Để trẻ không nói dối

(Baohatinh.vn) - Có lẽ, không một bậc cha mẹ nào muốn dạy con mình nói dối. Nhưng họ quên rằng, đôi khi chính những suy nghĩ đơn giản nói dối cho qua chuyện, la mắng khi con làm sai điều gì đó... đã vô tình tạo thói quen nói dối ở trẻ.

Mặc dù luôn khuyên con phải thành thật nhưng nhiều bố mẹ lại nói dối ngay trước mặt con. Anh T. là giám đốc một doanh nghiệp làm ăn phát đạt. Với vị trí xã hội cao, mối quan hệ rộng nên khách khứa, bạn bè, họ hàng gần xa đến nhà thăm nom, biếu xén, tiện thể nhờ vả việc nọ, việc kia rất nhiều. Để tránh phiền phức, ngoài những người khách đặc biệt không thể không tiếp, còn lại, anh thường bảo vợ hoặc người giúp việc ra mở cổng và nói: “Anh ấy đi công tác, không có nhà”. Thường xuyên chứng kiến bố, mẹ và người giúp việc nói dối với khách, như một cách vô thức trong đầu con trai 7 tuổi, sau một thời gian, con anh luôn có những câu trả lời để đối phó nếu không muốn nói thật.

Ảnh: Yeutretho

Ảnh: Yeutretho

Con trai chị M. lên 5 tuổi rất hiếu động và thích đá bóng. Một hôm, cháu chơi đá bóng trong nhà, làm vỡ lọ hoa. Khi chị hỏi ai làm vỡ lọ hoa, mặt con trai chị tái xanh nhưng vẫn cố cãi không phải do mình gây ra.

Trên thực tế, những câu chuyện cha mẹ vô tình “làm gương” cho con về tật nói dối như trường hợp anh T. rất nhiều. Đây có lẽ là nguyên nhân chính khiến cho tỷ lệ trẻ nói dối ngày càng tăng. Theo một số kết quả nghiên cứu khảo sát của chuyên gia tâm lý thì tỉ lệ học sinh nói dối cha mẹ tăng dần theo lứa tuổi và theo cấp học. Cụ thể, có 22% học sinh tiểu học, 50% học sinh THCS, 64% học sinh THPT và 80% sinh viên nói dối cha mẹ. Biểu đồ thống kê cũng cho thấy, học sinh càng lớn tuổi càng nói dối nhiều.

Việc trẻ nói dối phần lớn là do cách hành xử của cha mẹ thường ngày. Nếu cha mẹ quá nghiêm khắc, trách mắng và phạt nặng khi trẻ phạm lỗi lầm, trẻ cũng sẽ nói dối nhiều hơn để bảo vệ bản thân khi mắc lỗi. Để có thể giúp trẻ không nói dối bằng việc không hỏi trực diện “ai làm vỡ lọ hoa?” như trường hợp con chị M., cha mẹ nên hỏi “lọ hoa này vỡ như thế nào?” để trẻ phân trần. Biện pháp này sẽ giúp trẻ nói ra suy nghĩ của mình mà quên đi sự sợ hãi. Cha mẹ nên giải thích, khuyến khích trẻ nói thật những gì đã trải qua với thái độ bình tĩnh cũng là biện pháp giúp trẻ không nói dối. Ví như trẻ bỏ học đi chơi bị cha mẹ trừng phạt bằng roi vọt thì lần sau, vào trường hợp tương tự, trẻ sẽ bịa đặt lý do để tránh đòn.

Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ là tấm gương phản xạ cuộc sống. Nếu sống trong môi trường mà cha mẹ nói dối, người xung quanh nói dối thì tự nhiên các em cũng nhiễm thói xấu này. Vì thế, người lớn khi nói, làm điều gì cần phải cân nhắc thật kỹ, nếu không sẽ vô tình tập thói nói dối cho con. Lớn lên, trẻ dễ trở thành người đối phó, không tự chịu trách nhiệm với việc mình làm và trở nên hèn nhát.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast