lâm tỉnh, năm 2018, bên cạnh tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản nhỏ lẻ thì vấn nạn tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trái phép vẫn diễn ra, không chỉ âm thầm, mà còn công khai với hàng trăm người tham gia.

Các chủ rừng lớn, như: Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Sông Tiêm, Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh, BQL RPH Nam Hà Tĩnh, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Chúc A... đều chung cảnh mất đất, mất rừng do bị một số bộ phần người dân lấn chiếm.

Nhiều điểm “nghẽn” trong quản lý, bảo vệ rừng ở Hà Tĩnh

Dù đã được phát dọn thực bị để chuẩn bị sản xuất nhưng Tiểu khu 402 thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh vẫn bị nhiều hộ dân xã Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh) lấn chiếm trồng keo.

Điển hình cho tình trạng này là vụ trên trăm lượt người dân ở xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh ngang nhiên chiếm đất rừng của Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh để trồng keo. Vụ việc này kéo dài cả năm trời vẫn chưa giải quyết được. Đó là chưa kể, hàng chục vụ lấn chiếm đất rừng, hủy hoại rừng khác đang diễn ra âm thầm tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Còn trên 4.000 ha rừng và đất rừng chưa có chủ

Theo Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, hiện toàn tỉnh còn khoảng 4.200 ha rừng và đất rừng đã được thu hồi từ các chủ rừng Nhà nước chuyển về địa phương nhưng chưa giao, chưa cho thuê rừng. Việc quản lý, bảo vệ diện tích này đang là dấu hỏi lớn, tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp, lấn chiếm.

Ông Nguyễn Văn Hùng, xã Phú Gia, huyện Hương Khê, bức xúc: Người dân cần đất rừng để sản xuất, tăng thêm thu nhập thì không có, còn đất rừng thu về giao cho chính quyền quản lý lại để cho một số hộ lợi dụng lấn chiếm trái phép...

Được biết, trong khoảng 4.200 ha trên thì huyện Kỳ Anh còn 1.000 ha, Hương Khê 700 ha, Thạch Hà 500 ha, Cẩm Xuyên 750 ha, Vũ Quang 1.200 ha...

Các vụ khai thác rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép trong năm qua, điển hình là ở xã Kỳ Lâm, xã Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh) hay ở xã Hương Lâm, xã Hương Liên (huyện Hương Khê) và một số địa phương khác cho thấy, vai trò quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp thời gian quan vẫn còn nhiều chuyện phải bàn.

Nhiều điểm “nghẽn” trong quản lý, bảo vệ rừng ở Hà Tĩnh

Lực lượng Kiểm lâm tỉnh kiểm tra vụ khai thác rừng trái phép tại Tiểu khu 361 và 366, thuộc xã Kỳ Thượng (Kỳ Anh), thuộc lâm phần do BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ quản lý.

Để gỡ được các điểm “nghẽn” trên, ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết, thời gian tới, các ngành chức năng, các địa phương có rừng trong tỉnh sẽ siết chặt công tác phê duyệt, kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương án quản lý, BVR, PCCCR hằng năm của các chủ rừng; gắn trách nhiệm người đứng đầu tại địa phương, đơn vị, ngành, nhất là ở cấp xã; có phương án giao đất, giao rừng cho người dân đối với diện tích đã thu hồi từ các chủ rừng nhà nước; xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ hủy hoại rừng, lấn chiếm đất rừng tại một số địa phương...

Chủ đề Lâm nghiệp - bảo vệ rừng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast